“Nếu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của đối tượng này thì đồng nghĩa với việc đẩy trách nhiệm của chúng ta sang cho những người trẻ có nhận thức chưa đầy đủ”. Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định.

Xử lý hình sự tội phạm 14 đến dưới 16 tuổi: Nên hay không?

Trí Lâm | 04/04/2017, 14:26

“Nếu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của đối tượng này thì đồng nghĩa với việc đẩy trách nhiệm của chúng ta sang cho những người trẻ có nhận thức chưa đầy đủ”. Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định.

Ngày 3.4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhaucủa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Góp ý khoản 2 điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án xin ý kiến các ĐB.

Phương án 1: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134), tội hiếp dâm (điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169).

Phương án 2:Giữ như quy định của BLHS năm 2015. Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.

Trước đó, kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, có 266/397 ĐBQH đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đồng tình với phương án 2, ĐB Nguyễn Ngọc Phương(Quảng Bình) cho rằng tội phạm gần đây đang trẻ hóa, tính chất ngày càng phức tạp nên phải nghiêm trị răn đe để xây dựng môi trường tốt. Hơn nữa, trẻ em phạm tội này là cá biệt chứ không phải bình thường.Tuy nhiên, trong quá trình xét xử đối với loại tội danh này cũng có tính nhân đạo khi xét xử.

Cùng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh, tội phạm ở độ tuổi này có thể giảm nhẹ hình phạt chứ không thể không xử lý. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa xử lý trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ hình phạt. Nếu không sẽ dung túng cho trẻ em, trái về nguyên lý lý luận và thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của Bộ luật Hình sự năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổiđến dưới 16 tuổi).

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu -ảnh VPQH

Có quan điểm ủng hộ phương án 1, theoPhó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minhkhi xây dựng quy định này cần quan tâm đến công ước quốc tế và tính khả thi của dự luật. Các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng ít nghiêm trọng thì hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có tình trạng bạo lực học đường mỗi năm không dưới 2.000 vụ.

"Nguyên nhân là từ công tác giáo dục của chúng ta còn nhiều vấn đề đáng bàn, rồi công tác quản lý mạng internet… ảnh hưởng đến hành vi các em. Hơn nữa, tình trạng các em chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nơi việc tảo hôn vẫn xảy ra khá phổ biến. Vì vậy, nếu chúng ta đưa vào hình sự hóa hết thì có nên không?", ĐB Minh nói.

Đại biểuNguyễn Văn Sơn- Hà Tĩnhthì cho rằng, tuy thực tiễn đang có tình trạng trẻ hóa tội phạm thật, nhưng có thể giải quyết phải bằng biện pháp tổng hợp, không nên đẩy sang xử lý hình sự.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới dưới góc nhìn một luật sư, Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết ông ủng hộ phương án thứ nhất. Thực tế trong những năm qua ở nước ta, số người trẻ phạm tội tăng lên rất nhiều đã gây lo ngại cho xã hội. Tội phạm được trẻ hoá trong đó nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng do người phạm tội là người chưa thành niên nên không thể xử ở mức án cao nhất đã gây bất bình cho nhiều người.

Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) không ủng hộ việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người 14 đến dưới 16 tuổi - ảnh doisongphapluat

“Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc tăng nặng hình phạt không đồng nghĩa với việc tội phạm sẽ giảm. Thực tế đã chứng minh ở các tội danh về ma tuý hay giết người, dù án phạt đã ở mức cao nhất nhưng tội phạm ở các tội danh này vẫn tăng trong những năm qua”, ông Huế nói.

Theo ông Huế, trẻ em dưới 16 tuổi thì nhận thức chưa đầy đủ. Để hạn chế những đối tượng này phạm tội thì chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ trong đó chú trọng đến việc giáo dục tại gia đình và nhà trường, đồng thời tạo cho trẻ có một môi trường sống lành mạnh, để trẻ tham gia vào nhiều hoạt động bổ ích thì sẽ hạn chế được tội phạm.

Luật sư này cũng cho rằng, việc thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của BLHS 2015 phù hợp với xu thế chung của các quốc gia tiến bộ và có nền luật pháp hoàn thiện.

Theo đó, mở rộng xử lý hình sự những đối tượng này không những không nhất quán với chính sách hình sự của BLHS 2015 mà còn đi ngược lại với xu thế văn minh và tiến bộ trên thế giới.

“Trẻ em phạm tội có rất nhiều nguyên nhân nhưng dù là nguyên nhân gì thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người lớn, thuộc về gia đình, nhà trường và cả xã hội trong quản lý, giáo dục. Nếu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của đối tượng này thì đồng nghĩa với việc đẩy trách nhiệm của chúng ta sang cho những người trẻ có nhận thức chưa đầy đủ”, ông Huế nhấn mạnh.

Luật sư Huế cũng bày tỏ: “Những người làm luật cần có cái nhìn khách quan và bao dung. Cần đặt vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau để xem xét, tránh bị cảm xúc chi phối”.

Chỉ xử lý tội phạm rất nghiệm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, UB Thường vụ Quốc hộicho rằng, để bảo đảm phù hợp với chính sách chung của BLHS năm 2015, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì nên sửa đổi khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng: Chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý hình sự tội phạm 14 đến dưới 16 tuổi: Nên hay không?