Sự kiện thể thao lớn như Olympics hay World Cup lâu nay được xem như mối lợi kinh tế cho quốc gia đăng cai tổ chức, nhưng không phải lúc nào cũng đúng như vậy.

Giá trị kinh tế của World Cup

Cẩm Bình | 22/11/2022, 11:08

Sự kiện thể thao lớn như Olympics hay World Cup lâu nay được xem như mối lợi kinh tế cho quốc gia đăng cai tổ chức, nhưng không phải lúc nào cũng đúng như vậy.

Tấm gương thành công tiêu biểu là Tây Ban Nha khi thành phố Barcelona thu về 10 triệu USD từ Olympics 1992. Nhưng Olympics Athens 2004 lại khiến Hy Lạp vỡ nợ, Brazil lỗ 2 tỉ USD vì Olympics Rio 2016.

Trong một bài đăng trên tạp chí Intereconomics năm 2016, nhà kinh tế học Andrew Zimbalist (Đại học Smith) tỏ ý nghi ngờ lợi ích kinh tế mà sự kiện thể thao đắt đỏ như Olympics hay World Cup mang lại. Ông kết luận những giải đấu này không phải mối lợi.

“Tùy thuộc vào sự kiện và quốc gia đăng cai tổ chức, kết quả kinh tế thực tế có thể dao động từ rất tiêu cực, trung tính đến tương đối tích cực”, theo nhà kinh tế học Zimbalist.

Vậy với trường hợp quốc gia không có bề dày lịch sử bóng đá như Qatar thì sao?

FIFA sẽ lo mọi chi phí trong thời gian World Cup diễn ra (ước tính 1,7 tỉ USD) nhưng ngược lại thu được ước tính 4,7 tỉ USD tiền từ phát sóng truyền hình, vé xem bóng đá, dịch vụ lưu trú, tài trợ.

Nước chủ nhà Qatar - GDP năm 2022 khoảng 180 tỉ USD - đã chi ít nhất 220 tỉ USD để đấu thầu, xây dựng và cải tạo 8 sân vận động cùng hạ tầng giao thông, lưu trú, viễn thông, an ninh phục vụ World Cup. Như vậy trong 12 năm chuẩn bị, mỗi năm họ chi trung bình hơn 10% GDP cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

giafp_32nk6a9.jpg
Qatar có đến 12 năm chuẩn bị cho World Cup - Ảnh: Kirill Kudryavtsev

Khoản đầu tư tốn kém nhưng không thể bỏ?

Đăng cai Olympics hay World Cup thường được xem là khoản đầu tư dài hạn. Tất nhiên sẽ rất tốt nếu chỉ cần dùng cơ sở hạ tầng hiện có, chẳng hạn như Mỹ khi tổ chức World Cup 1994 hay Đức khi tổ chức World Cup 2006. Nhưng trong phần lớn trường hợp quốc gia đăng cai phải bỏ ra số tiền lớn để xây dựng nhiều hạ tầng, các sân vận động sau sự kiện thường biến thành “voi trắng” - đòi hỏi chi phí bảo trì khổng lồ nhưng không thể bỏ đi. Ví dụ tiêu biểu là sân vận động Big O (Canada) phục vụ Olympics 1976 mất 30 năm mới hoàn vốn và tiếp tục tiêu tốn 43 triệu USD sửa chữa liên tục.

Với chỉ khoảng 3 triệu dân thường trú, có lý do lo ngại về tính tiện ích lâu dài của cơ sở hạ tầng mà Qatar xây dựng cho World Cup. Vài sân vận động được làm từ container nên sau sự kiện có thể tháo dỡ tặng cho các quốc gia kém phát triển. Tuy nhiên khách sạn, tàu điện ngầm, cầu đường xây mới sẽ chẳng đóng góp nhiều cho nền kinh tế hay lối sống của quốc gia Ả Rập.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Qatar năm 2022 sẽ tăng trưởng 3,4% nhờ World Cup, sau đó giảm xuống 1,7% vào năm 2024.

Ước tính với 1,2 triệu người đến xem World Cup, Qatar có thể thu về gần 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, vì gần 90% lực lượng lao động của Qatar là người nước ngoài nên lợi ích tạo ra việc làm mới không quan trọng đối với nước này.

Tăng cường quyền lực mềm để có được vị thế địa chính trị quan trọng có thể là mục tiêu khác thúc đẩy Qatar đăng cai World Cup 2022. Nhưng ngược lại hồ sơ nhân quyền, đặc biệt là tình trạng lạm dụng lao động nhập cư của quốc gia Ả Rập cũng thu hút sự chú ý lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá trị kinh tế của World Cup