Các Big Tech Trung Quốc, gồm cả Tencent và Alibaba, đã trở thành những cái tên mua đất chính ở nước này vào thời điểm cả lĩnh vực công nghệ và bất động sản đang phải đối mặt với những trở ngại về kinh tế lẫn chính sách.
Thế giới số

Các Big Tech tranh thủ mua đất xây thêm văn phòng khi thị trường bất động sản Trung Quốc khủng hoảng

Sơn Vân 28/01/2024 16:19

Các Big Tech Trung Quốc, gồm cả Tencent và Alibaba, đã trở thành những cái tên mua đất chính ở nước này vào thời điểm cả lĩnh vực công nghệ và bất động sản đang phải đối mặt với những trở ngại về kinh tế lẫn chính sách.

Theo thông báo được công bố trong tuần này của Ủy ban Kế hoạch và Tài nguyên Thành phố Bắc Kinh, gã khổng lồ truyền thông xã hội và game Tencent đã chi 6,42 tỉ nhân dân tệ (905 triệu USD) để mua mảnh đất rộng hơn 70.601 m2 ở quận Hải Điến thuộc Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc).

Một đại diện của Tencent nói với trang SCMP rằng mảnh đất được mua lại nhằm “đáp ứng nhu cầu của công ty về không gian văn phòng có thể cung cấp không gian làm việc tập trung và ổn định”.

Tencent, hãng công nghệ lớn (Big Tech) có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, đã tuyển dụng hơn 12.000 nhân viên ở Bắc Kinh tính đến cuối năm 2023.

Việc mua đất của Tencent diễn ra khi lĩnh vực công nghệ trong nước tiếp tục phục hồi sau nhiều năm biến động do quy định, khiến nhiều công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động và sa thải nhân viên. Dù đợt giảm giá cổ phiếu đã xóa sạch hàng tỉ USD giá trị thị trường khỏi các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc, các nhà chức trách nhận thấy lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng kỹ thuật số trong tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.

Đầu tháng 1.2024, Alibaba đã hoàn thành việc xây dựng khuôn viên mới ở quận Triều Dương thuộc Bắc Kinh, có diện tích sàn 470.000 m2 để tập trung kinh doanh, theo Nhật báo Bắc Kinh.

Tháng 10.2023, công ty game miHoYo và Ant Group (đơn vị công nghệ tài chính của Alibaba) đã mạnh tay chi tiền để lần lượt mua lô đất ở thành phố Thượng Hải và Hàng Châu, nơi họ đặt trụ sở chính.

miHoYo, nhà phát triển game Genshin Impact thành công toàn cầu, đã mua một lô đất trị giá hơn 1 tỉ nhân dân tệ thông qua công ty con ở quận Từ Hối thuộc Thượng Hải, nơi tập trung nhiều hãng game.

Trong cùng tháng 10.2023, Ant Group đã chi 1,5 tỉ nhân dân tệ mua một lô đất trong cụm công nghệ tài chính Xixigu nằm ở quận Tây Hồ thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.

Riêng JD.com năm 2023 đã chi hơn 3 tỉ nhân dân tệ để mua đất ở khu vực Yizhuang thuộc Bắc Kinh, nơi gã khổng lồ thương mại điện tử này đặt trụ sở.

cac-big-tech-tranh-thu-mua-dat-xay-them-van-phong-khi-thi-truong-bat-dong-san-trung-quoc-khung-hoang.jpg
Tencent bỏ ra 6,42 tỉ nhân dân tệ để mua mảnh đất ở quận Hải Điến của Bắc Kinh- Ảnh: Bloomberg

Theo công ty tư vấn bất động sản CBRE, tỷ lệ văn phòng trống đang gia tăng ở các thành phố hạng nhất của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến, đồng nghĩa giá thuê văn phòng sẽ rẻ hơn.

Theo CBRE, tỷ lệ trống của văn phòng hạng A tăng lên tới 21% vào cuối năm 2023, so với 18,7% hồi tháng 6.2023.

Thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục ảm đạm trong năm 2024

10 ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán, trong đó có Goldman Sachs, Morgan Stanley và UBS, đều dự đoán thị trường xây dựng nhà ở Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng ảm đạm vào năm 2024.

Nếu đúng như dự đoán của các ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán nói trên, tăng trưởng xây dựng nhà ở của Trung Quốc sẽ thu hẹp 3 năm liên tiếp, là giai đoạn suy giảm liên tiếp dài nhất.

Chỉ số chủ chốt về đầu tư bất động sản 11 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ 2022. Chỉ số này năm 2022 đã giảm 8,4%.

Triển vọng kém lạc quan cho thấy dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm vực dậy nhu cầu mua nhà, xu hướng sụt giảm của thị trường bất động sản vẫn chưa chấm dứt.

Thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục ảm đạm đồng nghĩa vai trò thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của ngành này suy yếu.

Trang Bloomberg Economics ước tính nhu cầu liên quan đến bất động sản hiện nay chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, thấp hơn mức 24% vào năm 2018.

Các chuyên gia kinh tế từ Goldman Sachs nhận định đầu tư tài sản cố định bất động sản của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ thu hẹp hai con số. Họ nhấn mạnh xu hướng ảm đạm kéo dài của thị trường bất động sản sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm.

