Theo các chuyên gia, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, đặc biệt, cao gấp gần 3 lần so với giá cước taxi ở Bangkok.
Cước taxi ở Việt Nam cao gấp gần 3 lần so với Bangkok
Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí xăng dầu chiếm tới 25% - 35% cước vận tải. Chính vì vậy khi giá xăng dầu biến động thì giá cước vận tải biến động theo cũng là điều hiển nhiên.
Nhưng có một nghịch lý là khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải lại không giảm hoặc giảm rất chậm.
Theo đó, phát biểu tại Tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” được Vinastas tổ chức ngày 8.9, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cho rằng, đây là hiện tượng không bình thường và cũng không phải là vấn đề mới.
"Xăng giảm sâu như vậy, lẽ ra giá cước vận tải cũng phải giảm tương ứng, có như vậy mới bảo đảm công bằng đối với người tiêu dùng vì họ đã từng chia sẻ với ngành vận tải khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải cũng tăng theo. Tuy nhiên giá cước vận tải vẫn “án binh bất động”.
Không những thế, cước vận tải lại là một trong những chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh, vin vào đó, giá cả hàng loạt hàng hóa có liên quan cũng dẫm chân tại chỗ", ông Hùng nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, đặc biệt, cao gấp gần 3 lần so với giá cước taxi ở Bangkok.
Theo đó, giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Rupiah) và thậm chí là ở Singapore cũng chỉ 8.700/km (0,55 S$).
Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm thì doanh nghiệp Việt lại không giảm giá, là hành vi ứng xử không công bằng với người tiêu dùng.
"Quan điểm cho rằng giá cước vận tải đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, cần để thị trường quyết định và để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau về giá là đúng. Tuy nhiên, cơ chế thị trường ấy không phải doanh nghiệp muốn làm gì cũng được, tách rời sự điều tiết của Nhà nước", ông Thỏa nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cơ chế thị trường cho phép doanh nghiệp tự định giá theo các tín hiệu khách quan của thị trường, tức là phải có lên, có xuống khi các yếu tố hình thành giá thay đổi: tăng hoặc giảm, không “neo giá” hoặc cố định giá khi các yếu tố cấu thành giá đã thay đổi.
Xăng dầu – yếu tố cấu thành cơ bản của giá cước vận tải vừa qua giảm mà doanh nghiệp không giảm giá kịp thời, vừa không thực hiện đúng yêu cầu của cơ chế thị trường vừa không thực hiện đúng quy định của Luật Giá.
"Sự không tuân thủ này là hành vi của các doanh nghiệp trong một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo - nguyên nhân chính tạo ra hiện tượng “neo giá” của các doanh nghiệp", ông Thỏa nói.
|
Giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao gấp gần 3 lần so với Bangkok và cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực (Ảnh minh họa) |
Cạnh tranh là liều thuốc tốt nhất cho bệnh neo giá cước vận tải!
Trên cơ sở đó phân tích hiện tượng "neo giá" của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đem lại công bằng giữa người sử dụng và người cung ứng dịch vụ vận tải thì không thể phó thác cho cơ chế thị trường, thậm chí không loại trừ khả năng bắt tay làm giá giữa các nhà kinh doanh.
Cũng bởi vậy nên rất cần sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính cùng sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận và người tiêu dùng, kể cả biện pháp tẩy chay những đơn vị cố tình trây ỳ.
Mặt khác, cũng theo ông Hùng, để phát huy những ưu thế của cơ chế thị trường, các cơ quan quản lý cần kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải; có chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào lĩnh vực dịch vụ vận tải ở nước ta.
"Cạnh tranh là liều thuốc tốt nhất cho bệnh neo giá cước vận tải", ông Hùng khẳng định.
Cùng chung quan điểm với ông Hùng, bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng cũng cho rằng, để thúc đẩy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo ra một thị trường vận tải mở với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hay loại hình vận tải mới.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy liều thuốc cạnh tranh mới là giải pháp triệt để nhằm giảm giá cước vận tải”, bà Quế Anh cho biết.
Duyên Duyên