Hôm 14.3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một loạt thiết bị và dụng cụ y tế sắp đến Ukraine để hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung trong bối cảnh Nga tấn công.

WHO: 18 triệu người bị ảnh hưởng, gần 3 triệu người chạy khỏi Ukraine

Sơn Vân | 14/03/2022, 15:30

Hôm 14.3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một loạt thiết bị và dụng cụ y tế sắp đến Ukraine để hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung trong bối cảnh Nga tấn công.

Các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn nghiêm trọng, với nhiều nhà phân phối bị loại bỏ, một số kho dự trữ nằm ngoài tầm với vì hoạt động quân sự, nguồn cung thuốc gần hết, khi các bệnh viện phải vật lộn để chăm sóc người bệnh và bị thương.

WHO cho biết: “Số người bị ảnh hưởng ước tính hiện tại là 18 triệu người, trong đó có 6,7 triệu người phải di dời trong nước. Gần 3 triệu người đã chạy khỏi Ukraine".

WHO đã làm việc với các đối tác để giảm bớt tình trạng thiếu thiết bị và thuốc quan trọng như oxy và insulin, vật tư phẫu thuật, thuốc gây mê, bộ dụng cụ truyền máu.

Các mặt hàng được vận chuyển bao gồm máy tạo oxy, máy phát điện, máy khử rung tim, màn hình, thuốc gây mê, muối bù nước, gạc và băng.

WHO nói nguồn cung đang được phân phối với sự phối hợp của Bộ Y tế Ukraine, được hỗ trợ bởi một trung tâm ở nước láng giềng Ba Lan.

"Những ngày và tuần tới sẽ chứng kiến ​​dòng cung cấp y tế liên tục, như một phần của nỗ lực đảm bảo người dân tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu và chăm sóc y tế", WHO nói thêm.

who-18-trieu-nguoi-bi-anh-huong-gan-3-trieu-nguoi-chay-khoi-ukraine.jpg
Những người chạy trốn khỏi Ukraine nhận thức ăn, quần áo và đồ vệ sinh cá nhân tại nhà ga chính Hauptbahnhof ở thành phố Berlin, Đức vào ngày 2.3 - Ảnh: AFP

Cơ quan này một lần nữa lên án các cuộc tấn công nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. WHO cho biết đã xác minh được 31 cuộc tấn công như vậy từ thời điểm Nga đưa quân vào Ukraine từ 24.2 cho đến 11.3.

Theo WHO, những điều này đã dẫn đến 12 người chết và 34 người bị thương, với các nhân viên y tế chiếm 8 trong số những người bị thương và 2 trong số những người thiệt mạng.

Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cái mà nước này gọi là "hoạt động đặc biệt nhằm giải giáp vũ khí và phi phát xít hóa Ukraine”.

WHO: Ukraine nên diệt mầm bệnh ở các phòng thí nghiệm tránh lây lan cho dân

Hôm 11.3, WHO khuyến cáo Ukraine nên tiêu hủy các mầm bệnh có nguy cơ cao được đặt trong các phòng thí nghiệm y tế công cộng nước này để ngăn chặn "bất kỳ sự cố tràn ra nào" có thể lây lan dịch bệnh trong người dân.

Các chuyên gia an ninh sinh học cho biết việc Nga đưa quân vào Ukraine và bắn phá các thành phố của nước này làm tăng nguy cơ mầm bệnh thoát ra nếu bất kỳ cơ sở nào trong số đó bị hư hại.

Giống nhiều quốc gia khác, Ukraine có các phòng thí nghiệm y tế công cộng để nghiên cứu cách giảm thiểu các mối đe dọa từ các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến cả động vật và con người. Gần đây nhất, các phòng thí nghiệm của Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ, Liên minh châu Âu và WHO.

Trả lời câu hỏi của Reuters về công việc đang làm ở Ukraine trước và trong cuộc tấn công của Nga, WHO cho biết đã hợp tác với các phòng thí nghiệm y tế công cộng nước này vài năm qua để thúc đẩy thực hành an ninh giúp ngăn chặn "việc phát tán mầm bệnh do vô tình hoặc cố ý”.

WHO cảnh báo: "Là một phần của công việc này, WHO đã khuyến nghị mạnh mẽ Bộ Y tế Ukraine và các cơ quan có trách nhiệm khác tiêu diệt các mầm bệnh có nguy cơ cao để ngăn chặn bất kỳ sự cố tràn nào có thể xảy ra".

WHO không cho biết đã đưa ra khuyến nghị khi nào cũng như không cung cấp chi tiết cụ thể về các loại mầm bệnh hoặc chất độc có trong các phòng thí nghiệm của Ukraine.

Các quan chức Ukraine ở thủ đô Kyiv và Đại sứ quán tại Mỹ không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề trên.

WHO khuyến cáo Ukraine nên tiêu hủy các mầm bệnh có nguy cơ cao trong các phòng thí nghiệm để ngăn chặn bất kỳ sự cố tràn ra nào

Năng lực phòng thí nghiệm của Ukraine đang là trung tâm của cuộc chiến thông tin ngày càng gia tăng kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine cách đây hai tuần.

Hôm 9.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova đã lặp lại tuyên bố lâu nay rằng Mỹ vận hành một phòng thí nghiệm tác chiến sinh học ở Ukraine, cáo buộc mà Mỹ và Ukraine nhiều lần phủ nhận.

Maria Zakharova nói rằng các tài liệu mà lực lượng Nga tìm được ở Ukraine cho thấy "một nỗ lực khẩn cấp nhằm xóa bằng chứng về các chương trình sinh học quân sự" bằng cách phá hủy các mẫu thí nghiệm.

Đáp lại, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky cho biết: "Ukraine hoàn toàn phủ nhận mọi cáo buộc như vậy".

Người phát ngôn của chính phủ Mỹ cũng bác bỏ cáo buộc từ Maria Zakharova, nói Nga sử dụng tuyên bố này như một cái cớ để triển khai vũ khí hóa học hoặc sinh học của riêng mình.

Tuyên bố của WHO không đề cập đến chiến lược sinh học. Cơ quan này khuyến khích tất cả các bên hợp tác trong việc "xử lý an toàn và bảo mật bất kỳ tác nhân gây bệnh nào mà họ bắt gặp và liên hệ hỗ trợ kỹ thuật nếu cần". WHO đề nghị giúp đỡ bất cứ khi nào có thể về hướng dẫn kỹ thuật và điều phối.

Bài liên quan
WHO: Omicron 'tàng hình' chiếm 1/5 ca COVID-19 mới toàn cầu, nhiều nhất ở Đông Nam Á
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo mới cho thấy BA.2 chiếm 21,5% trong tổng số ca nhiễm Omicron mới được phân tích trên toàn thế giới trong tuần đầu tiên tháng 2.2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
6 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO: 18 triệu người bị ảnh hưởng, gần 3 triệu người chạy khỏi Ukraine