Morgan Stanley ước tính đầu tư tài sản cố định bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 7%, còn UBS dự đoán giảm 5%.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng có quan điểm bi quan. Công ty chứng khoán quốc tế CMB (CMB International Securities Limited) dự đoán đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 7%.

Theo các chuyên gia kinh tế từ CITIC Securities, nguyên nhân chủ yếu của quan điểm bi quan là các dự án bất động sản khởi động mới trong năm 2023 sụt giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với số lượng dự án đã hoàn công sẽ giảm xuống.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ bơm vốn theo giai đoạn thông qua các ngân hàng chính sách, để các gia đình có nguồn tài chính cho việc mua nhà.

Một nguyên nhân khác là doanh số bất động sản sụt giảm dẫn đến động lực khởi công xây dựng của các nhà phát triển suy yếu.

Goldman Sachs và UBS dự đoán doanh số bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 5% trong năm 2024.

Thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm sẽ gây ảnh hưởng rộng hơn. Do quy mô của ngành này lớn nên hoạt động xây dựng suy giảm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu nội địa yếu, kéo theo tình trạng giảm phát của Trung Quốc năm nay.

Trung Quốc mở rộng khả năng vay với các công ty bất động sản

Trung Quốc vừa cho phép các nhà phát triển địa ốc vay thế chấp bằng bất động sản thương mại để trả các khoản nợ khác.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia và Bộ Tài chính vừa công bố danh sách mới cho phép các công ty bất động sản vay thế chấp bằng bất động sản thương mại, như tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm, để trả các khoản nợ khác, gồm cả trái phiếu, cũng như trang trải chi phí hoạt động.

Các khoản vay không được vượt quá 70% giá trị thẩm định của tài sản thế chấp và có thời hạn 10 năm, cao nhất là 15 năm. Doanh nghiệp chỉ được dùng nguồn vốn này để trả nợ vay, nợ trái phiếu và không được sử dụng cho mục đích mua bất động sản hay đầu tư xây dựng mới.

Cơ quan quản lý Trung Quốc cho hay chính sách vừa ban hành không phải là sự đảo ngược hoàn toàn nỗ lực kiềm chế nợ và kiểm soát rủi ro trong ngành bất động sản. Các ngân hàng thương mại cho vay diện này phải tiến hành thẩm định đầy đủ trước và sau khi các khoản vay được giải ngân để giảm thiểu rủi ro.

Ngành bất động sản chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc. Đến nay, hàng chục nhà phát triển bất động sản đã vỡ nợ sau khi chính phủ triển khai chính sách 3 lằn ranh đỏ vài năm trước. Trong đó, gã khổng lồ China Evergrande vẫn đang cố gắng giải quyết khoản nợ hơn 300 tỉ USD. Tòa án Hồng Kông sẽ tổ chức phiên điều trần về kế hoạch tái cơ cấu của China Evergrande vào tuần tới.

Theo UBS, chưa thể ước lượng được tốc độ và quy mô giải ngân của những khoản vay theo chính sách mới vì các ngân hàng có thể sẽ theo dõi tính thương mại và rủi ro của chúng. Tuy nhiên, động thái của cơ quan chức năng được đánh giá là "bước quan trọng" nhằm tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp.

"Để nguồn tài chính của các nhà phát triển bất động sản được cải thiện một cách cơ bản và bền vững, doanh số bán hàng cần ngừng giảm và bắt đầu phục hồi. Điều này có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực chính sách hơn để ổn định thị trường bất động sản", trích báo cáo của UBS.

Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, Nông thôn Trung Quốc vừa cho biết nước này sẽ cung cấp thêm các khoản vay hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản trong những ngày tới.

Những rắc rối trong ngành bất động sản là một trong những trở ngại chính mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt, với việc chính phủ siết chặt những khoản vay vượt quá mức vào năm 2020 khiến một số nhà phát triển bất động sản phải vật lộn với nhiều khoản nợ khổng lồ và nhu cầu mua nhà sụt giảm. Trước những khó khăn về tài chính hiện nay của một số dự án bất động sản, chính quyền địa phương sẽ đề xuất danh sách các dự án bất động sản có thể được hỗ trợ tài chính.

Theo báo cáo của Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, Nông thôn Trung Quốc, một cơ quan quốc gia sẽ được thành lập để giám sát các khoản vay.

Trung Quốc đã ban hành nhiều đợt hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Tuần này, Trung Quốc cho biết những ngân hàng trong nước đã cung cấp các khoản vay gần 10.000 tỉ nhân dân tệ (1.400 tỉ USD) cho lĩnh vực bất động sản vào năm 2023.

Bài liên quan
Tài xế công nghệ làm nhiều nhưng có thu nhập ít hơn khi Trung Quốc ca ngợi Big Tech
Gánh nặng vực dậy nền kinh tế đang phát triển chậm của Trung Quốc đang dồn lên vai 200 triệu lao động tự do ở nước này. Đó là những người có rất ít sự đảm bảo về công việc trong thị trường ngày càng bão hòa, với nhiệt độ nóng bức vào mùa hè làm tình hình thêm tồi tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các Big Tech tranh thủ mua đất xây thêm văn phòng khi thị trường bất động sản Trung Quốc khủng hoảng