Sự xuất hiện ồ ạt của hơn 200 tàu cá lớn từ Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại về hành vi đánh bắt bừa bãi những loài sinh vật vốn cần được bảo vệ ở một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên trái đất.

Vùng biển Nam Mỹ ‘lâm nguy’ trước các tàu cá Trung Quốc

10/08/2020, 05:27

Sự xuất hiện ồ ạt của hơn 200 tàu cá lớn từ Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại về hành vi đánh bắt bừa bãi những loài sinh vật vốn cần được bảo vệ ở một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên trái đất.

Các tàu cá Trung Quốc - Ảnh: Internet

Trong nhiều tuần, khoảng 260 tàu cá mang cờ Trung Quốc đã hoạt động gần khu bảo tồn biển Galapagos (Ecuador), nơi việc đánh bắt bị hạn chế. Mặc dù chưa có quy định cụ thể coi những động thái này là bất hợp pháp, nhưng các chuyên gia cho biết các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc “rất đáng báo động” do phạm vi gần khu bảo tồn, nơi có các sinh vật biển dễ bị tổn thương cùng các hệ sinh thái quan trọng.

Được biết Galapagos cách đất liền khoảng 910km là quần đảo lịch sử đã tạo cảm hứng cho nhà khoa học Charles Darwin nghiên cứu về thuyết tiến hóa. Khu vực này nổi tiếng với các loài động thực vật độc đáo, thu hút khoảng 250.000 khách du lịch mỗi năm. Ngoài ra, quần đảo này được mệnh danh là một “bảo tàng sống trưng bày về sự tiến hóa”, nơi sinh sống của cá mập, cá voi, cá heo, chim và bò sát, cũng như nhiều loài đặc đặc biệt mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. UNESCO vào năm 1978 đã công nhận Galapagos là Di sản thiên nhiên của nhân loại.

Với nguồn thủy sản phong phú, tàu cá Trung Quốc hằng năm thường tìm đến khu vực gần quần đảo Galapagos để đánh bắt. Nhưng năm nay đã ghi nhận số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động lớn nhất trong lịch sử.

Hải quân Ecuador hồi giữa tháng 7 cho biết họ đã phát hiện 260 tàu cá, hầu hết là tàu Trung Quốc, đang neo đậu ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos của nước này. Cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador Yolanda Kakabadse cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc, đi kèm với hoạt động đánh bắt cá, có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sự cân bằng sinh thái tại khu vực. "Quy mô và cường độ khai thác sinh vật biển của đội tàu này là mối đe dọa lớn đối với cân bằng sinh thái ở Galapagos", bà Yolanda cảnh báo.

Sự xuất hiện của đội tàu cá Trung Quốc lần gần đây nhất cũng khiến công chúng Ecuador phẫn nộ. Quốc gia Nam Mỹ này đã gửi công hàm phản đối và hải quân nước này vẫn cảnh giác cao độ trước bất kỳ hành động xâm phạm nào của tàu Trung Quốc vào vùng biển Ecuador.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2.8 đã lên án đội tàu cá của Trung Quốc thường xuyên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đánh bắt không phép và quá mức quy định.

“Trung Quốc đã trợ cấp cho đội tàu cá thương mại lớn nhất thế giới, thường xuyên xâm phạm quyền chủ quyền và tài phán của các quốc gia ven biển, đánh bắt cá khi chưa được cho phép và đánh bắt cạn kiệt”, ông Pompeo nói.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thúc giục cộng đồng quốc tế sát cánh để phản đối các hành vi ngang ngược của Bắc Kinh. "Với hồ sơ đáng tiếc về việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và thiếu kiểm soát, phá vỡ quy tắc và cố ý tàn phá môi trường, việc cộng đồng quốc tế cùng nhau đứng lên vì luật pháp và đòi hỏi Bắc Kinh bảo vệ môi trường tốt hơn là quan trọng hơn bao giờ hết", ông nói.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador tuyên bố Trung Quốc là một quốc gia đánh bắt có trách nhiệm và không chấp nhận các hành vi đánh bắt trái phép. Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Ecuador tháng trước cũng xác nhận với hải quân Ecuador rằng tất cả tàu cá Trung Quốc đều đang hoạt động hợp pháp tại vùng biển quốc tế và “không gây ra mối đe dọa với bất kỳ ai”.

Ecuador lần đầu tiên chú ý tới hoạt động đánh bắt của tàu cá Trung Quốc vào năm 2017 khi hải quân nước này bắt giữ tàu cá Fu Yuan Yu Leng 999 của Trung Quốc tại khu bảo tồn biển Galapagos. Bên trong tàu này có khoảng 300 tấn cá mập thuộc những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, gồm cả cá mập đầu búa và cá mập voi.

Max Bello, chuyên gia về chính sách đại dương quốc tế của tổ chức phi lợi nhuận Mission Blue, nói rằng thiệt hại mà đội tàu cá Trung Quốc gây ra là không thể theo dõi được do thiếu chính sách quốc tế toàn diện và hiệu quả về quy định đánh bắt cá trên biển.

“Việc đánh bắt cá trên các vùng biển quốc tế gần như hoàn toàn không được kiểm soát. Với các đội tàu được trợ cấp hoặc thuộc sở hữu của nhà nước, chúng tôi không biết họ đang vận chuyển những gì”, ông Bello cho hay.

Quy mô của đội tàu cá Trung Quốc đang được quan tâm vì mức độ thiệt hại mà nó có thể gây ra đối với hệ sinh thái. Trung Quốc là quốc gia có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới với gần 17.000 tàu, trong đó có 1.000 tàu đăng ký ở nước ngoài. Các khoản trợ cấp nhiên liệu của Bắc Kinh tạo điều kiện nhiều cho các đội tàu khi đánh bắt xa nhà.

Các đội tàu các Trung Quốc thường được báo cáo đánh bắt trong lãnh hải của các quốc gia có thu nhập thấp, làm cạn kiệt nguồn cá trong vùng biển nội địa của các nước này. Theo các nhà sinh thái học, việc loại bỏ một số lượng lớn các loài động vật khỏi đại dương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn vong của hệ sinh thái.

“Đây là một ví dụ về lý do tại sao việc mở rộng các khu bảo tồn biển là rất quan trọng. Việc đánh bắt trên biển cả được quy định bởi Hội đồng Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMC) và các hiệp định quốc tế có thể có hoặc có thể không ràng buộc về mặt pháp lý. So với đánh bắt gần bờ, các quy tắc ở vùng biển quốc tế ít hơn nhiều, khiến các hành động đánh bắt chui, bất hợp pháp, dễ xảy ra hơn. Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới cần nhận ra sự cần thiết của việc thiết lập và thực thi một quy định mang nhiều ý nghĩa pháp lý về đánh bắt hải sản trên vùng biển quốc tế”, ông Bello nói.

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno hiện đang gấp rút lập kế hoạch bảo vệ khu vực xung quanh Galapagos. Cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador Yolanda Kakabadse và cựu thị trưởng thủ đô Quito, ông Roque Sevilla ngày 27.7 được giao nhiệm vụ thiết lập "chiến lược bảo vệ quần đảo Galapagos”.

“Những tàu cá Trung Quốc có khả năng hủy hoại nỗ lực của Ecuador trong việc bảo vệ sinh vật biển ở Galapagos. Các nỗ lực ngoại giao sẽ được thực hiện nhằm yêu cầu tàu cá Trung Quốc rời khỏi khu vực”, ông Sevilla tuyên bố.

Trang Nhung (theo Forbes)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng biển Nam Mỹ ‘lâm nguy’ trước các tàu cá Trung Quốc