Nvidia kiếm được bộn tiền nhờ bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cho nhiều hãng công nghệ lớn nhỏ. Giờ đây, nhà cung cấp chính của Nvidia là TSMC định tính giá sản xuất chip cao hơn cho họ.
Thế giới số

CEO TSMC nói chip AI Nvidia quá đắt và muốn tăng giá sản xuất, Jensen Huang lên tiếng

Sơn Vân 10/06/2024 22:00

Nvidia kiếm được bộn tiền nhờ bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cho nhiều hãng công nghệ lớn nhỏ. Giờ đây, nhà cung cấp chính của Nvidia là TSMC định tính giá sản xuất chip cao hơn cho họ.

Nvidia (Mỹ) là hãng chip có giá trị cao nhất thế giới, còn TSMC (Đài Loan) là nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào bùng nổ AI biến Nvidia thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới và gia tăng tài sản ròng cho Giám đốc điều hành Jensen Huang lên 106 tỉ USD.

Giờ đây, TSMC dường như muốn tận dụng sự cường điệu về AI này.

"Tôi đã phàn nàn với Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang - 'người 3.000 tỉ USD' - rằng các sản phẩm của ông ấy quá đắt", C.C. Wei (Giám đốc điều hành TSMC) cho biết, theo trang Nikkei.

C.C. Wei đề cập đến vốn hóa thị trường Nvidia, đã vượt quá 3.000 tỉ USD vào tuần trước. Nvidia đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh bùng nổ khác vào tháng trước, với doanh thu và thu nhập quý 1/2024 đều vượt qua ước tính của các nhà phân tích ở Phố Wall.

Cụ thể hơn, doanh thu quý 1/2024 của Nvidia tăng vọt 262% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,04 tỉ USD, vượt ước tính 24,65 tỉ USD từ các nhà phân tích. Trong khi thu nhập ròng quý 1/2024 của Nvidia tăng vọt 628% lên mức 14,88 tỉ USD.

C.C. Wei nói thêm rằng các sản phẩm Nvidia "chắc chắn là rất có giá trị" nhưng ông đang nghĩ đến việc "thể hiện giá trị của chúng tôi".

Bình luận của C.C. Wei đã làm dấy lên suy đoán rằng TSMC đang cân nhắc tăng giá. Theo một số ước tính, TSMC sản xuất 90% chip xử lý tiên tiến nhất thế giới.

TSMC đã cố gắng giảm bớt suy đoán của thị trường vào tuần trước, nói với các phương tiện truyền thông Đài Loan rằng giá cả của công ty luôn "theo định hướng chiến lược hơn là theo cơ hội".

Hồi tháng 4, một nhà phân tích đã hỏi liệu TSMC có đang gặt hái những lợi ích từ sự bùng nổ của AI và cách C.C. Wei suy nghĩ về giá cả.

"Chúng tôi vui mừng vì khách hàng của mình đang phát triển tốt. Nếu khách hàng làm tốt thì TSMC cũng phát triển tốt", C.C. Wei trả lời.

Jensen Huang dường như không bận tâm đến việc TSMC tăng giá sản xuất chip. Ông nói với các phóng viên ở Đài Loan rằng đóng góp của TSMC cho ngành là "thực sự tuyệt vời".

"Tôi nghĩ nâng giá là phù hợp với giá trị mà TSMC mang lại. Vì vậy, tôi rất vui khi thấy họ thành công", tỷ phú 63 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan nói.

ceo-tsmc-noi-chip-ai-nvidia-qua-dat-va-muon-tang-gia-san-xuat-jensen-huang-len-tieng.jpg
Ông C.C. Wei (trá) gọi Jensen Huang (phả) là “người ba nghìn tỉ USD” - Ảnh: Getty Images

Các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley viết trong lưu ý tuần trước rằng ban quản lý Nvidia có thể đã nhận ra sự đáng tin cậy của TSMC.

