Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở vùng ĐBSCL đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi giá vật liệu đang tăng cao từng ngày.
Giá vật liệu xây dựng ở vùng ĐBSCL hiện nay đang tăng lên từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ghi nhận của PV Một Thế Giới, hiện giá các mặt hàng như sắt thép, cát, đá… đều tăng từ hơn 20% trở lên so với giá dự toán được đưa ra.
Cụ thể, giá thép vào sáng 22.4 có mức giá trên 19.000 đồng/kg (giá dự toán hơn 13.000 đồng/kg) tăng khoảng 6.000 đồng/kg; cát có giá 250.000 – 270.000 đồng/m3 tăng khoảng 100.000 đồng; đá khoảng từ 440.000 – 460.000 đồng/m3 tăng khoảng 70.000 đồng/m3.
Ông K., chủ một doanh nghiệp chuyên về xây dựng ở Cà Mau lắc đầu ngao ngán: “Giá vật tư cứ đà tăng như thế này mà cơ quan chức năng không sớm vào cuộc điều chỉnh giá để bắt kịp theo thị trường thì sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khó vì không trụ vững. Việc tăng giá như vậy là do nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá cả leo thang”.
Trước đà vật tư tăng giá chóng mặt như hiện nay, ông K. đã có ý định sẽ tập hợp nhiều nhiều anh em doanh nghiệp trong giới xây dựng làm đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng với mong muốn được xem xét và có giải pháp can thiệp, điều chỉnh giá cả công trình kịp thời.
“Tôi đã bàn với nhiều anh em trong giới xây dựng sẽ làm đơn gửi tỉnh can thiệp để tìm giải pháp gỡ khó khăn cho anh em doanh nghiệp chúng tôi. Chứ làm kiểu này là doanh nghiệp tụi tôi phá sản hết. Bởi nguồn cát thì khan hiếm, thép thì ngày nào cũng tăng giá”, ông K. nói.
Ông T., chủ một doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh Bạc Liêu mong muốn: “Vật tư tăng cao quá khiến tôi không dám đấu thầu luôn. Mà bây giờ không đấu thầu thì cũng chết, đấu trúng thì cũng chết, lỗ hết. Mấy năm trước thấy có công trình làm thì ai cũng mừng, còn năm nay thì ai cũng ngại nhận công trình vì sợ thua lỗ.
Với giá vật tư như hiện nay thì làm công trình nắm chắc phần lỗ trong tay. Bây giờ doanh nghiệp chúng tôi muốn tiến cũng không được, muốn lùi cũng không xong. Mong sao cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lại mức giá sao cho phù hợp với thị trường”.
Trước đó, tại tỉnh An Giang đã mở phiên đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với trữ lượng dự kiến khoảng 3 triệu m3 với giá khởi điểm là 7,2 tỉ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, một doanh nghiệp ở TP.HCM đã trúng thầu với số tiền đấu giá lên đến hơn 2.800 tỉ đồng. Đơn giá trúng thầu được tính cho mỏ cát này là hơn 1,1 triệu đồng/m3. Đây có thể là nguyên nhân khiến giá cát khan hiếm, tăng cao như hiện nay.
Với việc khan hiếm vật liệu trong lĩnh vực xây dựng như hiện nay, ngành chức năng vùng ĐBSCL cần vào cuộc để sớm đưa ra những biện pháp can thiệp, điều chỉnh giá kịp thời, tránh để cho một số doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh tính chuyện găm hàng để đầu cơ tăng giá. Điều này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, rơi vào thế khó và đứng trước bờ vực phá sản, thua lỗ vì giá cả vật tư không được điều chỉnh như hiện nay.