Google đã đồng ý đầu tư 2 tỉ USD vào Anthropic, người phát ngôn của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) này cho biết hôm 27.10.

Google đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Anthropic, cạnh tranh với OpenAI do Microsoft hậu thuẫn

Sơn Vân | 28/10/2023, 09:16

Google đã đồng ý đầu tư 2 tỉ USD vào Anthropic, người phát ngôn của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) này cho biết hôm 27.10.

Người phát ngôn Anthropic nói Google đã đầu tư trước 500 triệu USD vào Anthropic (đối thủ của OpenAI) và đồng ý bổ sung thêm 1,5 tỉ USD theo thời gian.

Google từng đầu tư vào Anthropic và khoản tiền mới sẽ nhấn mạnh nỗ lực để cạnh tranh tốt hơn với Microsoft, nhà tài trợ chính cho OpenAI (nhà phát triển ChatGPT) khi các hãng công nghệ lớn chạy đua để đưa AI vào các ứng dụng của họ.

Amazon tháng trước cũng thông báo sẽ đầu tư 4 tỉ USD vào Anthropic để cạnh tranh với các đối thủ đám mây đang phát triển về AI.

Trong báo cáo hàng quý gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ tuần này, Amazon nêu chi tiết đã đầu tư vào một trái phiếu trị giá 1,25 tỉ USD tại Anthropic có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, còn khả năng đầu tư 2,75 tỉ USD trong trái phiếu thứ hai sẽ hết hạn vào quý đầu tiên năm 2024.

Google từ chối bình luận và Amazon không trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters. Tạp chí The Wall Street Journal trước đó đã đưa tin về thỏa thuận mới nhất của Google với Anthropic.

Số lượng đầu tư vào AI ngày càng tăng cho thấy các hãng đám mây đang cố gắng đảm bảo mối quan hệ với các công ty khởi nghiệp AI đang định hình lại ngành của họ.

Anthropic đã thể hiện nỗ lực đảm bảo các nguồn lực cùng những người ủng hộ giàu có cần thiết để cạnh tranh với OpenAI và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ.

google-dau-tu-2-ti-vao-anthropic.jpg
Google đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Anthropic, đối thủ cạnh tranh với OpenAI - Ảnh: Internet

Được thành lập vào năm 2021 bởi cựu lãnh đạo OpenAI cùng anh em Dario và Daniela Amodei, Anthropic đã đón nhận sự tài trợ từ nhiều hãng lớn trong ngành như Google, Amazon, Salesforce và Zoom. Hồi tháng 7, Anthropic ra mắt chatbot mới mang tên Claude 2.

Theo CNBC, mô hình AI của Anthropic đã được thử nghiệm bởi nhiều doanh nghiệp như Slack, Notion và Quora. Anthropic đã tích lũy được danh sách chờ với hơn 350.000 khách hàng tiềm năng mong muốn sử dụng thử Claude 2.

Bà Daniela Amodei, nhà đồng sáng lập Anthropic cùng anh trai Dario Amodei, cho biết: "Chúng tôi đã tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp, làm cho Claude 2 an toàn nhất có thể. Chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định rằng đây là phiên bản an toàn nhất của Claude mà công ty đã phát triển từ trước đến nay. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng được cung cấp sản phẩm cho tất cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân".

Claude 2 ban đầu chỉ có sẵn cho người dùng ở Mỹ và Vương quốc Anh, song công ty đã lên kế hoạch mở rộng phạm vi khả dụng của chatbot này vài tháng tới.

Anthropic cho biết Claude 2 có khả năng tóm tắt khoảng 75.000 từ, bằng độ dài của một cuốn sách. Người dùng có thể nhập các bộ dữ liệu đầu vào lớn và yêu cầu Claude 2 tóm tắt dưới dạng bản ghi nhớ, thư hoặc câu chuyện.

Daniela Amodei nói Anthropic đã đầu tư ít nhất 2 tháng vào việc phát triển Claude 2 với đội ngũ từ 30 đến 35 thành viên làm việc trực tiếp trên mô hình AI và đến 150 người hỗ trợ.

