Việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng tới an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng.

Xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ giúp giảm ô nhiễm không khí

Thu Anh | 13/09/2021, 17:49

Việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng tới an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng.

Nghiên cứu từ Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp cùng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông Xuân năm 2021 trung bình là 43,2% (cao gấp đôi so với cùng vụ năm 2020).

Trong đó, các quận, huyện như Hoài Đức, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm là những huyện có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ ở mức cao, từ khoảng 75 - 92%. Các huyện Thanh Trì, Quốc Oai, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất và Phúc Thọ, tỷ lệ đốt nằm trong khoảng từ 50 - 70%.

Kết quả tính toán từ nghiên cứu cho thấy tổng lượng bụi phát sinh trong điều kiện thực tế đối với vụ Đông - Xuân năm 2021 trên địa bàn TP.Hà Nội là 193.621 tấn bụi mịn PM2.5, tăng gần 1,5 nghìn tấn và gấp 4 lần lượng phát thải cùng kỳ năm 2020.

xu-ly-va-kiem-soat-dot-rom-ra-giup-giam-o-nhiem-khong-khi.jpg
Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm - Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn ảnh hưởng tới an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM2.5…

Ảnh hưởng trực tiếp của các chất này là làm cay mắt, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.

Năm 2021, Dự án "Chung tay hành động vì không khí sạch" tiếp tục đồng hành cùng thành phố hỗ trợ nhóm nghiên cứu khoa học, song song với quá trình xây dựng kế hoạch của các địa phương (cấp huyện/xã) và các đơn vị truyền thông.

Các hoạt động được đưa ra, bao gồm hỗ trợ ngân sách, nhân lực từ địa phương và các nhóm cộng đồng/ hợp tác xã trực tiếp thí điểm giải pháp xử lý rơm rạ hoặc hướng dẫn người dân triển khai...

Trong đó, các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh... đã lập kế hoạch thúc đẩy các giải pháp truyền thông, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng. Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng, bao gồm sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuốn rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác và thu gom rơm làm thức ăn cho cá, làm mái nhà, sân chơi…

Từ đầu năm 2021, huyện Đông Anh đã phối hợp cùng Live & Learn và nhiều doanh nghiệp xử lý rác triển khai chương trình Giảm rác tại cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ đốt rác tại địa phương.

Tính đến tháng 8.2021, chương trình được thí điểm triển khai tại 4 xã trên địa bàn huyện với các hoạt động phân loại và ủ rác hữu cơ. Kết quả kiểm kê rác với 54 hộ gia đình chỉ ra rằng sau khi phân loại và xử lý rác hữu cơ, khối lượng rác chuyển đến bãi chôn lấp giảm 50 - 70%.

Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới các chính sách/kế hoạch của các cấp và sự tham gia của các bên liên quan để giảm thiểu hoạt động đốt rơm rạ triệt để và bền vững.

Bài liên quan
Xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ô nhiễm không khí
Hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ ở các vùng nông thôn khu vực miền Bắc diễn ra hằng năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ giúp giảm ô nhiễm không khí