Lockheed Martin, Boeing, Raytheon đang chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu từ nhiều đồng minh Mỹ.

Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu làm khó các hãng vũ khí

Cẩm Bình | 12/08/2022, 12:50

Lockheed Martin, Boeing, Raytheon đang chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu từ nhiều đồng minh Mỹ.

Tháng trước, Nhật Bản được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận thương vụ cung cấp 150 tên lửa không đối không AIM-120 trang bị cho đội chiến đấu cơ F-35. Nhà thầu chính của thương vụ trị giá 293 triệu USD này là hãng vũ khí Raytheon.

Phía Mỹ tuyên bố, AIM-120 sẽ giúp Nhật cải thiện năng lực đối phó mối đe dọa hiện tại lẫn tương lai, bảo vệ lãnh thổ Nhật và lực lượng Mỹ đồn trú.

Cùng lúc đó, Singapore cũng được cấp phép mua bom dẫn đường bằng laser và một số khí tài khác với giá 630 triệu USD. Úc đồng ý mua 80 tên lửa không đối đất do Lockheed Martin phát triển với giá 235 triệu USD, Hàn Quốc sắm 31 ngư lôi hạng nhẹ (130 triệu USD) trang bị cho trực thăng MH-60R đối phó tàu ngầm.

Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cực kỳ bận rộn. 7 tháng đầu năm nay họ tạo điều kiện thúc đẩy 44 thương vụ như vậy – cùng kỳ trong 3 năm trước lần lượt là 25, 43 và 40. Đáng chú ý, có thương vụ Đức đặt mua 35 chiến đấu cơ F-35 với giá 8,4 tỉ USD.

cawea02.jpg
Tên lửa không đối không AIM-120 - Ảnh: US Marine Corps

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhìn thấy lợi nhuận quốc tế to lớn, nhưng đi kèm với đó là gián đoạn chuỗi cung ứng. Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics - trong báo cáo tài chính gần đây đều nói về khó khăn trong việc mua linh kiện và lao động.

Như phần lớn đơn vị sản xuất khác, các nhà thầu quốc phòng thiết lập chuỗi cung ứng phân tán để tận dụng nhiều nguồn cung phong phú và không quá đắt.

Theo nhà nghiên cứu chính sách Bradley Martin thuộc Tổ chức RAND Corp: “Nếu không xảy ra gián đoạn thì cách làm này đem lại lợi ích cho cả đơn vị sản xuất lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi có gián đoạn do đại dịch, thiên tai hay xung đột quốc tế, tác động sẽ rất rộng, và đôi khi diễn biến theo hướng không hề mong muốn”.

Chính COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine là sự kiện gây ra gián đoạn. Tình hình có thể phức tạp thêm nếu Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan. 

Trung Quốc tuần trước tổ chức tập trận quy mô lớn quanh Đài Loan nhằm phản ứng trước chuyến thăm đảo tự trị của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Các cuộc tập trận bắn đạn thật khiến tàu thuyền cùng máy bay dân sự phải hủy chuyến hoặc thay đổi lộ trình.

cawea01.jpg
Những thương vụ bán vũ khí đáng chú gần đây - Ảnh: Nikkei Asian Review

Loạt sự kiện nêu trên ảnh hưởng đến triển vọng tươi sáng của các nhà thầu quốc phòng trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á đang tăng tốc.

Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Lockheed Martin, James Taiclet cho biết: “Tình hình khách hàng công ty chúng tôi thay đổi đáng kể trong 3 - 4 tháng qua”.

Theo Giám đốc Taiclet, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương vào đầu năm nay chỉ được xem như mối quan ngại tiềm tàng. Nhưng cuộc chiến tại Ukraine khiến Mỹ cùng đồng minh nhận ra nguy cơ chiến tranh đang hiện hữu.

“Thái Bình Dương trở nên cảnh giác hơn vì tuyên bố và hành động gần đây của Trung Quốc, chưa kể còn có Triều Tiên”, Giám đốc Taiclet nhận định.

Dù triển vọng bán được chiến đấu cơ F-35, F-16 và hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) khiến Taiclet lạc quan nhưng người điều hành Lockheed Martin vẫn còn bị tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ám ảnh từ lúc đại dịch bùng phát cho đến nay.

Doanh thu quý 2/2022 của Lockheed Martin thấp hơn dự kiến. Giám đốc Taiclet đỗ lỗi cho loạt thách thức mà chuỗi cung ứng đang phải đối mặt, công ty đánh giá gián đoạn còn kéo dài nên hạ dự báo triển vọng năm nay.

Tập đoàn Boeing cũng không khá hơn. Giám đốc tài chính Brian West cho biết công ty tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn thực sự. Động cơ, nguyên vật liệu thô, sản phẩm bán dẫn đều chịu rủi ro thiết hụt.

Để giữ ổn định sản xuất và hỗ trợ chuỗi cung ứng, Boeing lập một số đội chuyên gia giải quyết tình trạng thiếu hụt toàn ngành, tăng cường tìm kiếm nguồn cung, quản lý chặt lượng hàng dự trữ.

Chủ tịch Raytheon Gregory Hayes giải thích lý do mảng kinh doanh quân sự của công ty bị gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động ảnh hưởng: “Khoảng 80% đơn vị cung cấp ở mảng kinh doanh dân sự ký thỏa thuận dài hạn yêu cầu họ có hàng dự trữ. Ở mảng kinh doanh doanh quân sự chỉ có khoảng 10% đơn vị cung cấp làm vậy. Với hợp đồng quốc phòng, Raytheon chỉ có thể gặp nhà cung cấp sau khi nhận thầu từ chính phủ và hợp đồng đã ký”.

Vì gián đoạn chuỗi cung ứng mà tỷ lệ lấp đầy kho linh kiện của Raytheon chỉ ở mức 50%. Công ty đặt mục tiêu đến cuối năm tăng tỷ lệ này lên 80%.

Giám đốc điều hành Northrop Grumman Kathy Warden cũng ghi nhận nguồn lực toàn cầu dành cho quốc phòng - an ninh có thay đổi, đặc biệt là ở châu Âu. “Môi trường địa chính trị làm nổi bật yêu cầu về gia tăng phòng thủ và răn đe. Tại Mỹ điều này khiến cả hai đảng đều ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng”, Giám đốc Warden cho biết.

Cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều bỏ phiếu chấp thuận tăng ngân sách an ninh năm tài khóa 2023 thêm vài chục tỉ USD – nhiều hơn những gì Tổng thống Joe Biden yêu cầu.

Tập trận quanh Đài Loan mà Trung Quốc thực hiện tuần trước làm tăng tâm lý khẩn cấp. 5 trong số tên lửa đạn đạo mà quân đội Trung Quốc bắn đi lúc tập trận rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật – nơi được cho là tàu sân bay Mỹ sẽ có mặt trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.

Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cam kết, trong 5 năm tới sẽ tăng cường nền quốc phòng quốc gia.

Lockheed Martin nhận ra cơ hội bán hàng quốc tế thu về hàng tỉ USD nên cố gắng tìm hiểu về các hợp đồng tiềm năng. Tuy nhiên, Giám đốc Tài chính Jay Malave thừa nhận, công ty cần hiểu rõ về khả năng của chuỗi cung ứng để xác định thời gian có thể giao hàng.

Theo nhà nghiên cứu Martin, gián đoạn chuỗi cung ứng rất nguy hiểm đối với Mỹ cùng đồng minh trong nỗ lực chuẩn bị đối phó thách thức quân sự từ Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu làm khó các hãng vũ khí