Lo ngại khả năng thiếu điện trong vòng 5 năm tới, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

EVN đề xuất tăng cường mua điện của Lào và Trung Quốc

09/08/2018, 23:04

Lo ngại khả năng thiếu điện trong vòng 5 năm tới, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Ngành điện sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nguồn cung thời gian tới - Ảnh: Internet

Đó là nội dung chính được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải nêu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề "Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững", diễn ra ngày 9.8.

Báo cáo tại diễn đàn, ông Lê Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết năm 2017 tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỉ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW, đứng thứ 2 trong khối ASEAN.

Theo ông Lực, thách thức thứ nhất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng mà Việt Nam có thể đối mặt liên quan đến sự hạn chế nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Thứ hai là nhu cầu năng lượng tăng cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở. Thách thức về tác động môi trường của hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh.

Ông Lực đề xuất thời gian tới cần tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển năng lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao và giá hợp lý; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Trong khi đó, phía EVN dự báo nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 sẽ tăng trưởng cao so với các nước, khoảng 7-11%/năm, đặt ra thách thức phải đảm bảo nguồn cung. Ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN cho biết tập đoàn đã chủ động tính toán nhiều phương án để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030.

Đối với phương án cơ sở, từ năm 2019 - 2030 ngành điện sẽ phụ thuộc vào 3 thành phần chủ yếu là: than, khí, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2019 - 2020 nguồn cung cấp điện có thể đảm bảo, tuy nhiên mức độ sản lượng huy động các nguồn đắt tiền tương đối cao. Từ năm 2021 - 2023, các nguồn điện gần như đã được huy động hết. Từ năm 2025 - 2030 thì gần như đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN tại diễn đàn

"Khả năng thiếu điện có thể xảy ra bởi nước ở các hồ thủy điện không ổn định, nguồn khí ngày càng hạn chế. Việc đảm bảo cung cấp điện đến năm 2030 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các nguồn điện đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với Quy hoạch VII điều chỉnh. Nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt nguồn điện trong miền Nam đang bị chậm so với tiến độ. Nguồn nhiên liệu tiềm ẩm nhiều rủi ro, khí thiên nhiên suy giảm, khí thay thế đưa vào khó", ông Hải cho hay.

Để đảm bảo nguồn cung ứng điện, Phó tổng giám đốc EVN đề xuất 2 giải pháp chính. Thứ nhất là kiểm soát nhu cầu phụ tải, trong đó tăng cường biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.

Thứ hai là đảm bảo nguồn cung. Ông Hải cho rằng cần đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện; đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện; có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào để đẩy nhanh việc đàm phám với phía Lào nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220kV hiện hữu. Đặc biệt là phải tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc theo phương án cách ly lưới điện. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tập trung đầu tư công trình lưới điện 220-110kV.

3 thách thức của ngành năng lượng

Cũng tại diễn đàn trên, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chỉ ra 3 thách thức lớn mà ngành năng lượng Việt Nam đang gặp phải.

Thứ nhất là hiện nguồn năng lượng sơ cấp hoặc đã được khai thác hết hoặc cạn kiệt. Tiềm năng thủy điện chỉ còn vài nghìn MW nhỏ hoặc siêu nhỏ. Năng lực sản xuất của ngành than còn rất ít. Ngành khí chỉ còn hai mỏ khí lớn là Lô B và Cá voi xanh, chỉ đủ cho nhà máy Ô Môn hoạt động. Các nhà máy khác ở Phú Mỹ… phải nhập khẩu khí hóa lỏng để hoạt động.

Thứ hai là trong giai đoạn này việc kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn kinh tế trong nước rất khó. Trong khi đó giá năng lượng thấp, không thu hút được đầu tư từ bên ngoài.

Thứ ba là là yêu cầu về mặt bảo vệ môi trường. Nhu cầu được sống trong môi trường trong sạch của người dân đã tạo áp lực lớn lên xây dựng quy hoạch, chính sách, phát triển năng lượng tạo.

Đứng trước những thách thức trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, trong đó chú trọng đến việc phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí. Trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ thiếu điện nên cần có cơ chế đặc thù khi triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ dự án mới. Cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than ngày càng khó thực hiện do sức ép từ các địa phương.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
40 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVN đề xuất tăng cường mua điện của Lào và Trung Quốc