Các nhà nghiên cứu Anh chuẩn bị tinh thần đón nhận một đợt trừng phạt tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác khoa học với Nga, theo báo The Guardian.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến giới khoa học Nga gặp khó trăm bề dù phản đối chiến tranh

Cẩm Bình | 03/04/2022, 16:28

Các nhà nghiên cứu Anh chuẩn bị tinh thần đón nhận một đợt trừng phạt tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác khoa học với Nga, theo báo The Guardian.

Giáo sư Simon Marginson thuộc Đại học Oxford cho biết, đa số học giả Anh rất buồn khi phải tiến hành tẩy chay về nghiên cứu khoa học, đồng thời lo lắng cho những đồng nghiệp Nga.

“Tất cả học giả Nga tôi biết đều phản đối chiến tranh. Tình hình nội bộ Nga sẽ tồi tệ hơn và họ sẽ cần sự đoàn kết, vì vậy có lý do để duy trì quan hệ”, theo giáo sư Marginson.

Trước đó, Đức thông báo tạm dừng ngay lập tức tất cả hợp tác giáo dục và nghiên cứu với Nga. Bộ Giáo dục Đức chỉ trích Nga đã quay lưng với cộng đồng quốc tế khi tấn công Ukraine, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Tuần qua, Bộ trưởng Khoa học Anh George Freeman vừa ra lệnh rà soát nhanh mọi đơn vị Nga hưởng lợi từ tài trợ khoa học - công nghệ của đảo quốc sương mù.

Giới chuyên gia dự đoán Anh có thể ban hành một số trừng phạt chẳng hạn như cấm học giả Anh cộng tác với nhà khoa học Nga, đóng băng các khoản tài trợ chung, cấm nhà khoa học Nga đọc hoặc đăng nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế.

Giáo sư Colin Riordan, thuộc Đại học Cardiff cho biết, một số học giả của trường đã tự nguyện rút khỏi các sự kiện ở Nga. Nếu chính phủ Anh yêu cầu cắt đứt quan hệ hợp tác, trường sẽ tuân thủ.

Tuy nhiên, giáo sư Riordan khuyến cáo chính phủ Anh nên suy xét kỹ chuyện ban hành lệnh cấm tất cả hoạt động hợp tác khoa học với Nga: “Chúng ta cần tách bạch rõ chính phủ và người dân Nga – những người đang ở thế khó”.

Giáo sư Steve West - Chủ tịch Universities UK, đại diện cho hơn 140 trường đại học Anh - cho biết các trường đại học luôn xem hợp tác nghiên cứu khoa học là nỗ lực toàn cầu quan trọng, nhưng cuộc chiến tại Ukraine là thách thức với dân chủ cũng như với sự an toàn và ổn định của thế giới tự do.

Giới học giả Nga - hàng nghìn người đã ký thư phản chiến - cho biết các mối quan hệ quốc tế của họ đang rạn nứt. Nhiều học giả châu Âu hủy bỏ hàng loạt chuyến đi và rút khỏi quan hệ đối tác.

Gần 4.000 học giả cùng sinh viên Đại học quốc gia Moscow - trường đại học lâu đời nhất nước Nga - đều ký tên vào một thư ngỏ lên án cuộc chiến mà Nga phát động. Một thư ngỏ khác được đăng lên ngày 31.3 cũng có đến 15.000 chữ ký của học giả cùng sinh viên Nga.

Một nhà khoa học Nga giấu tên cho biết một số học giả hàng đầu của nước này đã bị buộc tội phản quốc khi lên tiếng phản đối chiến tranh. Nhiều người không dám ký thư phản chiến vì sợ hãi.

“Phương Tây không hiểu hết nỗi đau mà chúng tôi cảm thấy. Nhiều người trong chúng tôi có họ hàng ở Ukraine hoặc sinh ra ở đó”, theo nhà khoa học giấu tên. Ông biết nhiều học giả Nga viết thư riêng cho đối tác ở Anh và nhiều nước khác, nhấn mạnh rằng họ không ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine và bày tỏ hy vọng có thể tìm ra cách tiếp tục làm việc cùng nhau.

mos.jpg
Gần 4.000 học giả cùng sinh viên đại học quốc gia Moscow ký thư phản chiến - Ảnh: TASS

Giáo sư Paul Nightingale, thuộc Đại học Sussex đề xuất ngoài cấm tiếp cận và đăng bài nghiên cứu, Anh, Mỹ còn có thể cấp thị thực làm việc thời hạn 5 năm cho đối tượng công dân Nga có bằng tiến sĩ để gây nên một cuộc chảy máu chất xám tại Nga.

Vài tuần trước, nhà khoa học John Duggan làm việc cho một trường thành viên Nhóm Russell (tập hợp 24 đại học hàng đầu, có tầm ảnh hưởng lớn tại Anh) khi gọi Zoom cho hai đối tác Nga đã phát hiện họ “im lặng và do dự một cách bất thường”. Ông nhận ra họ đang lo lắng bị ai đó theo dõi.

Cũng theo nhà khoa học Duggan, hai đối tác của ông cảm thấy ở lại Nga không còn tương lai nữa nên cố gắng tìm công việc ở nước ngoài để có thể bỏ trốn.

Đại học nơi nhà khoa học Duggan công tác hiện ưu tiên tiếp nhận sinh viên và học giả Ukraine, nhưng cũng đang xem xét tiếp nhận người Nga. Nhưng trường lo sợ học giả Nga từng lên tiếng phản đối chiến tranh thường có rủi ro cá nhân lớn.

Nhà vật lý Alexander Nozik thuộc Viện Vật lý và Công nghệ Moscow cho biết đa số học giả trẻ tuổi kể cả ông đều đang liên hệ với một số đơn vị châu Âu và xây dựng kế hoạch dự phòng. Ông không quan tâm đến lệnh cấm đăng bài nghiên cứu lên tạp chí quốc tế của chính phủ Nga, nhưng ông phàn nàn rằng phương Tây lại ngăn cản đăng bài nếu nghiên cứu có người Nga tham gia.

Giáo sư Erica Brewer làm việc cho một đại học phía bắc nước Anh cho biết đã có hai đồng nghiệp Nga rất tài năng liên hệ bà hỏi về cơ hội làm việc ở nước ngoài. Vài đồng nghiệp Nga của tiến sĩ James Ryan, thuộc Đại học Cardiff cũng bỏ trốn và không định về nước sớm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến giới khoa học Nga gặp khó trăm bề dù phản đối chiến tranh