Doanh nghiệp thủy sản hiện đang mong chờ được tiêm vắc xin cho người lao động để có thể yên tâm sản xuất.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong ngành từ miền Trung tới Sóc Trăng, Cà Mau đã gặp nhiều trở ngại khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở TP.HCM và lan quá nhanh ra các tỉnh lân cận ở khu vực ĐBSCL.
Vừa để đảm bảo sản xuất bền vững, tránh đứt gãy, vừa phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện "3 tại chỗ", đó là bố trí chỗ ăn nghỉ đầy đủ, đồ dùng thiết yếu, phụ cấp thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày để duy trì ổn định sản xuất. Nhiều doanh nghiệp không bố trí đủ nhà ở của công ty thì thuê khách sạn hoặc ký túc xá sinh viên.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết sau khi công ty thông báo thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ - tạm trú tập trung trong doanh nghiệp hoặc khách sạn) thì đến 30%, thậm chí tới 50% công nhân xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì đã tiếp xúc với người từ Bình Dương, Long An, TP.HCM trở về…
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã giảm công suất chế biến từ 30 - 90% do không thể sắp xếp được chỗ ở, nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động. Với đặc thù của ngành chế biến thủy sản thì không thể bố trí chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy đông lạnh, thậm chí còn phải tách biệt với khu chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Một số công ty với lực lượng lao động lớn thì việc bố trí nơi ăn ở là điều vô cùng khó khăn. Những doanh nghiệp không thể bố trí được "3 tại chỗ" thì phải tạm đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc. Trong khi đó, quý 3 và quý 4 các đơn hàng tôm nhiều hơn các quý đầu năm và cũng là lúc tôm vào vụ thu hoạch, nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, cung ứng đều gặp phải khó khăn.
"Mặc dù, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhưng hầu hết các tỉnh miền Tây vẫn yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19. Ví dụ như xe chở thức ăn nuôi tôm xuống vùng nuôi bị kiểm tra tải trọng xe hay xe chở đầu vỏ tôm không được qua Cần Thơ để bán cho nhà máy chế biến do không phải xe chở hàng thiết yếu", một doanh nghiệp bức xúc cho biết.
Ngoài ra, các loại chi phí điện trên mỗi kg sản phẩm, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistic, cước vận tải biển đều tăng từ 5-7 lần... Sau khi thực hiện "3 tại chỗ", các doanh nghiệp vẫn tiếp tục xoay sở, cân đối tài chính, thay đổi, sắp xếp kế hoạch sản xuất theo thứ tự ưu tiên cho từng đối tượng khách hàng, từng đơn hàng, tận dụng tối đa hàng trong kho… Tuy vậy vẫn không ít khách hàng, nhà nhập khẩu đòi hủy đơn hàng, bồi thường vì giao hàng trễ.
Trước thực trạng khó khăn trên, VASEP cho biết, các doanh nghiệp thủy sản đều mong rằng người lao động có thể được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để có thể tập trung sản xuất cho những đơn hàng thời gian tới.