"Chúng tôi tin rằng nếu Nvidia chấp nhận việc TSMC tăng giá, các khách hàng bán dẫn AI quan trọng khác của họ có thể đồng ý việc này", các nhà phân tích Morgan Stanley viết. Họ ước tính rằng Nvidia sẽ chiếm 10% doanh thu năm 2024 của TSMC.

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay TSMC báo hiệu việc tăng giá.

Vào tháng 4, C.C. Wei cho biết Nvidia có kế hoạch tính phí cao hơn cho khách hàng nếu họ muốn sản xuất chip bên ngoài Đài Loan.

"Nếu khách hàng của tôi yêu cầu ở một khu vực nhất định nào đó, thì chắc chắn TSMC và khách hàng phải chia sẻ chi phí gia tăng. Trong môi trường toàn cầu hóa bị phân mảnh ngày nay, chi phí sẽ cao hơn cho tất cả mọi người, bao gồm TSMC, khách hàng của chúng tôi, các đối thủ cạnh tranh và toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn", C.C. Wei cho biết trong cuộc họp bàn về kết quả kinh doanh quý 1/2024 của TSMC.

Môi trường toàn cầu hóa bị phân mảnh là thuật ngữ mô tả tình trạng hệ thống kinh tế toàn cầu đang trở nên phân chia thành nhiều khu vực và khối thị trường riêng biệt, thay vì tiếp tục hội nhập và kết nối như trước đây.

Đài Loan đã tăng giá điện cho các người dùng công nghiệp lớn vào tháng 4, điều này sẽ gây sức ép lên lợi nhuận ròng của TSMC. C.C. Wei cho biết lạm phát và điện lực đang dẫn đến chi phí cao hơn.

"Chúng tôi mong đợi khách hàng của chúng tôi chia sẻ một phần chi phí cao hơn với TSMC và đã bắt đầu thảo luận với khách hàng của mình", ông nói, từ chối nêu chi tiết về chiến lược giá.

Chip được sử dụng trong mọi thứ, từ trung tâm dữ liệu đến smartphone. Đáp lại việc sản xuất chip phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan, TSMC đang đa dạng hóa sản xuất bằng việc xây dựng các nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ), Nhật Bản và Đức.

C.C. Wei cho biết TSMC đã thảo luận về việc di dời một số nhà máy chip ra khỏi Đài Loan nhưng không thể di chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất khỏi đảo này.

Cổ phiếu TSMC tăng 48% từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu Nvidia tăng hơn 140% từ đầu năm đến nay trước khi chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1.

Thách thức của C.C. Wei khi trở thành Chủ tịch TSMC

Trong suốt 6 năm, Giám đốc điều hành C.C. Wei đã âm thầm lèo lái TSMC, giúp công ty tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những thách thức. Giờ đây, ông đảm nhiệm một vai trò nổi bật hơn cả là Chủ tịch TSMC.

Giữ chức vụ Giám đốc điều hành TSMC từ năm 2018, C.C. Wei trở thành chủ tịch tập đoàn từ ngày 2.6, sau khi ông Mark Liu nghỉ hưu. Động thái này là một phần trong cuộc cải tổ quy mô lớn trong nội bộ tập đoàn Đài Loan.

Với tư cách là Giám đốc điều hành, C.C. Wei trước đây thường tập trung vào việc quản lý công ty, trong khi Mark Liu sẽ xuất hiện trước công chúng, phụ trách giao thương với chính phủ và các đối tác. Cả 2 lãnh đạo kỳ cựu đã cùng nhau trải qua 6 năm sôi động nhất trong lịch sử TSMC, kể từ khi Morris Chang thành lập công ty vào năm 1987.

6 năm này cũng là giai đoạn chất bán dẫn, từ một thị trường không mấy hấp dẫn trong chuỗi cung ứng công nghệ, trở thành chiến trường khốc liệt trong căng thẳng Mỹ - Trung.

Trong khi đó, tình trạng thiếu chip chưa từng có do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các nền kinh tế lớn đưa hoạt động sản xuất chip vào nội địa, nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Những xu hướng này đã đưa TSMC trở thành tâm điểm chú ý. Đối tác lâu năm của Nvidia, Apple, AMD và Qualcomm giờ đây không chỉ là một nhà sản xuất chip thành công, mà còn được coi là một tài sản địa chính trị quan trọng.

