Vụ kiện chống độc quyền của Chính phủ Mỹ nhằm vào Google tiết lộ những chi tiết mới về một thỏa thuận bí mật trị giá hàng tỉ USD giữa gã khổng lồ tìm kiếm và Apple, công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Google trả Apple 8-12 tỉ USD/năm để hoạt động với tư cách 'một công ty'

Nhân Hoàng | 21/10/2020, 07:40

Vụ kiện chống độc quyền của Chính phủ Mỹ nhằm vào Google tiết lộ những chi tiết mới về một thỏa thuận bí mật trị giá hàng tỉ USD giữa gã khổng lồ tìm kiếm và Apple, công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Được đệ trình hôm 20.10, vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ nhắm vào các giao dịch trả tiền mà Google đàm phán để đặt công cụ tìm kiếm của mình làm mặc định trên trình duyệt, điện thoại và các thiết bị khác. Thương vụ lớn nhất trong số này là thỏa thuận giúp Google trở thành bộ máy tìm kiếm mặc định trên iPhone và các thiết bị khác của Apple.

Chính phủ Mỹ cho biết Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook và Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai đã gặp nhau vào năm 2018 để thảo luận về thỏa thuận đó. Sau đó, nhân viên cấp cao giấu tên của Apple đã viết gửi cho đối tác Google rằng “tầm nhìn của chúng ta là chúng ta làm việc như thể là một công ty”.

google-tra-apple-8-12-ti-usd-nam2.jpg
Tim Cook (trái) và Sundar Pichai dùng bữa tối tại một nhà hàng Việt Nam ở thung lũng Silicon, tiểu bang California, Mỹ vào năm 2016

Bộ Tư pháp Mỹ cũng trích dẫn các tài liệu nội bộ của Google gọi thỏa thuận tìm kiếm với Apple là một "kênh thu nhập đáng kể" cho gã khổng lồ tìm kiếm và một kênh mà nếu bị mất sẽ dẫn đến tình huống Code Red (báo động đỏ). Đó là bởi vì gần một nửa lưu lượng tìm kiếm trên Google trong năm 2019 đến từ các sản phẩm Apple, theo đơn kiện.

Nhiều chi tiết chưa được tiết lộ trước đây, có thể hỗ trợ cho cáo buộc của Chính phủ Mỹ rằng Google sử dụng các thỏa thuận này để chặn các đối thủ tìm kiếm và cung cấp cho người tiêu dùng ít lựa chọn hơn.

Google gọi vụ kiện của Chính phủ Mỹ là "thiếu sót sâu sắc" và nói rằng nó sẽ làm tổn hại người dùng vì sẽ "chống đỡ giả tạo" các tùy chọn tìm kiếm chất lượng thấp hơn.

“Mọi người sử dụng Google vì họ chọn - không phải vì bị ép buộc hoặc không thể tìm thấy các lựa chọn thay thế”, Google cho hay.

Bộ Tư pháp Mỹ đặc biệt tập trung vào thỏa thuận giữa Apple và Google, nói rằng thương vụ này “về cơ bản loại bỏ các đối thủ tìm kiếm của Google khỏi một kênh phân phối quan trọng trong một thời hạn kéo dài nhiều năm”.

Theo ước tính của các nhà phân tích, Google trả cho Apple hàng tỉ USD mỗi năm để đưa sản phẩm tìm kiếm của mình trở thành tùy chọn mặc định. Điều đó có nghĩa là khi người dùng mua iPhone mới hoặc thiết bị khác của Apple, công cụ tìm kiếm được tích hợp sẵn trong trình duyệt Safari là Google.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, người dùng Apple có tùy chọn chuyển sang Bing, Yahoo hoặc DuckDuckGo của Tập đoàn Microsoft theo cách thủ công, nhưng “rất ít người thực hiện, khiến Google trở thành công cụ tìm kiếm độc quyền trong thực tế” trên các thiết bị của Apple.

google-tra-apple-8-12-ti-usd-nam.jpg
Google trả Apple 8 - 12 tỉ USD/năm để hoạt động với tư cách 'một công ty' trên giao dịch tìm kiếm

Trong vụ kiện, Bộ Tư pháp Mỹ ước tính rằng Apple nhận được 8 đến 12 tỉ USD hằng năm từ Google thông qua thỏa thuận. Thu nhập của Apple từ thỏa thuận tìm kiếm được cho là một phần từ mảng Dịch vụ đang phát triển của công ty, một chỉ số quan trọng mà Apple đã nêu bật với các nhà đầu tư và nhà phân tích trong những năm gần đây.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết: “Bằng cách trả cho Apple một phần tiền thuê độc quyền được trích từ các nhà quảng cáo, Google đã điều chỉnh các ưu đãi tài chính của Apple và đặt giá đấu thầu phân phối cực kỳ cao”.

Là một phần của thỏa thuận, Google cũng là công cụ tìm kiếm mặc định cho Siri và tìm kiếm hệ thống, thay thế thỏa thuận mà Apple đã ký với Microsoft vào năm 2017.

Apple không cung cấp cách để người dùng chuyển đổi công cụ tìm kiếm trong quá trình thiết lập ban đầu cho thiết bị của mình. Apple cũng không gợi ý cho người dùng rằng có thể chuyển đổi công cụ tìm kiếm khi lần đầu tiên sử dụng trình duyệt Safari trên thiết bị Apple.

Dù vậy, Apple cho biết, ngoài việc có thể thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định sau khi thiết lập, người dùng có thể truy cập ứng dụng tìm kiếm của bên thứ ba, ứng dụng trợ lý giọng nói của bên thứ ba hoặc truy cập trang web của công cụ tìm kiếm khác.

Vào năm 2019, Phó chủ tịch phụ trách mảng luật doanh nghiệp của Apple, Kyle Andeer đã phát biểu trước một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng công ty “đã tiến hành một cuộc cạnh tranh mở để xem chúng tôi nghĩ điều gì sẽ tốt nhất cho người tiêu dùng của mình và người tiêu dùng luôn sử dụng Google”.

Hôm 20.10, Bộ Tư pháp Mỹ và 11 tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google của Alphabet. Lý do Google bị cáo buộc vi phạm luật trong việc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các đối thủ.

Động thái này đánh dấu vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong 20 năm, có thể so sánh với vụ kiện Microsoft vào năm 1998 và vụ kiện năm 1974 chống lại AT&T, dẫn đến sự tan rã của Bell System.

Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Google đã hành động trái pháp luật để duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trên tìm kiếm: Nếu không có lệnh tòa, Google sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phản cạnh tranh, làm tê liệt quy trình cạnh tranh, giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng và cản trở sự đổi mới”.

Được biết, công ty này đạt doanh thu 162 tỉ USD vào năm 2019, nhiều hơn cả nước Hungary.

Bài liên quan
Chính quyền Trump ủng hộ Oracle kiện Google đòi bồi thường ít nhất 8 tỉ USD
Hôm 7.10, Tòa án tối cao Mỹ đã xem xét liệu có nên bảo vệ Google của Alphabet trước một vụ kiện kéo dài từ Oracle hay không. Cụ thể là Oracle cáo buộc Google vi phạm bản quyền của hãng này để xây dựng hệ điều hành Android.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
43 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google trả Apple 8-12 tỉ USD/năm để hoạt động với tư cách 'một công ty'