Dự án với tên gọi Green City liên tục xuất hiện tại nhiều quận huyện ở TP.HCM. Tuy nhiên, chính quyền khẳng định trên địa bàn không có dự án nào có tên Green City.

Coi chừng sập bẫy dự án ‘ma’ bất động sản Green City

Hồ Đông | 15/12/2021, 09:34

Dự án với tên gọi Green City liên tục xuất hiện tại nhiều quận huyện ở TP.HCM. Tuy nhiên, chính quyền khẳng định trên địa bàn không có dự án nào có tên Green City.

Dự án “ma” Green City xuất hiện ở nhiều quận huyện

Thời gian vừa qua, tại TP.HCM, không ít cá nhân đã tự vẽ ra dự án đất nền từ các khu đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc đất trong khu quy hoạch. Sau đó, họ đặt ra các tên gọi “mỹ miều” rồi ký đặt cọc với khách hàng, hứa hẹn sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý, bàn giao đất nhưng không thực hiện.

Dù đó chỉ là dự án “ma”, song không ít người vẫn sẵn sàng xuống tiền đặt mua những nền đất mù mờ pháp lý, không rõ hình hài để rồi vất vả đòi quyền lợi. Thực trạng này tiếp tục tái diễn trong thời gian gần đây.

Mới đây, trên địa bàn xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) xuất hiện nhiều tình trạng chủ một số thửa đất tự ý “vẽ” dự án rồi phân lô bán nền trái quy định. UBND xã sau đó đã cắm nhiều biển thông báo để cảnh báo người dân về các thủ tục chuyển chượng đất đai tại các vị trí trên địa bàn.

green-city-binh-chanh.jpeg
UBND xã Tân Quý (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cắm biển cảnh báo tại khu đất dự án Green City

Cụ thể, tại khu đất nằm trên Hương lộ 11, chủ khu đất đã tự ý “vẽ” dự án, phân thành nhiều lô để bán và thu tiền của nhiều khách hàng. Sau đó, UBND xã Tân Quý Tây phát hiện sự việc nên đã cắm 2 biển thông báo tại khu đất này để cảnh báo người dân về việc chuyển nhượng đất đai tại đây.

Theo UBND xã Tân Quý Tây, qua rà soát và kiểm tra thông tin phản ánh, trên địa bàn xã không có dự án phân lô bán nền tên Green City được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Theo chúng tôi tìm hiểu, khu đất trên được Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh địa ốc Hoàng Lâm tự ý “vẽ” dự án với nhiều tiện ích “ảo trên giấy” và lấy tên thương mại là Green City rồi phân thành nhiều lô và chuyển nhượng, thu tiền của khách hàng nhiều tỉ đồng. Nhiều khách hàng “ôm trái đắng” sau khi nhận chuyển nhượng đất từ Công ty Hoàng Lâm nhưng đến nay vẫn không nhận được đất. Khu “dự án” đến nay vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

Tương tự, nhiều trang mạng, diễn đàn buôn bán nhà đất cũng quảng bá rầm rộ “dự án Green City” đẳng cấp 5 sao tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi với quy mô hơn 104ha, gồm 273 căn biệt thự vườn, 454 biệt thự song lập, 1.065 biệt thự liền kề…

green-city-cu-chi-1.jpeg
Người mua đất nền dự án Green City Củ Chi treo băng rôn phản đối Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Lạc Việt. Tuy nhiên, trụ sở của Công ty Lạc Việt đã đóng cửa, bảng hiệu cũng bị xóa

Tuy nhiên, UBND huyện Củ Chi khẳng định Green City là dự án ma, huyện chưa chấp thuận chủ trương thực hiện dự án. Do vậy, huyện đã yêu cầu UBND xã Tân An Hội gắn biển cảnh báo để người dân biết và đề nghị người có nhu cầu mua đất nền nên trực tiếp liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước để được cung cấp thông tin chính thống, chính xác, tránh bị lừa đảo.

Đáng chú ý, vừa qua, 33 người mua đất nền dự án Green City tại Củ Chi đã đến Công an TP.HCM kiến nghị khởi tố vụ án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn kiến nghị khởi tố vụ án tập thể. Theo người mua, các đơn vị môi giới hoặc ký hợp đồng mua bán đã quảng cáo không trung thực, chiếm đoạt tài sản của người mua đất nền.

Coi chừng sập bẫy, tiền mất tật mang

Vài năm trở lại đây, cơ quan chức năng TP.HCM đã liên tục khởi tố, bắt giam nhiều giám đốc công ty bất động sản liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc “vẽ” dự án không có thật để lừa bán cho khách hàng.

Đơn cử, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM truy nã ông Mai Quốc Dương, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Việt Á Châu để điều tra việc lừa bán dự án "ma" ở TP.HCM, Long An. Theo thông tin ban đầu, từ đầu năm 2018, Mai Quốc Dương thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Việt Á Châu và Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Á Châu. Hai công ty trên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tư vấn, môi giới bất động sản.

Mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập dự án, chưa được cấp phép phân lô, tách thửa nhưng Mai Quốc Dương đã lợi dụng pháp nhân các công ty trên để tự vẽ các dự án không có thật ở TP.HCM và Long An. Sau đó, Dương ký kết hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất, thu tiền của khách hàng, đến nay không có đất để giao cho khách như thỏa thuận đã ký, không trả lại tiền cho khách hàng.

Trước đó, Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Năm Tài tự vẽ dự án trên hai lô đất đã quy hoạch trồng cây xanh, rao bán đất nền chiếm đoạt 31 tỉ đồng cũng bị khởi tố.

Tương tự, Công an TP.HCM ra thông báo tìm khách hàng bị Công ty Thiên Ân Phát lừa bán đất nền, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng xảy ra vào năm 2018, 2019. Vào tháng 8.2020, Công an TP cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc (40 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Thiên Ân Phát về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Như vậy, sau thời gian tạm lắng, tình trạng vẽ “dự án ma” đất nền đã quay trở lại, gây tâm lý lo lắng cho người dân, tạo tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, mất an ninh trật tự, cũng như tiềm ẩn rủi ro đối với sự phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM. Các cơ quan chức năng thành phố cũng đang khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bài liên quan
Tạo sốt đất gần 20 năm, bao giờ mới có cầu Cát Lái?
Sau gần 20 năm có chủ trương, đến nay, câu hỏi “bao giờ có cầu Cát Lái” vẫn chưa có đáp án cụ thể. Tuy nhiên, cứ khoảng 2 - 3 tháng môi giới lại tung ra một văn bản, nhằm tạo sốt đất khiến nhà đầu tư “hụt hơi”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coi chừng sập bẫy dự án ‘ma’ bất động sản Green City