Chỉ cần vài nét bút, ông Donald Trump có thể giải quyết được nhiều vấn đề cho Elon Musk.
Ngay sau khi một tay súng ám sát hụt ông Trump trong buổi mít tinh hôm 13.7, Elon Musk đã công khai lựa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Sau khi công khai thù địch với Tổng thống Mỹ Joe Biden trên X, Giám đốc điều hành Tesla đã ủng hộ ông Trump. Khi ông Trump chọn J.D Vance (Thượng nghị sĩ đến từ bang Ohio có mối quan hệ sâu sắc với các nhà môi giới quyền lực ở Thung lũng Silicon) làm ứng cử viên Phó tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, Elon Musk đã đẩy mạnh việc quảng bá điều đó. Tuần này, tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết trên X rằng ông đã thành lập một ủy ban hành động chính trị "ủng hộ chế độ trọng dụng người tài và quyền tự do cá nhân", mà ông cho biết đang liên kết với đảng Cộng hòa.
Nếu trở thành Tổng thống Mỹ một lần nữa, Trump có thể đền đáp lại ân huệ mà Elon Musk dành cho ông. Qua đó, Elon Musk sẽ thu về rất nhiều lợi ích.
Kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân của ông Trump chắc chắn là một điểm cộng. Thế nhưng, Elon Musk cũng hưởng lợi nếu chính quyền mới kiểm soát các quy định của liên bang.
"Bạn có thể coi đóng góp của Elon Musk cho Trump là một khoản đầu tư, để loại bỏ mọi sự can thiệp của chính phủ Mỹ vào hoạt động kinh doanh của ông ấy", Michael Gerhardt, chuyên gia luật hành chính tại Đại học North Carolina (Mỹ), chia sẻ với Business Insider
Elon Musk hiện làm chủ 6 công ty (Tesla, SpaceX, X, Neuralink, The Boring Company và xAI), tất cả đều phải tuân theo các quy định từ các cơ quan khác nhau do nhánh hành pháp kiểm soát.
Nếu ông Trump làm Tổng thống Mỹ, Elon Musk có thể không phải tìm cách giảm bớt sự can thiệp từ các cơ quan liên bang vào công việc của mình.
Với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp, Tổng thống Mỹ có thể đơn giản ký các lệnh hành pháp và đưa ra các quyết định để thay đổi định hướng của các cơ quan liên bang.
Tesla, SpaceX và X (trước đây là Twitter) đều là đối tượng của các cuộc điều tra và vụ kiện liên bang Mỹ đang diễn ra, còn công ty chip não Neuralink bị giám sát chặt chẽ. Tổng thống Mỹ có quyền thay đổi các quy định, chấm dứt cuộc điều tra và giải phóng các công ty đó khỏi việc quản lý trong tương lai.
Ông Trump cũng có thể chỉ đạo các cơ quan hủy bỏ các cuộc điều tra hoặc rút lại vụ kiện, như vụ kiện dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại SpaceX vì Elon Musk từ chối tuyển dụng người tị nạn cho một số vị trí nhất định, hoặc việc cơ quan này điều tra Tesla về các tuyên bố về ô tô điện tự lái.
Nếu trở thành Tổng thống Mỹ, Trump có thể chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan hành pháp khác hủy bỏ mọi hành động chống lại ông lẫn các doanh nghiệp của bạn bè ông, Michael Gerhardt nói với trang Insider.
Các kế hoạch xây dựng nhà máy và nơi ở cho nhân viên của Elon Musk ở bang Texas (Mỹ) đã gây ra các vấn đề về môi trường. Các phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ đã làm giảm khả năng bảo vệ môi trường do hoạt động xây dựng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, theo bà Jilian Blanchard - luật sư về môi trường tại hãng Lawyers for Good Government. Tổng thống Mỹ có thể giúp các công ty dễ dàng hơn trong việc thách thức các quy định, Jilian Blanchard nói.
"Các quy định về môi trường của liên bang như Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia yêu cầu bạn phải thực hiện mọi loại phân tích môi trường trước khi xây dựng một nhà máy sản xuất lớn. Đó là một quy định của liên bang, áp dụng cho toàn quốc bất kể Elon Musk quyết định di dời nhà máy của mình đến đâu", bà cho biết.
Jilian Blanchard cho rằng luật liên bang hiện hành từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Nội vụ Mỹ có thể được nới lỏng.
"Nếu ở Nhà Trắng, ông Trump sẽ kiểm soát Cơ quan Bảo vệ Môi trường, đứng đầu cơ quan này và cũng có thể sửa đổi các quy định để việc cấp phép cho các yêu cầu của Đạo luật Nước sạch dễ dàng hơn. Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện cũng vậy", chuyên gia này nhận định.
Elon Musk không trả lời khi được đề nghị bình luận về câu chuyện này.
Một số cơ quan Mỹ có quyền độc lập mà không bị kiểm soát trực tiếp bởi nhánh hành pháp. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), đơn vị đã giám sát nhiều cuộc điều tra về Elon Musk và các công ty của ông nhiều năm qua, là một trong số đó. Tổng thống Mỹ không thể sa thải bất kỳ ủy viên nào trong số 5 ủy viên giám sát Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) và không quá 3 người trong số họ được phép thuộc cùng một đảng chính trị.
