Báo DW của Đức vừa có bài viết phân tích tình cảnh đáng báo động của Ba Lan trước mùa đông khi nước này đang sụt giảm nguồn dự trữ than vốn là thứ mà phần đông người dân sử dụng để sưởi ấm.
Sau khi cấm nhập khẩu than của Nga vào tháng 4, nhà sản xuất than lớn nhất châu Âu, Ba Lan, hiện đang bị thiếu hụt. Khi giá cả tăng cao, Warsaw đang cố gắng tìm ra các giải pháp khẩn cấp có thể đẩy nhanh quá trình loại bỏ than của mình.
Theo Diễn đàn Energii (tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Warsaw) thì Ba Lan sử dụng 10 triệu tấn than mỗi năm để sưởi ấm cho các hộ gia đình - chiếm 87% tổng lượng than tiêu thụ tại các gia đình ở EU vào năm 2019. Khoảng một nửa trong số này được khai thác trong nước, trong khi Nga từng chiếm khoảng 40%, tương đương 3,9 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, Ba Lan đã cấm nhập khẩu than của Nga kể từ tháng 4 và hiện nước này đang rục rịch tìm nguồn mới.
Piotr Siergiej, người phát ngôn của nhóm môi trường Ba Lan Smog Alert, nói với DW: "Họ sử dụng than của Nga vì giá rẻ hơn. Than Ba Lan khai thác rất đắt vì mỏ nằm ở rất sâu".
Aleksandra Gawlikowska-Fyk của Diễn đàn Energii cho biết than của Nga cũng được sử dụng bởi các nhà máy sưởi ấm ở phía đông của Ba Lan, nơi không thể sử dụng than của Ba Lan. Bà nói với DW, than của Nga có chất lượng cao hơn, chứa ít lưu huỳnh hơn.
Một phần của vấn đề là Ba Lan đã miễn cưỡng đồng ý loại bỏ dần than để đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon của EU. Vào tháng 11.2021, Ba Lan cũng đã cam kết với Hội nghị Khí hậu COP26 ở Glasgow để thoát khỏi than đá và ngừng xây dựng hoặc đầu tư vào nhà máy nhiệt điện mới.
Với giá bán buôn hiện trên 2.000 zloty (430 USD) mỗi tấn, chưa kể chi phí vận chuyển và phân phối, nhiều người dùng Ba Lan dự kiến sẽ rơi vào tình trạng thiếu năng lượng khi mùa đông đến, nghĩa là họ không còn đủ khả năng thanh toán tiền sưởi ấm. Rủi ro là những người có thu nhập thấp nhất.
Chính phủ có kế hoạch cung cấp cho người dân khoản trợ cấp tiền mặt một lần và đang ra lệnh cho các công ty than thuộc sở hữu nhà nước Weglokoks và PGE Paliw tìm than rẻ hơn cho những người nghèo nhất Ba Lan. Nhưng các chuyên gia tin rằng điều này là không đủ và có thể không đi đến nơi cần thiết nhất.
Barbara và Witold Walesa - một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu sống ở thị trấn nhỏ Deblin, cách Warsaw 100 km về phía nam - gần đây đã chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên làm nguồn nhiên liệu chính để sưởi ấm. Họ chỉ sử dụng than để dự trữ khi cần thiết.
Barbara nói với DW: "Giá đã lên tới khoảng 2.500 zlotys, cao hơn khoảng bốn lần so với năm ngoái. Chúng tôi có thể ổn, nhưng một số sẽ không như vậy khi trời trở lạnh".
Dự trữ sắp hết
Theo dữ liệu từ Cơ quan Phát triển Công nghiệp Ba Lan, trữ lượng than của họ đang ở mức thấp nhất kể từ Thế chiến đệ nhị. Dự trữ vốn đã tăng lên mức cao 8 triệu tấn trong thời kỳ đại dịch, mà đến tháng 8 đã giảm xuống gần một nửa, chỉ còn 4,4 triệu tấn.
Theo dữ liệu do cơ quan quản lý thị trường năng lượng Ba Lan URE công bố gần đây, các nhà sản xuất lớn nhất của đất nước, bao gồm cả Tập đoàn khai thác mỏ Ba Lan (PGG), đã bán bớt lượng dự trữ của họ và không có đủ nguồn cung cấp than trước khi đến cao điểm vào mùa đông này. Giờ đây, họ đang cố gắng đàm phán lại các hợp đồng dài hạn với các công ty năng lượng trong nước.
