Trong vụ Việt Á, VKS đề nghị HĐXX xử phạt cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long từ 19 - 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Sáng 8.1, đại diện VKS đã tiến hành luận tội, nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với 38 bị cáo trong vụ án Việt Á.
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) từ 19 - 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) bị đề nghị tổng hợp 30 năm tù cho cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Hai cựu lãnh đạo Bộ KH-CN là Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng) cùng bị VKS đề nghị từ 3 - 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
VKS: "Một số bộ phận cán bộ bị suy thoái đạo đức"
Theo VKS, vụ án này là điển hình cho lợi ích nhóm, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm một số bộ phận cán bộ bị suy thoái đạo đức.
“Trong khi nhà nước đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh thì một bộ phận doanh nghiệp đã câu kết với cán bộ nhà nước thông đồng, thu lợi bất chính”, VKS nêu rõ.
Theo nội dung vụ án, năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát nên Chính phủ giao Bộ KH-CN nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phòng chống dịch. Việc nghiên cứu kit xét nghiệm sau đó được giao cho Học viện Quân y chủ trì với kinh phí 18,9 tỉ đồng.
Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (khi đó là Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN) tác động đến người có liên quan để Công ty Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y. Bị cáo Chu Ngọc Anh khi đó là Bộ trưởng KH-CN đã ký quyết định đồng ý việc này.
Kết quả nghiên cứu là tài sản của nhà nước, do bị cáo Chu Ngọc Anh đại diện sở hữu, nhưng ông Chu Ngọc Anh cùng cấp dưới là Phạm Công Tạc (khi đó là Thứ trưởng Bộ KH-CN) đã để Công ty Việt Á mang đi đăng ký sở hữu.
Sau khi thực hiện những hành vi này, Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; Phạm Công Tạc nhận từ Phan Quốc Việt 50.000 USD và bị cáo Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD.
Tiếp đó, Phan Quốc Việt dùng kết quả này đi đăng ký tại Bộ Y tế, để Công ty Việt Á sản xuất thương mại và bán ra thị trường.
Một số bị cáo khác ở Bộ Y tế cũng bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ, làm sai quy định, giúp Công ty Việt Á được phép sản xuất kit xét nghiệm để bán thương mại.
Ngoài ra, thời điểm Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm với giá cao cho nhiều cơ quan trên địa bàn cả nước, Phan Quốc Việt cũng “cảm ơn” nhiều người có chức vụ, quyền hạn.
Phan Quốc Việt là chủ mưu
Xét hành vi của Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á), VKS nhận thấy trong vụ án này, Việt đóng vai trò chủ mưu, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức. Bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên.
Tuy nhiên, theo VKS, tại phiên tòa, bị cáo đã khai báo thành khẩn, nộp 200 triệu đồng và có đơn đề nghị được dùng tài sản bị phong tỏa để khắc phục hậu quả. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đối với bị cáo Trịnh Thanh Hùng, theo VKS, Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, cấu kết thông đồng với Phan Quốc Việt và các bị cáo khác để thực hiện một chuỗi hành vi sai phạm, can thiệp giúp cho Việt Á xuyên suốt trong quá trình biến sản phẩm kit xét nghiệm từ sở hữu của nhà nước thành sở hữu của Việt Á để sản xuất, bán thương mại trái phép, gây thiệt hại số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.
Bị cáo Hùng đã 2 lần nhận của Việt tổng số tiền 350.000 USD. Theo VKS, hành vi của bị cáo Hùng đã xâm phạm hoạt động quản lý của nhà nước, là khởi đầu cho chuỗi hành vi sai phạm của bị cáo Việt. Bị cáo phạm tội có tổ chức. Tuy nhiên, bị cáo tích cực hợp tác với CQĐT, quá trình công tác, bị cáo được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nên đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.
Đối với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế), theo VKS, bị cáo biết rõ kit xét nghiệm COVID-19 là sản phẩm thuộc sở hữu của nhà nước, Công ty Việt Á không phải là đối tượng được cấp số đăng ký nhưng đã đồng ý theo đề nghị của Phan Quốc Việt.
Bị cáo Long đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Việt Á xuyên suốt trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho kit xét nghiệm trái quy định của pháp luật.
Quá trình giúp Công ty Việt Á, Nguyễn Thanh Long đã thông qua Nguyễn Huỳnh gợi ý và nhận tiền hối lộ của Phan Quốc Việt nhiều lần. Trong đó, Nguyễn Thanh Long nhận tổng cộng 2,25 triệu USD.
Theo VKS, hành vi của ông Long và ông Huỳnh đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Tại tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Quá trình công tác, ông Long được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen…
Khiến sản phẩm quốc gia bị chiếm dụng
Đối với hành vi sai phạm của 2 cựu lãnh đạo Bộ KH-CN, theo VKS, ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng, đại diện chủ sở hữu nhà nước về đề tài KH-CN đã cùng bị cáo Phạm Công Tạc thực hiện loạt sai phạm khi để cho Việt Á biến đề tài của nhà nước thành tài sản của doanh nghiệp, không thực hiện đúng quy định của pháp luật và của luật KH-CN.
Ngoài ra, 2 cựu lãnh đạo Bộ KH-CN còn bị VKS xác định đã khen thưởng cho Việt Á, giúp doanh nghiệp này truyền thông, tạo điều kiện cho công ty thực hiện những sai phạm tiếp theo. 2 bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm, gây ảnh hưởng xấu trong lĩnh vực KH-CN, khiến cho sản phẩm quốc gia bị chiếm dụng.
Tuy nhiên, VKS xét thấy bị cáo Chu Ngọc Anh thành khẩn khai nhận, nộp tiền khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác nên VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Đối với Phạm Công Tạc, theo VKS, bị cáo Tạc khai chỉ nhận của Phan Quốc Việt 100 triệu đồng; tuy nhiên qua tài liệu hồ sơ vụ án cùng lời khai của những bị cáo có liên quan, VKS xác định Tạc đã nhận 50.000 USD từ Việt. Quá trình công tác, bị cáo cũng có nhiều thách tích, nên VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho cựu Thứ trưởng.