Ngày 1.2, Cựu Tổng thống Iran Akbar Hashemi Rafsanjani đã lên tiếng chỉ trích phe bảo thủ liên quan đến việc loại bỏ các ứng viên trong cuộc bầu cử quốc gia.
Ông Rafsanjani đã lên chỉ trích việc truất quyền tham gia của các ứng cử viên cải cách trong cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tháng 2.2016 theo chính sách của phe bảo thủ và nhấn mạnh việc loại bỏ đối thủ theo cách này sẽ làm sâu sắc thêm tranh chấp giữa các nhóm đối lập.
Hội đồng giám sát, cơ quan kiểm soát bao gồm các giáo sĩ và luật sư, đã loại trừ hàng ngàn nghị viên triển vọng và 4/5 ứng cử viên có thể sẽ được bầu chọn làm nhà lãnh đạo tối cao tiếp theo của Iran. Động thái này gây ra những trở ngại đối với Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, một đồng minh thân cận của ông Rafsanjani.
Trong số những người bị loại có Hassan Khomeini, cháu trai của lãnh tụ tối cao đầu tiên của Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, người có quan hệ gần gũi với các nhóm cải cách.
Ông Rafsanjani cho biết tại buổi lễ kỷ niệm ngày lãnh tụ Khomeini trở về Tehran từ Pháp, trong cuộc cách mạng năm 1979 rằng: “Hội đồng giám sát đã loại bỏ cháu trai của Imam Khomeini, người có những đức tính rất giống với ông nội của mình. Ai cho phép họ có quyền đánh giá và loại bỏ người khác? Người nào cho họ quyền hạn nắm giữ vũ khí, hoạt động cầu nguyện vào thứ 6 hay các kênh truyền hình nhà nước”.
Một số nhà phân tích cho rằng, những phát biểu của cựu Tổng thống Iran là nhằm vào lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người đứng đầu lực lượng vũ trang, có quyền bổ nhiệm giám đốc các đài truyền hình nhà nước, lựa chọn người đứng đầu hoạt động cầu nguyện vào ngày thứ 6 trên toàn quốc và một nửa số thành viên trong Hội đồng giám sát.
Cựu Tổng thống Iran Rafsanjani, 78 tuổi, vốn là nhà lãnh đạo cầu nguyện thứ 6 tại Tehran trước khi mất mọi quyền hành do ủng hộ phong trào đối lập trong cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2009. Hội đồng giám sát đã loại ông Rafsanjani ra khỏi cuộc đua bầu cử tổng thống sau đó.
Thành công của Iran trong thời gian gần đây liên quan đến việc chấm dứt các lệnh cấm vận quốc tế bằng cách hạn chế chương trình hạt nhân, đang gây ra những tranh cãi khác nhau. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nội bộ Iran hiện trải qua một cuộc tranh giành quyền lực, phân chia thành nhiều nhóm bảo thủ hay cải cách.
Mặc dù lãnh tụ tối cao Khamenei miễn cưỡng cho phép Tổng thống Rouhani đàm phán các thỏa thuận hạt nhân, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2013 với cam kết nới lỏng cô lập của nước ngoài nhằm vào Iran và hạn chế đàn áp bên trong đất nước; nhưng phe bảo thủ lo ngại người dân, sau khi chứng kiến đời sống tăng lên do các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông Rouhani.
Hàn Giang (theo Reuters)