Bartlomiej Derski từ tạp chí năng lượng Wysokie Napiecie cho biết trên DW: "Các nhà máy điện ở Ba Lan đã bắt đầu giảm sản lượng, điều này đã góp phần làm giảm xuất khẩu điện. Vào tháng 7, lần đầu tiên trong nhiều tháng, Ba Lan là nước nhập khẩu điện ròng".
Các nguồn mới đắt đỏ, tốn kém
Ba Lan đang bận rộn tìm mua than từ Colombia, Úc, Nam Phi và Indonesia với giá bán buôn 2.000 zlotys / tấn, chưa kể chi phí vận chuyển và phân phối. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ có thể mua đủ than trong vài tháng trước khi mùa sưởi bắt đầu.
Piotr Siergiej nói: “Các mỏ ở Ba Lan không thể tăng sản lượng trong một vài tháng”, và Bartlomiej Derski nói thêm rằng Ba Lan “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc “nhập khẩu than từ những nước có thể mua được”.
Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy nhập khẩu than bị cản trở bởi năng lực vận chuyển hạn chế do các cảng biển Baltic của Ba Lan và các tuyến đường sắt xuyên biên giới hiện đang bị tắc nghẽn với các chuyến hàng quân sự và thực phẩm đến và đi từ nước láng giềng Ukraine.
Để giúp đỡ hơn 38 triệu dân của đất nước trong mùa đông tới, chính phủ Warsaw đang có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ gia đình gói trợ cấp một lần là 3.000 zloty. Cùng với các biện pháp cứu trợ khác, gói hỗ trợ ước tính trị giá tổng cộng 23 tỷ zloty.
Piotr Siergiej tin rằng gói này là "không công bằng" và sẽ tạo ra "xung đột xã hội thậm chí còn nhiều hơn" vì trợ cấp không được tính vào thu nhập của người dân. Hơn nữa, nó sẽ gây ra lạm phát giá than. Ông nói: “Giá sẽ cao hơn khi người bán than tăng giá vì túi tiền của người dân nhiều hơn nhưng nguồn cung vẫn hạn chế”.
Hiện ông hy vọng một hộ gia đình bình thường phải trả 12.000 zlotys cho khoảng 4 tấn than mà họ thường cần cho mùa sưởi ấm, trong đó nhà nước chỉ trợ cấp được có 25%. Ngoài ra, khoảng 80% hộ gia đình Ba Lan sẽ không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào vì họ không sử dụng than.
Ông nói thêm: “Tôi chỉ có thể cho rằng có một cuộc vận động hành lang than rất mạnh mẽ trong giới chính phủ”.
Các lựa chọn thay thế là gì?
Chính phủ Ba Lan cũng đang suy nghĩ về việc dỡ bỏ lệnh cấm năm 2020 đối với than chất lượng kém nhất, tìm cách đình chỉ các hạn chế đối với sản xuất nội địa của nước này trong 60 ngày. Ngoài ra, họ đã ngầm "ủy quyền" cho người dân vào rừng kiếm củi.
Derski nói: "Nếu mùa đông lạnh giá, lượng rác được đốt trong nhà có thể sẽ tăng lên. Một số hộ gia đình có thể sẽ đốt nhiều củi hơn" và cho biết thêm rằng nguồn cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện ở Ba Lan cũng có thể phụ thuộc vào tình hình năng lượng ở Pháp.
"Với việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp, nhu cầu về khí đốt và than đá tăng lên đáng kể trên khắp châu Âu. Nếu chúng hoạt động trở lại, Ba Lan sẽ có thể nhập khẩu nhiều điện hơn từ nước ngoài và do đó giảm tiêu thụ than trong các nhà máy điện trong nước".
Nhưng vấn đề cung cấp than của Ba Lan không chỉ do sản xuất trong nước giảm. Siergiej cho biết đã thiếu kế hoạch dài hạn mang tính chiến lược trong lĩnh vực này, với việc chính phủ hành động "hỗn loạn và bất thường, từ đốt củi đến trợ cấp". Siergiej nhận định: "Quyết định của chính phủ đưa ra lệnh cấm vận nhập khẩu than từ Nga vào tháng 4 không được đưa ra mà không dựa vào các phân tích. Các chính trị gia không nhận ra rằng nguồn cung cấp than cho các hộ gia đình không thể được thay thế một cách nhanh chóng và dễ dàng.