Hiện thị phần hàng hoá Việt Nam tại Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào thị trường này.

Hàng Việt chiếm chưa đến 1% tại Anh

Tuyết Nhung | 17/10/2023, 19:25

Hiện thị phần hàng hoá Việt Nam tại Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào thị trường này.

Dư địa còn lớn

Dư địa để xuất khẩu sang thị trường Anh hiện vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, doanh nghiệp cần tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho hàng hóa, sản phẩm tại thị trường Anh.

hang-viet.jpg
Dư địa để hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh hiện vẫn còn rất lớn - Ảnh: IT

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỉ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 6,1 tỉ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỉ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỉ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, Anh là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, nhưng việc hàng hoá Việt Nam gia tăng xuất khẩu cho thấy sự cải thiện về chất lượng, đồng thời thể hiện sự tác động tích cực của Hiệp định UKVFTA.

"Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Anh tăng 8% so với năm 2021. Riêng 8 tháng 2023 đạt 1,48 triệu USD. Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì hàng hoá Việt Nam đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn cao, khắt khe của thị trường", ông Nguyên chia sẻ.

Đánh giá tác động của hơn hai năm thực thi Hiệp định UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, UKVFTA đã mở rộng cánh cửa để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu tiềm năng của thế giới, đặc biệt đây là "cửa ngõ" để hàng hoá Việt Nam vào thị trường EU được tăng lên. Thứ hai, với các ưu đãi thuế quan tương đối lớn là lợi thế để hàng hoá Việt Nam nâng sức cạnh tranh trên thị trường Anh.

Đặc biệt, theo ông Hoàng Trọng Thuỷ, việc thực thi UKVFTA đã giúp tăng lợi thế đi trước của Việt Nam so với các nước ASEAN khi chúng ta ký kết UKVFTA. Bởi nhiều mặt hàng của ASEAN cũng tương đồng với Việt Nam nên khi thực hiện cam kết trong UKVFTA đồng nghĩa rằng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường này sẽ thuận lợi hơn.

"Ngoài ra, chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, đảm bảo sự ổn định, chất lượng cho sản xuất hàng hoá và tham gia sâu hơn vào thị trường EU thông qua Anh", ông Thuỷ nói.

Tuy nhiên, hiện thị phần hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Một trong những nguyên nhân, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ là do nhận diện thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường này còn thấp, chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính, chi phí logistics lớn,...

Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ nội địa hoá còn thấp, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài ra, hiện nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt 13-18%. Cùng với đó, xu hướng tiêu thụ rau quả của người tiêu dùng Anh đang thay đổi, đi cùng các rào cản kỹ thuật, sự thay đổi của thị trường...

Bàn về vấn đề thương hiệu, bà Tạ Hoàng Lan - Phó trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ, doanh nghiệp trong nước chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị thương hiệu và phát triển thương hiệu ở nước ngoài để dành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt doanh nghiệp chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước ngoài, mặt khác doanh nghiệp chưa chú trọng đến kiểu dáng, thiết kế, mẫu mã, cũng như chưa chú trọng đến các quy định, yêu cầu về chất lượng tại thị trường nước sở tại.

Khai thác thế nào?

Thương mại song phương Việt - Anh hiện đang có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỉ USD, nhất là khi Anh gia nhập CPTPP. Đồng thời, thị trường Anh lại đang có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỉ USD hàng hóa. Như vậy, dư địa khai thác thị trường Anh còn rất lớn đối với hàng hoá Việt Nam.

Nhằm tận dụng UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng: "Chúng ta cần hoá giải các điểm nghẽn của hoạt động sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở những gói hỗ trợ ngắn hạn; tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho hàng hóa, sản phẩm tại thị trường Anh”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, Anh là thị trường lớn, khó tính nên việc hàng hoá Việt Nam phải đối diện các thách thức là điều tất yếu.

Trong đó, ông Thuỷ lưu ý, Anh là quốc gia đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động... Ngay như yếu tố lao động, các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị vi phạm, như quy định về tiền lương tối thiểu, độ tuổi lao động. Đây cũng là thị trường khắt khe đối với chất lượng hàng hoá của thế giới. Đơn cử, là thị trường tiêu thụ cà phê, tiêu rất lớn nên Anh thường xuyên quan tâm đến việc có gây dị ứng từ sản phẩm hay không. Điều này cho thấy, các tiêu chuẩn của thị trường rất chi tiết, ngay trong cả văn hoá tiêu dùng.

Vì thế, ông Thuỷ cho rằng nhà nước cần kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu về mặt cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ, kết nối giao thông vùng nguyên liệu, tín dụng, xây dựng dữ liệu thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...; thay đổi tư duy sản xuất trong các thành phần kinh tế, từ số lượng sang chất lượng và theo tiêu chuẩn của Anh. Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Anh cần nắm vững thông tin thị trường, sự thay đổi về các tiêu chuẩn thói quen của người tiêu dùng để cung cấp cho doanh nghiệp, ngành hàng; dự báo càng tốt thì tổ chức sản xuất sẽ được nâng lên và cần chú ý đến người tiêu dùng bản địa.

Về phía ngành hàng, ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý đến đáp ứng tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp của thị trường Anh. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cải tiến giống cây trồng phù hợp, đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói tiên tiến của thế giới, như vậy mới đưa sản phẩm vào thị trường quốc tế.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường có vai trò hết sức quan trọng.

"Nhằm khai thác dư địa của thị trường Anh trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hàng hoá, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, phối hợp, hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, rà soát, kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp có nguy cơ tranh chấp, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ", bà Tạ Hoàng Lan cho biết.

Bài liên quan
Hàng Việt vẫn 'áp đảo' trên kệ siêu thị Tết
Tết Nguyên đán đang đến gần, thời điểm này, một số hệ thống siêu thị lớn đã hoàn tất công tác phục vụ hàng Tết. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị này năm nay vẫn chiếm ưu thế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng Việt chiếm chưa đến 1% tại Anh