Các bệnh nhân mắc các bệnh không liên quan đến COVID-19 đã không thể đến bệnh viện trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn để khống chế dịch bệnh.

Chính sách 'Zero COVID' khiến người dân Trung Quốc ngày càng mệt mỏi

Đan Thuỳ | 06/04/2022, 13:32

Các bệnh nhân mắc các bệnh không liên quan đến COVID-19 đã không thể đến bệnh viện trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn để khống chế dịch bệnh.

Cha của Jia Ruiling đã phải chịu đựng cơn đau dữ dội kể từ ngày 17.3. Ông bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, nhưng bệnh viện từ chối điều trị vì khu phố của Jia ở Thượng Hải (Trung Quốc) đang bị phong tỏa do có một số trường hợp mắc COVID-19. 

"Chúng tôi đã cầu xin bệnh viện điều trị hết lần này đến lần khác. Đã có lúc bố tôi đau đớn đến mức muốn chết đi. Chúng tôi có thể làm gì? Xin hãy giúp chúng tôi cho chính quyền trung ương biết", Jia nói. 

Chính sách "Zero COVID" nghiêm ngặt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc bất kỳ ai được phát hiện dương tính với COVID-19, ngay cả khi họ không có triệu chứng hoặc chỉ nhiễm nhẹ, đều bắt buộc phải cách ly. 

Nhưng trong vài tuần gần đây, khi số ca nhiễm tăng mạnh và 26 triệu người dân buộc phải ngồi trong nhà, trung tâm tài chính quan trọng nhất của Trung Quốc đại lục đã đi vào bế tắc. Số ca dương tính mới hàng ngày lần đầu tiên vượt quá 10.000 ca vào ngày 4.4. Mặc dù 38.000 nhân viên y tế đã được điều động từ khắp Trung Quốc đến Thượng Hải để hỗ trợ, song các nguồn lực y tế đang dồn hết sức để chống COVID-19, khiến những bệnh nhân mắc các bệnh khác như cha của Jia rất khó tiếp cận.

anh-chup-man-hinh-2022-04-06-luc-10.48.49.png
Những người mắc bệnh nhẹ và không có triệu chứng được cách ly tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Mới ở Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: AP

Luo Ruixiang, một công nhân Trung Quốc ở Cộng hòa Congo, cũng có trải nghiệm tương tự. Anh đã bay về nước vào tháng 3 với hy vọng được điều trị khẩn cấp sau khi bị hỏng mắt trái.

Luo hạ cánh xuống Thượng Hải và đã thông báo cho khách sạn nơi anh cách ly và chính quyền về nhu cầu y tế của mình, nhưng trong hơn một tuần song anh không hề nhận được phản hồi nào. "Tôi đã lo lắng rằng nếu tôi đợi cho đến khi việc kiểm dịch kết thúc, tôi sẽ bị mù", Luo nói.

Tuyệt vọng, Luo đã lên mạng xã hội Weibo để cầu xin sự giúp đỡ. Truyền thông địa phương đã nhanh chóng gọi điện cho anh và sự trợ giúp y tế nhanh chóng đến trợ giúp.

Sự bùng phát của biến thể Omicron ở Thượng Hải là phép thử lớn nhất cho chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc cho đến nay và thành phố này đang gặp khó khăn. Vào ngày 4.4, các quan chức y tế đã báo cáo tại Thượng Hải đã ghi nhận 8.581 ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng và 425 ca nhiễm có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Thượng Hải, một trong những thành phố phức tạp nhất của Trung Quốc, lẽ ra phải được chuẩn bị tốt hơn. 

Chen Xi, một chuyên gia y tế công cộng tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) cho biết: "Cả vi rút và con người đều đang thay đổi. Đây là lần đầu tiên biến thể phụ của Omicron, tức là BA.2, tấn công Thượng Hải. Tốc độ lây lan nhanh chưa từng có vượt quá khả năng truy vết và các biện pháp y tế công cộng thông thường khác. Nhiều người dân cũng có dấu hiệu của sự mệt mỏi sau hơn hai năm phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt". 

Khi lệnh phong tỏa tiếp tục diễn ra ở thành phố lớn nhất Trung Quốc, tràn ngập cảm giác... bất lực. Những hình ảnh và video cho thấy những đứa trẻ nhỏ bị tách khỏi cha mẹ của chúng tại một bệnh viện ở Thượng Hải đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội vào cuối tuần qua. Một phụ huynh có con bị bắt tách ra khỏi bố mẹ sau khi xét nghiệm dương tính COVID-19 đã viết trên mạng xã hội: "Tôi rất buồn…".

Một số nhà ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu (EU) có trụ sở tại Thượng Hải đã gửi thư tới chính quyền thành phố vào ngày 31.3, yêu cầu chính quyền thành phố hỗ trợ công dân của họ khi họ cần trợ giúp y tế. Họ cũng kêu gọi Thượng Hải không tách trẻ em khỏi cha mẹ của chúng "bất kể hoàn cảnh nào".

anh-chup-man-hinh-2022-04-06-luc-10.48.21.png
Những đứa trẻ đứng sau hàng rào của một khu vực bị phong tỏa tại Thượng Hải - Ảnh: Reuters

Các quan chức y tế của Thượng Hải đã bảo vệ chính sách này vào hôm 4.4 khi các bậc cha mẹ và người giám hộ bày tỏ sự tức giận của họ trên mạng xã hội. Wu Qianyu, một quan chức từ ủy ban y tế thành phố Thượng Hải, cho biết chính sách này là không thể thiếu trong các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát vi rút.

