Nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy nguy cơ nhập viện và bệnh nặng ở những người nhiễm Omicron giảm so với biến thể Delta, song có thể nhờ khả năng miễn dịch tự nhiên cao của dân số (hay tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó).

Bất ngờ nghiên cứu so sánh nguy cơ mắc bệnh nặng ở người nhiễm Omicron với Delta ở Nam Phi

Sơn Vân | 22/12/2021, 18:25

Nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy nguy cơ nhập viện và bệnh nặng ở những người nhiễm Omicron giảm so với biến thể Delta, song có thể nhờ khả năng miễn dịch tự nhiên cao của dân số (hay tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó).

Câu hỏi về độc lực của Omicron là tâm điểm cuộc tranh luận khoa học và chính trị ở nhiều quốc gia khi các chính phủ vật lộn tìm cách đối phó với biến thể mới và các nhà nghiên cứu chạy đua để biết rõ hơn về nó.

Chưa được đánh giá đồng cấp, nghiên cứu mới đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh ở Nam Phi bằng cách so sánh dữ liệu về nhiễm Omicron trong tháng 10 và tháng 11 với dữ liệu nhiễm Delta từ tháng 4 đến tháng 11.

Phân tích được thực hiện ở Nam Phi bởi nhóm các nhà khoa học từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) và các trường đại học lớn như Đại học Witwatersrand, Đại học KwaZulu-Natal. Họ đã sử dụng dữ liệu từ 4 nguồn:

1. Số ca mắc COVID-19 quốc gia được báo cáo cho NICD.

2. Các phòng thí nghiệm khu vực công.

3. Một phòng thí nghiệm khu vực tư nhân lớn.

4. Dữ liệu bộ gien cho các mẫu bệnh phẩm được gửi đến NICD từ các phòng thí nghiệm chẩn đoán tư nhân và công cộng trên toàn quốc.

Các tác giả nhận thấy nguy cơ nhập viện thấp hơn khoảng 80% ở những người nhiễm Omicron so với Delta. Với những người nhập viện do Omicron, nguy cơ mắc bệnh nặng thấp hơn khoảng 30%. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một số cảnh báo và nói rằng không nên vội kết luận về độc lực của Omicron.

Rất khó để xác định rõ sự đóng góp tương đối của mức độ miễn dịch cao trong dân số trước đó với độc lực thấp hơn và mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn quan sát được”, các nhà nghiên cứu nhận định.

nghien-cuu-so-sanh-ty-le-nhap-vien-va-mac-benh-nang-trong-dot-dich-omicron-voi-delta.jpg
Nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ nhập viện thấp hơn khoảng 80% ở những người Nam Phi nhiễm Omicron so với Delta, song có thể nhờ khả năng miễn dịch tự nhiên cao của dân số - Ảnh: Internet

Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), mô tả nghiên cứu ở Nam Phi là quan trọng. Ông cho biết đây là nghiên cứu được tiến hành đúng cách đầu tiên xuất hiện dưới dạng bản in trước về vấn đề mức độ nghiêm trọng của Omicron so với Delta.

Thế nhưng, Giáo sư Paul Hunter cho biết khiếm khuyết chính của nghiên cứu là so sánh dữ liệu Omicron từ thời điểm gần đây với dữ liệu Delta trong giai đoạn trước đó.

"Vì vậy, dù các ca nhiễm Omicron ít phải nhập viện hơn người nhiễm Delta, không thể nói liệu điều này do sự khác biệt cố hữu về độc lực hoặc bởi khả năng miễn dịch của dân số cao hơn vào tháng 11.2021 so với trước đó trong năm. Ở một mức độ nhất định, điều đó không quan trọng với bệnh nhân, vốn chỉ quan tâm rằng họ sẽ không bị bệnh nặng. Song, điều quan trọng là phải nắm được để nâng cao hiểu biết về những áp lực có thể xảy ra với các dịch vụ y tế", ông chia sẻ.

Kết quả nghiên cứu lớn của Đại học Hoàng gia London (Anh) được công bố vào tuần trước cho thấy không có dấu hiệu nào cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta, dù dữ liệu về số lần nhập viện vẫn còn rất hạn chế. Không những thế, nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn gấp 5,2 lần so với Delta.

