Giá xăng dầu tăng mạnh liên tục đang đặt áp lực lớn lên Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Quỹ bình ổn dần cạn kiệt
Bộ Tài chính vừa công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ Bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) Quý 3/2021. Theo đó, số dư quỹ BOG đến hết Quý 3/2021 (đến hết ngày 30.9.2021) là 824,088 tỉ đồng.
Tổng số trích quỹ BOG trong quý 3/2021 (từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.9.2021) là 502,284 tỉ đồng; Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 3/2021 (từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.9.2021) là 802,947 tỉ đồng; Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 3/2021 là 1,844 tỉ đồng; Lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm trong quý 3/2021 là 14 triệu đồng.
Số dư quỹ BOG đến hết Quý 2/2021 (đến hết ngày 30.6.2021) là 1.122,920 tỉ đồng. Số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2021 (đến hết ngày 31.3.2021) là 5.340,068 tỉ đồng. Số dư quỹ BOG tại thời điểm 31.12.2020 là 9.234,614 tỉ đồng.
Giá xăng trong nước đã chứng kiến mức tăng mạnh liên tiếp trong những phiên gần đây, mức tăng của giá xăng dầu phụ thuộc lớn vào việc chi và trích lập quỹ BOG.
Từ 15 giờ ngày 10.11, giá xăng E5RON92 tăng tiếp 559 đồng/lít, lên mức 23.669 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít, lên mức 24.996 đồng/lít. Mức tăng đang tiến sát 25.000 đồng/lít. Từ đầu năm 2021 đến nay, quỹ BOG chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi quỹ BOG đối với xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 758 đồng/lít đến 1.359 đồng/lít.
Với kỳ điều hành ngày 26.10, nếu không thực hiện tăng chi quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi quỹ BOG đối với xăng RON95 thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng phải đối mặt với việc bị âm quỹ BOG do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, tính đến ngày 22.10, mức âm của quỹ là 192,1 tỉ đồng. Hiện mức âm quỹ lớn nhất trong số 35 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thuộc về Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm tới 697,6 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp đang phải trích tiền cho mức âm quỹ lớn bao gồm: Tổng Cty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (âm hơn 53 tỉ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm hơn 64 tỉ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 71 tỉ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Trường An (âm 89 tỉ đồng); Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 113 tỉ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (âm 73 tỉ đồng); Công ty CP Lọc Hoá dầu Nam Việt (âm 24 tỉ đồng); Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm (âm 21 tỉ đồng)...
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2019, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lại phải đối mặt với việc bị âm quỹ BOG do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao.
Phụ thuộc mãi vào Quỹ BOG: không khả thi
Giá xăng dầu trên thế giới tăng liên tiếp thời gian qua gây lo ngại về tình hình lạm phát. Giới chuyên gia lo rằng với xu hướng tăng giá xăng dầu thế giới như hiện nay, quỹ BOG trong nước khó có thể "chống đỡ" được.
Thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua chịu ảnh hưởng của việc thiếu nguồn cung về than, khí đốt tại một số khu vực, việc Ả Rập Xê Út tăng lượng bán dầu thô cho khu vực châu Á… đã gây áp lực làm tăng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, giá xăng dầu trong nước chịu tác động từ giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh cần phải linh hoạt theo thị trường, cân đối các yếu tố như: thị trường, nguồn cung, giá thế giới, quỹ bình ổn. Đặc biệt, cần phải kết hợp với những yếu tố vĩ mô, đó là xem xét đến việc giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu tăng phi mã, thay vì cứ phụ thuộc vào Quỹ BOG vốn đã cạn kiệt như hiện nay thì không khả thi.
"Khi giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh thì giá trong nước cũng không thể không tăng. Quỹ BOG đang vận hành đúng theo tinh thần là tránh để giá xăng dầu trong nước tăng sốc. Nhưng quỹ cũng không thể mãi bình ổn giá xăng dầu được", ông Bảo nói.