Trong quý 1/2024, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chuyển cơ quan công an một vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả.
Ngày 15.5, Bộ Y tế thông tin về một số kết quả nổi bật của công tác y tế trong các tháng đầu năm 2024. Theo đó, cả nước không ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có ghi nhận một số ca rải rác, tuy nhiên không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng và đã được xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã hoàn thành các thủ tục mua sắm, đặt hàng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tổ chức phân bổ ngay đến các tỉnh, thành phố theo số lượng đã đăng ký; chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai tổ chức tiêm chủng, tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian gián đoạn vắc xin nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng.
Về công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết trong những tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng thành công. Trong đó, Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã phối hợp thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người chết não trong vòng 24 giờ, mang lại sự sống cho 8 người.
Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ đã liên tiếp thực hiện thành công 2 ca thông tim bào thai đầu tiên ở Việt Nam. Đây là kỹ thuật rất phức tạp, mới chỉ được thực hiện thành công ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển.
Đối với công tác an toàn thực phẩm, trong quý 1/2024, toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 637 người mắc và 6 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên.
Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn; tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, trong quý 1/2024, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 1 cơ sở với 6 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 11.086.425.000 đồng; chuyển cơ quan công an 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả.
Riêng lĩnh vực dược, thiết bị y tế, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; triển khai các hoạt động liên quan đến Chương trình đảm bảo nguồn cung vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch giải quyết hồ sơ thông tin, quảng cáo thuốc để giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng; tiếp tục triển khai công tác cấp phép trang thiết bị y tế, cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã và đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao; tăng cường công tác y tế cơ sở; công tác dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; đào tạo phát triển nhân lực y tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế; tài chính y tế…