Đáp lại những lời phàn nàn, Ma Chunlei, Tổng thư ký của chính quyền thành phố Thượng Hải đã thừa nhận rằng chính quyền của ông đã xử lý ổ dịch không tốt. "Nhận thức của chúng tôi về chủng đột biến Omicron có khả năng lây nhiễm cao là chưa đầy đủ, và sự chuẩn bị của chúng tôi đối với sự gia tăng đáng kể của các bệnh là không toàn diện. Chúng tôi chấp nhận những lời chỉ trích của mọi người và đang nỗ lực để cải thiện nó", ông Ma Chunlei chia sẻ. 

Dù vậy, một số ý kiến ​​cho rằng mọi thứ vẫn không được cải thiện. Vợ và con trai ba tuổi của Deng Zhaoyang đã ở trong cơ sở cách ly kể từ ngày 29.3 cho biết: "Cơ sở được điều hành bởi các tình nguyện viên và dường như không có ai phụ trách. Chúng tôi còn không biết khi nào mới có người đến làm các xét nghiệm cho chúng tôi", Deng nói. 

Deng, người đã di cư đến Thượng Hải từ nhiều năm trước cho rằng trong vài năm qua khi mọi thứ vẫn bình thường và các khu vực khác của Trung Quốc đang vật lộn với dịch bệnh bùng phát, anh chưa bao giờ nghĩ điều tương tự sẽ xảy ra ở Thượng Hải.

"Trước khi biến thể Omicron xuất hiện, những người nhiễm bệnh nên đến các cơ sở cách ly. Nhưng bây giờ hầu hết họ chỉ có các triệu chứng nhẹ. Chẳng phải chính phủ nên điều chỉnh chính sách của họ cho phù hợp?", Deng nói thêm.

anh-chup-man-hinh-2022-04-06-luc-10.48.32.png
Nhiều người dân cảm thấy búc xúc khi phải ngồi trong nhà nhiều ngày - Ảnh: EPA 

Cảm giác bức xúc được một số chuyên gia y tế của thành phố cũng đã được chia sẻ. Trong một cuộc trò chuyện, một quan chức tại trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Thượng Hải cho biết nguồn lực y tế của thành phố đang bị quá tải nghiêm trọng.

Song hôm 2.4, ông Sun Chunlan, Phó thủ tướng Trung Quốc đã nhấn mạnh "sự tuân thủ không thay đổi đối với chính sách 'Zero COVID năng động" trong chuyến thăm chính thức đến Thượng Hải, theo Tân Hoa xã. Chưa đầy 24 giờ sau, quân đội Trung Quốc đã điều động hơn 2.000 nhân viên y tế đến Thượng Hải để hỗ trợ các nỗ lực hạn chế sự lây lan của vi rút. 

In Dong-yan, Giáo sư tại trường khoa học y sinh thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết phải mất vài tuần trước khi có thể kiểm soát được vi rút. "Ngay cả khi họ có thể đạt được 'Zero COVID' với chi phí cực kỳ cao, rất có thể một lúc nào nó một biến thể mới nguy hiểm lại xuất hiện… Sống chung với vi rút là lựa chọn khả thi duy nhất", In Dong-yan nói.

 Để có thể sống chung với vi rút thì phải có một loại vắc xin hiệu quả. Các quan chức y tế Trung Quốc đã bắt đầu nói chuyện cởi mở trong những tháng gần đây về vắc xin mRNA, một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách có thể đã suy nghĩ về việc áp dụng các loại vắc xin khác ngoài Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

Tiến sĩ Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về hô hấp của Trung Quốc, hồi tháng 12 cho biết Trung Quốc nên học hỏi những điều tốt ở các nước khác, chẳng hạn như vắc xin mRNA. Chính quyền Thượng Hải cũng cho biết trong một văn bản chính thức vào tuần trước rằng họ hỗ trợ nhập khẩu vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.

Chen cho biết: "Việc triển khai các xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) và phê duyệt vắc xin mRNA đều có thể thực hiện được vì chúng có nhiều dữ liệu để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vắc xin mRNA cũng như đủ năng lực để sản xuất hàng loạt RAT,” Chen nói và cho biết thêm rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp đối với người lớn tuổi ở Trung Quốc là “đáng lo ngại”.

Đối với Jia, ý tưởng sống chung với vi rút có vẻ xa vời. Cô chỉ mong cha mình sẽ được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. "Cơn đau của ông ấy đã giảm bớt do tăng liều lượng thuốc giảm đau trong vài ngày qua, nhưng đây không phải là một giải pháp bền vững. Ông ấy cần gặp bác sĩ", Jia nói.

Kể từ khi Jia tiết lộ câu chuyện của cha cô trên mạng vào tuần trước, cô cho biết cô đã nhận được sự chú ý từ giới truyền thông. Có lẽ vì quá áp lực, chính quyền địa phương đã gọi điện cho cô để nói rằng họ có thể đưa cha cô đến bệnh viện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách 'Zero COVID' khiến người dân Trung Quốc ngày càng mệt mỏi