Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6.8 đã ký sắc lệnh về ứng phó "mối đe dọa" từ ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, qua đó cấm mọi giao dịch của Mỹ với công ty mẹ của TikTok, WeChat là ByteDance và Tencent.

Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm với công ty mẹ của WeChat, TikTok

07/08/2020, 10:39

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6.8 đã ký sắc lệnh về ứng phó "mối đe dọa" từ ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, qua đó cấm mọi giao dịch của Mỹ với công ty mẹ của TikTok, WeChat là ByteDance và Tencent.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Viện dẫn lý do về "tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến công nghệ và chuỗi cung ứng dịch vụ thông tin, liên lạc", sắc lệnh mới của Tổng thống Trump cấm mọi giao dịch giữa Mỹ với ByteDance và Tencent. Cụ thể, mọi giao dịch bởi bất kỳ ai hoặc liên quan đến bất kỳ tài sản nào thuộc quyền tài phán của Mỹ, liên quan tới WeChat hoặc TikTok, sẽ bị cấm từ sau ngày 20.9.

“Ứng dụng TikTok có thể được sử dụng cho các chiến dịch thông tin sai lệch có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và Mỹ phải có hành động tích cực chống lại các chủ sở hữu của TikTok nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Trump nói trong một tuyên bố.

Đề cập tới WeChat, Tổng thống Mỹ cho biết ứng dụng nhắn tin này “tự động nắm bắt một lượng lớn thông tin từ người dùng. “Việc thu thập dữ liệu này cho phép chính quyền Bắc Kinh tiếp cận thông tin cá nhân và độc quyền của người Mỹ”, ông nói thêm.

Động thái trên được đưa ra sau khi chính quyền Trump những ngày qua đang tăng cường nỗ lực loại bỏ các ứng dụng Trung Quốc không tin cậy, gọi các ứng dụng như TikTok hay WeChat là mối đe dọa lớn”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 5.8 nói Mỹ đang nỗ lực thiết lập một "hệ thống sạch" nhằm chặn các ứng dụng công nghệ cũng như các doanh nghiệp viễn thông của Trung Quốc tiếp cận các thông tin nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ.

"Với các công ty mẹ đặt tại Trung Quốc, những ứng dụng như TikTok, WeChat và một số ứng dụng khác là mối đe dọa lớn đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, chưa kể đó còn là công cụ kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh", ông Pompeo nói.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington đang tìm cách để ngăn công ty Huawei cài đặt trước hoặc đưa các ứng dụng phổ biến nhất của Mỹ vào kho ứng dụng của họ trên điện thoại thông minh. “Chúng tôi không muốn các công ty của Mỹ đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền của Huawei hay bộ máy giám sát của chính quyền Trung Quốc”, ông nói.

Ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ khác tìm cách để bảo vệ thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nghiên cứu vắc xin COVID-19, tránh bị lợi dụng bởi các hệ thống của các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent.

Tổng thống Trump hồi đầu tuần nói rằng ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc sẽ phải chấm dứt hoạt động ở Mỹ nếu họ không bán các hoạt động trước hạn chót giữa tháng 9, đồng thời bày tỏ đồng ý với việc Microsoft đàm phán mua lại TikTok. "Tôi đã đặt thời hạn ngày 15.9, thời điểm họ phải đóng cửa ở Mỹ, trừ khi Microsoft hoặc công ty nào đó mua lại cổ phần và đạt được một thỏa thuận", ông chủ Nhà Trắng nói với báo giới hôm 3.8.

Tuy nhiên, ông Trump cũng gây bất ngờ khi đưa ra một điều kiện yêu cầu thương vụ này phải mang về nguồn thu đáng kể cho Bộ Tài chính Mỹ vì đã khởi động thương vụ. "Một phần rất đáng kể trong số tiền giao dịch sẽ phải chuyển vào ngân khố Mỹ vì chúng tôi đã cho phép thỏa thuận này có thể diễn ra. Họ không có bất kỳ quyền gì để làm như vậy trừ khi chúng tôi cho phép họ", ông Trump giải thích.

Được biết, ứng dụng chia sẻ video nhanh TikTok của tập đoàn ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh, hiện có khoảng 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Ước tính số người dùng TikTok tại Mỹ là trên 52 triệu người, tăng 12 triệu người dùng trong thời gian dịch COVID-19. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi. Trong khi đó, WeChat - thuộc sở hữu của công ty Tencent, là ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc cũng với hơn 1 tỉ người dùng.

TikTok đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc cho rằng ứng dụng này chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Công ty cho biết đang cân nhắc thay đổi cấu trúc công ty để tách khỏi Trung Quốc và khẳng định giám đốc điều hành của họ là người Mỹ.

Trang Nhung (theo Reuters)

Bài liên quan
Reuters: ByteDance muốn đóng cửa TikTok ở Mỹ thay vì bán
ByteDance muốn đóng cửa TikTok thay vì bán nó nếu sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý nhưng không thể chống lại luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ, theo 4 nguồn tin của Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm với công ty mẹ của WeChat, TikTok