Ngày 13.3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt ngay" hành động tổ chức du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép.
Trong phiên họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 13.3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và việc tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi một tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 95215 TS ở khu vực đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động như vậy đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10.2011. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động đó, đóng góp xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần 90% diện tích Biển Đông theo yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" phi pháp. Tháng 7.2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Để củng cố yêu sách của mình trên Biển Đông, Trung Quốc đã khuyến khích sự hiện diện dân sự trên quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.
Trung Quốc bắt đầu tổ chức chuyến du lịch phi pháp đến quần đảo Hoàng Sa từ năm 2013, bất chấp sự phản đối của Việt Nam.
Thiên Hà (theo Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam)