Nhiều nhà bán lẻ, hãng thời trang đang đàm phán với các đối tác Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh để chuyển hợp đồng sản xuất gia công từ Trung Quốc sang các nước này vì sợ dịch coronavirus ở Trung Quốc.
Theo Reuters, các quan chức ngành thời trang Thổ Nhĩ Kỳ chobiết giá trị hợp đồng đang được đàm phán của các đối tác châu Âu với họ về may gia công lên tới 2 tỉ USD. Lý do chính của việc này là dịch coronavirus ở Trung Quốc bùng phát mạnh khiến sản xuất tại Trung Quốc đình trệ do các nhà máy phải đóng cửa.
Nhà bán lẻ thời trang Ba Lan LPP cho biết họ đang đàm phán với các nhà máy ở Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh như một kế hoạch dự phòng nếu việc trì hoãn sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục diễn ra.
"Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã thay đổi thị trường sản xuất quần áo của họ khi sự thống trị của Trung Quốc tăng lên trên toàn cầu. Nhưng vụ dịch đã khiến một số công ty châu Âu quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ", Hadi Karasu, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo Thổ Nhĩ Kỳ (TGSD) cho biết.
"Các nhà quản lý và thiết kế mua hàng không thể đến Trung Quốc do lo lắng về coronavirus và hạn chế đi lại. Vì vậy, một số thương hiệu nổi tiếng đã bắt đầu các cuộc thảo luận để sản xuất các mặt hàng theo mùa mới ở Thổ Nhĩ Kỳ", ông Karasu nói thêm.
Theo ông Karasu, giá trị ngành hàng gia công may mặc của Trung Quốc mỗi năm khoảng 170 tỉ USD,khoảng 1% số đó hiện đang được cân nhắc chuyển sang sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mustafa Gultepe, người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất khẩu hàng may mặc Istanbul (IHKIB) thì cho biết việc dịch chuyển sản xuất này có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng. "Tôi nghĩ rằng tác động của đợt bùng phát sẽ tiếp diễn trong 5-6 tháng... và tôi nghĩ sẽ có một sự thay đổi lớn từ Trung Quốc mà chúng ta sẽ thấy sau tháng 5", ông Gultepe nhận định.
Thiên Hà (theo Reuters)