Kết quả nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia về những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 qua xét nghiệm PCR ở Anh từ ngày 29.11 đến 11.12.

"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng (cho cả nguy cơ nhập viện và tình trạng triệu chứng) của việc Omicron có mức độ nghiêm trọng khác với Delta", nghiên cứu cho biết, dù hé lộ thêm rằng dữ liệu về số lần nhập viện vẫn còn rất hạn chế.

"Theo dõi tình trạng vắc xin, tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng không có triệu chứng, khu vực và ngày lấy mẫu, Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,2 lần so với Delta", trích nội dung nghiên cứu.

Khả năng bảo vệ do khỏi bệnh COVID-19 trước đó chống lại tái nhiễm Omicron có thể thấp tới 19%, Đại học Hoàng gia London cho biết, lưu ý rằng nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ phát triển ca nhiễm Omicron có triệu chứng tăng lên đáng kể so với Delta ở những người tiêm hai liều vắc xin khoảng 2 tuần hoặc hơn nữa trở lên cũng như người tiêm mũi vắc xin thứ ba sau 2 tuần trở lên. Nghiên cứu này liên quan đến vắc xin AstraZeneca và Pfizer. Theo đó, hiệu quả của hai liều vắc xin COVID-19 ngăn nhiễm Omicron có triệu chứng dao động từ 0% đến 20% và ba mũi vắc xin là từ 55% đến 80%.

"Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về mức độ đáng kể mà Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch trước đó do từng khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin. Mức độ tránh miễn dịch này có nghĩa là Omicron gây ra một mối đe dọa lớn, sắp xảy ra với sức khỏe cộng đồng", trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Neil Ferguson, cho biết.

Dữ liệu được Đại học Hoàng gia London phân tích dựa trên 333.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 122.062 trường hợp nhiễm biến thể Delta và 1.846 người nhiễm Omicron thông qua giải trình tự bộ gien.

Giáo sư Azra Ghani của Đại học Hoàng gia London, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, mô tả nó là "điều cần thiết để lập mô hình quỹ đạo tương lai có thể xảy ra với làn sóng dịch Omicron và tác động tiềm tàng từ việc tiêm vắc xin cùng các can thiệp sức khỏe cộng đồng khác".

Hôm 17.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi - Joe Phaahla cho biết chính phủ tin rằng vắc xin và tỷ lệ mắc COVID-19 cao trong ba đợt dịch trước đó đang giúp giữ cho bệnh nhẹ hơn trong làn sóng dịch do Omicron gây ra.

Nam Phi tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 44% dân số trưởng thành, nhiều hơn nhiều các quốc gia châu Phi khác nhưng vẫn còn thiếu so với mục tiêu cuối năm của chính phủ. Trong số những người trên 50 tuổi, mức độ bao phủ tiêm vắc xin là hơn 60%.

"Bắt đầu thấy sự gia tăng nhẹ về số ca tử vong trên toàn quốc, nhưng một lần nữa mức này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn cơ bản mà chúng tôi thấy ở đợt dịch thứ hai và thứ ba", theo Tiến sĩ Michelle Groome, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng, giám sát và phản ứng của NICD.

Nhắc lại những phát hiện của Shabir Mahdi, chuyên gia về vắc xin tại Đại học Witwatersrand (thành phố Johannesburg, Nam Phi), Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla nói: “Chúng tôi tin rằng có thể không phải Omicron ít độc hơn, mà là mức độ bao phủ tiêm vắc xin, khả năng miễn dịch tự nhiên của những người nhiễm vi rút cũng tăng thêm khả năng bảo vệ. Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy bệnh nhẹ”.

Bài liên quan
'Nếu đã tiêm mũi vắc xin Moderna, Pfizer hay J&J tăng cường, khả năng bị bệnh nặng do Omicron rất thấp'
Đó là phát biểu của Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất ngờ nghiên cứu so sánh nguy cơ mắc bệnh nặng ở người nhiễm Omicron với Delta ở Nam Phi