Daniela Amodei nhận định: "Từ góc độ kinh doanh, đây là một thời điểm đặc biệt quan trọng bởi nhu cầu về các mô hình ngôn ngữ là rất lớn, lớn hơn nhiều so với những gì ngành công nghiệp hiện tại có thể cung cấp. Có khá nhiều khám phá mới lạ dành cho người dùng và nhiều đối tượng khác nhau sử dụng các hệ thống này".

Vào tháng 5 vừa qua, Anthropic là một trong bốn công ty nhận được lời mời đến Nhà Trắng để thảo luận về phát triển AI có trách nhiệm với Phó Tổng thống Kamala Harris. Cuộc họp còn có sự góp mặt của 3 công ty khác là Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và OpenAI.

Daniela Amodei đã cung cấp một số ví dụ cụ thể về những cải tiến của Claude 2 so với phiên bản trước đó. Chatbot mới này tăng độ chính xác từ 73% lên 76,5% trong phần trắc nghiệm kỳ thi Bar (kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư tại Mỹ và vài quốc gia khác). Hơn nữa, trong một bài kiểm tra mã hóa Python, Claude 2 đạt 71% độ chính xác, tăng từ 56% trong lần kiểm tra trước đó.

Bất chấp những cải tiến về hiệu suất của Claude 2, Daniela Amodei thừa nhận rằng có rất nhiều rào cản với Anthropic và toàn bộ ngành công nghiệp AI nói chung. Ví dụ, xu hướng chatbot AI tạo ra các câu trả lời không chính xác, mà một số hãng công nghệ gọi là “ảo giác", vẫn đang thường xuyên diễn ra.

Daniela Amodei cho hay: "Có rất nhiều ẩn số chưa được biết đến nhưng cũng có những thách thức hiện hữu dành cho tất cả mô hình ngôn ngữ lớn trên thế giới ngày nay. Không có mô hình ngôn ngữ lớn nào miễn nhiễm 100% với ‘ảo giác’ và Claude 2 cũng vậy".

Hồi tháng 1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho “cha đẻ” ChatGPT.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ​​Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Microsoft đã triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Microsoft cũng thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào kết quả tìm kiếm Bing. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows còn đưa một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.

Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình.

Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.

Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và đã thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.

Kể từ năm 2020, OpenAI đã phát triển các công nghệ generative AI trên một siêu máy tính khổng lồ do Microsoft chế tạo, sử dụng 10.000 GPU (bộ xử lý đồ họa) của Nvidia.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Việc chạy ChatGPT rất tốn kém với OpenAI. Theo phân tích từ chuyên gia Stacy Rasgon của ngân hàng Bernstein, mỗi truy vấn tốn khoảng 4 cent. Nếu các truy vấn ChatGPT tăng lên bằng 1/10 quy mô tìm kiếm của Google, ban đầu OpenAI sẽ cần số GPU trị giá khoảng 48,1 tỉ USD và số chip trị giá khoảng 16 tỉ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.

Microsoft dự kiến sẽ giới thiệu chip AI đầu tiên của mình tại hội nghị Ignite diễn ra từ ngày 14 - 17.11, theo trang The Information. Động thái này từ Microsoft được coi là nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào GPU của Nvidia, vốn đang bị thiếu hụt nguồn cung.

Chip AI của Microsoft có tên mã Athena, được thiết kế cho máy chủ trung tâm dữ liệu, dự kiến sẽ cạnh tranh với GPU H100 hàng đầu của Nvidia, đang được nhiều nhà cung cấp đám mây sử dụng để cung cấp sức mạnh cho các mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng AI khác.

Google và Amazon cũng đang phát triển chip AI riêng, cho thấy thị trường chip AI sẽ tăng trưởng nhanh chóng.

Bài liên quan
Nhiều nhân viên bất bình vì Google đổ tài nguyên vào Bard để cạnh tranh với ChatGPT
Một số nhân viên Google đang đặt ra những câu hỏi hóc búa với lãnh đạo về chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Bard, đối thủ của ChatGPT.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Anthropic, cạnh tranh với OpenAI do Microsoft hậu thuẫn