Mỹ cùng một số nước tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022, nhưng vẫn có không ít nhà lãnh đạo khác sang dự lễ khai mạc sự kiện này.
Nhà lãnh đạo thu hút sự chú ý nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông có cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm lễ khai mạc – cho thấy mối quan hệ Nga - Trung bền chặt dù cả 2 đang chịu sức ép và áp lực từ phương Tây.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi cùng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cũng có mặt ở Bắc Kinh. Cả 2 có xích mích lớn với phương Tây vì chính sách cai trị và vấn đề nhân quyền nên ngày càng thân Trung Quốc. Đặc biệt Tổng thống Vucic từng gọi Chủ tịch Tập là “người anh em” khi Trung Quốc viện trợ vắc xin với máy thở giúp Serbia chống dịch COVID-19.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cũng sang dự lễ khai mạc. Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của quốc gia Trung Đông này.
Sự có mặt của 5 nhà lãnh đạo quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan đều thể hiện mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc với khu vực Trung Á. Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Zhaparov tháng trước đã thúc đẩy khôi phục một dự án đường sắt từ Trung Quốc đi qua nước này đến Uzbekistan. Ngoài ra, Trung Quốc là khách hàng tin cậy của khí đốt Tủkmenistan.
Tổng thống Argentina Alberto Fernández dự tính thăm khu tưởng niệm Mao Trạch Đông khi sang dự Olympic, đồng thời thảo luận về khả năng nhờ Trung Quốc giúp đỡ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Argentina có thể là quốc gia Mỹ Latin lớn đầu tiên tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong khi đó Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cũng sang dự nhằm tìm cách đàm phán khoản nợ 4,6 tỉ USD của nước này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng dự Olympic Bắc Kinh 2022. Ông Guterres nhấn mạnh Olympic là dịp tập hợp mọi người lại với nhau, truyền đi thông điệp đoàn kết và hòa bình.
Trong khi đó, Mỹ, Úc, Anh, Canada, New Zealand, đều tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh vì vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Kosovo, Lithuania hưởng ứng theo vì quan hệ giữa họ với Trung Quốc xấu đi bởi vấn đề Đài Loan.
Ấn Độ tuyên bố không gửi quan chức sang dự sau khi có thông tin một chỉ huy quân đội Trung Quốc tham gia cuộc đụng độ chết người ở biên giới năm 2020 được chọn cầm đuốc Olympic.
Hoàng gia Na Uy và Thụy Điển không dự Olympic như thông lệ, nhà lãnh đạo của Đức, Áo, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan cũng vắng mặt với lý do dịch bệnh.