Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khẩu trang, găng tay cùng các thiết bị bảo hộ y tế khác trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của coronavirus.
Phát biểu trong cuộc họp với Ban Điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, ThụySĩhôm 7.2, ông Ghebreyesus nói rằng WHO đã gửi bộ dụng cụ thử nghiệm, khẩu trang, găng tayvà các thiết bị y tế đến mọi khu vực đang nhiễm dịch.
“Tuy nhiên, thế giới đang đối mặt với sự thiếu hụt các thiết bị bảo hộ. Tôi sẽ thảo luận với các chuỗi cung ứng để xác định điểm nghẽn và tìm giải pháp cũng như đốc thúc nhằm đảm bảo phân phối công bằng các thiết bị”, ông Ghebreyesus cho hay.
Theo người đứng đầu WHO, trong hai ngày quaTrung Quốc đã báo cáo cóít trường hợp nhiễm bệnh hơn và đó là một tin tốt. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng mà không quá lạc quan vào điều này vì con số có thể sẽ tăng trở lại", tiến sĩ Ghebreyesus cảnh báo.
Cuộc họp của WHO cũng đề cập tới việc đặt tên cho vi rút bệnh viêm phổi bùng phát từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. WHO đã chỉ định một cái tên tạm thời cho bệnh viêm đường hô hấp cấp này là 2019-nCOV(chủng coronavirus mới).
"Chúng tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là chúng ta đặt một cái tên tạm thời và không có địa danh nào gắn với tên gọi đó. Tôi chắc chắn rằng bạn vẫn thấy nhiều phương tiện truyền thông sử dụng những cái tên gắn liền với Vũ Hán hay Trung Quốc. Chúng tôi muốn đảm bảo không có bất cứ sự kỳ thị nào liên quan đến vi rútnày, vì vậy WHO đã đưa ra cái tên gọi tạm thời”, nhà dịch tễ học của WHO, bàMaria van Kerkhove nói trong cuộc họp.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng điểm quan trọng ở đây là phải cần có những hành động và phản ứng quốc tế chống lại sự kỳ thị. Trách nhiệm của tất cả chúng ta là đảm bảo không có bất cứ sự kỳ thị nào liên quan đến vi rútnày”.
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc kỳ thị các cá nhân dựa trên sắc tộc và nó cần phải dừng lại. Chính phủ các nước có trách nhiệm liên lạc và thông báo với người dân của họ về vấn đề này”, ông Ryan nói thêm.
Tính tới nay, dịch viêm phổi cấp do coronavirus bùng phát tại Vũ Hán đã khiến hơn 600 người chết và hơn 31.000 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu. Ngoài Trung Quốc, Macao, Hồng Kông, dịch bệnh nguy hiểm đã lây lan sang nhiều nước trên khắp thế giới.Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của coronavirus.
Trang Nhung (theo Reuters)