Ủy ban Bầu cử Liên bang của Mỹ là cơ quan độc lập của chính phủ có nhiệm vụ quản lý và thực thi các luật liên quan đến bầu cử liên bang, gồm cả những quy định về tài chính và chi tiêu của các chiến dịch bầu cử.
Tuy nhiên, phong trào pháp lý bảo thủ đã tiến hành một cuộc chiến lâu dài chống lại các luật trao quyền độc lập cho các cơ quan này. Nếu ông Trump đứng đầu Nhà Trắng và đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, họ có thể thông qua các luật trao cho Tổng thống Mỹ nhiều quyền hơn với các cơ quan này. Việc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ điều tra về việc Elon Musk mua lại Twitter (hiện là X) có thể nằm trong tầm kiểm soát của ông Trump nếu đảng Cộng hòa đạt được mục đích của họ, Michael Gerhardt nói.
"Cuộc điều tra có liên quan đến tính độc lập của cơ quan này. Một điều mà tôi nghĩ Trump muốn là dẫn đầu phong trào chống lại các cơ quan độc lập", Gerhardt nhận định.
Ngay cả khi một cơ quan liên bang chọn không thực thi luật và quy định trên sổ sách, người dân bình thường vẫn có thể đưa chính phủ và các công ty ra tòa để buộc họ phải tuân thủ luật. Jilian Blanchard đã đưa ra các vụ kiện chống lại chính quyền Trump trước đây với tư cách là Giám đốc chương trình biến đổi khí hậu của Lawyers For Good Government để Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Nội vụ phải chú ý và tuân thủ các quy định môi trường. Song việc này lại khiến trách nhiệm thực thi pháp luật chuyển từ các cơ quan chính phủ (vốn được tài trợ bởi thuế) sang các cá nhân (thường có ít nguồn lực và khả năng hơn).
"Nếu các cơ quan liên bang không thực hiện việc thi hành luật thì trách nhiệm sẽ rơi vào tay các cá nhân", Blanchard cho biết.
Hôm 23.7, Elon Musk cho biết việc ông Trump có khả năng loại bỏ sự hỗ trợ xe điện sẽ gây tổn hại cho các hãng sản xuất ô tô khác nhiều hơn Tesla.
"Điều này sẽ gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ đến Tesla, nhưng về lâu dài có lẽ thực sự giúp ích cho Tesla", Elon Musk nói trong một cuộc họp sau khi công ty có trụ sở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ) báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024.
Ông Trump đã chỉ trích các chính sách về ô tô điện của chính quyền Biden và nói rằng ông sẽ "chấm dứt chính sách hiện hành về xe điện" nếu thắng cử. Cựu Tổng thống Trump chưa giải thích chi tiết kế hoạch này.
Elon Musk cho biết việc Trump loại bỏ trợ cấp và tác động đến doanh số ô tô điện Tesla không quan trọng vì họ là công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào công nghệ tự lái.
"Giá trị của Tesla chủ yếu là tự động hóa. Những thứ khác chỉ là những yếu tố không quan trọng so với công nghệ tự động", tỷ phú giàu nhất thế giới nói.
Elon Musk tuyên bố hoàn toàn ủng hộ ông Trump ngay sau vụ ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa bị ám sát hụt hôm 13.7. Elon Musk phủ nhận một báo cáo truyền thông rằng ông cam kết quyên góp 45 triệu USD mỗi tháng cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhưng cho biết đã tạo ra một ủy ban hành động chính trị. Sự ủng hộ của ông Musk dành cho Trump đã gây ra sự bối rối cho người hâm mộ Tesla. Họ thắc mắc rằng nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới thì có thực sự mang lại lợi ích cho Tesla hay không.
Năm ngoái, J.D Vance từng giới thiệu một dự luật loại bỏ trợ cấp ô tô điện và thay thế bằng khoản tín dụng để thúc đẩy các phương tiện chạy bằng xăng, nhưng dự luật này hầu như không có cơ hội được thông qua trong Quốc hội hiện tại.
Elon Musk đã đăng trên mạng xã hội X tuần trước rằng: "Hãy loại bỏ các khoản trợ cấp (ô tô điện). Điều đó chỉ giúp ích cho Tesla. Cũng nên loại bỏ trợ cấp cho tất cả ngành công nghiệp!".
Trong bài phát biểu tại đại hội của đảng Cộng hòa tuần trước ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ), Trump cho biết chính quyền của ông sẽ áp đặt thuế quan từ 100% đến 200% với các ô tô được sản xuất tại Mexico để khiến chúng "không thể bán được" ở Mỹ.
Hôm 23.7, Elon Musk cho biết Tesla đã tạm dừng kế hoạch xây nhà máy ở Mexico và sẽ đánh giá lại việc đầu tư vào một nhà máy mới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
"Trump đã nói rằng ông sẽ áp đặt thuế nặng lên các ô tô được sản xuất tại Mexico, nên không có ý nghĩa gì để đầu tư vào Mexico", tỷ phú giàu nhất thế giới nói. Elon Musk thông báo Tesla đang tăng đáng kể công suất tại các nhà máy hiện có và lên kế hoạch sản xuất xe điện tự lái tại nhà máy ở bang Texas (Mỹ).