Sự nổi bật này đi kèm với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Giá trị thị trường TSMC đã tăng gần gấp 3 trong 6 năm dưới thời C.C. Wei và Mark Liu. Doanh thu và lợi nhuận ròng cũng tăng hơn gấp đôi trong thời gian này, bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất chip với Intel (Mỹ) và Samsung Electronics (Hàn Quốc), TSMC đòi hỏi phải có những khoản đầu tư khổng lồ. Chi phí vốn của TSMC tăng gần gấp 3 lần, từ 10,8 tỉ USD năm 2018 lên 30,45 tỉ USD vào 2023.

Chi tiêu cho mảng nghiên cứu và phát triển đã tăng lên 5,8 tỉ USD vào năm 2023, từ 2,8 tỉ USD hồi 2018.

Khi đảm nhận vai trò mới, C.C. Wei sẽ phải đối mặt với hàng loạt thử thách, cả quen thuộc lẫn mới mẻ. Trong đó, thách thức quan trọng nhất lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Đó là yếu tố địa chính trị.

“Cả C.C. Wei và Mark Liu đều không phải là chính trị gia. Song nhìn về tương lai, địa chính trị vẫn là một trong những yếu tố bất ổn chính và là nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo công ty cần phải giải quyết. Đây chắc chắn là một vấn đề khó khăn”, một cựu giám đốc TSMC nói với trang Nikkei.

Nhà phân tích chất bán dẫn Arisa Liu cho biết tất cả những điểm bất ổn lớn nhất TSMC đang phải đối mặt đều xuất phát từ chính trị.

“Những yếu tố bấp bênh bao gồm liệu cựu Tổng thống Mỹ Trump có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới hay không, liệu sẽ có động lực địa chính trị mới hay không và thái độ của Mỹ với ngành công nghiệp chip của Đài Loan cùng TSMC là gì”, Arisa Liu phân tích.

Ông Trump từng chỉ trích Đài Loan đã tước đoạt "mảng kinh doanh" của Mỹ khi đảo này chiếm thị phần cao trên thị trường toàn cầu ở mảng sản xuất chip tiên tiến.

Thử thách thứ 2 của TSMC liên quan đến sự phát triển của chính họ. Công ty hiện có hơn 76.000 nhân viên, tăng từ con số 48.000 vào năm 2018. Hiện nay, lực lượng lao động của TSMC đa dạng hơn bao giờ hết.

Đầu nhiệm kỳ của C.C. Wei, hầu hết hoạt động sản xuất của TSMC tập trung ở Đài Loan. Song trong những năm gần đây, công ty đã bắt tay vào chuỗi mở rộng quy mô toàn cầu chưa từng có. Đơn cử như lần đầu xây nhà máy sản xuất ở Nhật Bản, Đức và Mỹ.

Ngoài ra, TSMC cũng phải đứng trước sự thay đổi mô hình hoạt động mà toàn bộ ngành công nghiệp chip đang phải đối mặt. Trong khi tiếp tục nỗ lực thu nhỏ bóng bán dẫn, chiếm ưu thế trong cuộc đua sức mạnh điện toán, các nhà sản xuất chip hàng đầu cũng phải khám phá hướng đi mới. Chẳng hạn như tích hợp và kết nối chip theo những cách chưa từng có.

Bài liên quan
TSMC giới thiệu công nghệ A16, cạnh tranh với Intel để tạo chip nhanh nhất thế giới
TSMC hôm 24.4 cho biết công nghệ sản xuất chip mới có tên A16 sẽ được ứng dụng thực tế vào nửa cuối năm 2026, tạo ra cuộc cạnh tranh với Intel về việc ai có thể tạo ra chip nhanh nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO TSMC nói chip AI Nvidia quá đắt và muốn tăng giá sản xuất, Jensen Huang lên tiếng