Huawei đã chi hàng chục triệu USD để cố gắng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhưng vẫn bị đưa vào danh sách đen thương mại. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động vận động hành lang nội bộ của mình ở Mỹ.
Thế giới số

Huawei chấm dứt hoạt động vận động hành lang ở Mỹ sau nhiều năm tốn tiền vô ích

Sơn Vân 11/01/2024 13:11

Huawei đã chi hàng chục triệu USD để cố gắng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhưng vẫn bị đưa vào danh sách đen thương mại. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động vận động hành lang nội bộ của mình ở Mỹ.

Hãng tin Bloomberg cho biết Jeff Hogg và Donald Morrissey, hai nhà vận động hành lang cuối cùng của Huawei đăng ký ở Mỹ, đã rời đi trong những tháng gần đây. Công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) không trả lời khi được Bloomberg đề nghị bình luận.

Các nhà vận động hành lang ra đi gần đây theo sau cuộc di cư nhân viên khỏi các hoạt động của Huawei tại Mỹ, đánh dấu sự kết thúc lặng lẽ cho nỗ lực tốn kém kéo dài nhiều năm nhằm duy trì sự hiện diện tại thị trường Bắc Mỹ.

Huawei từng lên đến đỉnh cao ở Mỹ bằng cách cung cấp cho các công ty di động nhỏ trên khắp nước này, ngay cả khi bị các nhà mạng lớn xa lánh. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc khiến Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019. Theo đó, Huawei bị cấm mua phần mềm, chip và các công nghệ khác có nguồn gốc từ Mỹ từ các nhà cung cấp mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Hơn một thập kỷ trước, các quan chức Mỹ bắt đầu cảnh báo về khả năng Huawei nhúng tính năng do thám vào thiết bị của họ, vốn hiện diện trong hàng ngàn tháp di động và các thiết bị mạng khác ở Mỹ. Huawei đã bác bỏ những tuyên bố đó, nói rằng sản phẩm của họ không gây ra mối đe dọa an ninh nào. Song đến năm 2022, các cơ quan quản lý Mỹ đã cấm Huawei bán sản phẩm ở nước này và hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Huawei có 9 công ty vận động hành lang trong biên chế và đội quân nhỏ đại diện quan hệ công chúng. Các lãnh đạo Huawei thường xuyên sắp xếp các cuộc họp với các văn phòng Quốc hội Mỹ và các tổ chức tin tức lớn. Theo hồ sơ liên bang Mỹ, Huawei đã chi hơn 13 triệu USD để vận động hành lang ở Mỹ trong 10 năm qua.

Chỉ trong một quý của năm 2019, Huawei đã chi tiêu vận động hành lang liên bang Mỹ đến 1,8 triệu USD, tăng gấp sáu lần so với năm trước đó. Theo hồ sơ, gã khổng lổ viễn thông Trung Quốc đã chi 3,6 triệu USD cho việc vận động hành lang ở Mỹ vào năm 2021.

Theo Thượng viện Mỹ, một phần trong số đó thuộc về những bữa tiệc hào nhoáng có sự tham gia của những nhân vật vận động hành lang nổi tiếng, gồm cả chuyên gia kỳ cựu Tony Podesta thuộc đảng Dân chủ, người kiếm được 1 triệu USD từ Huawei trong năm 2021. Tony Podesta cho biết trong hồ sơ rằng công việc của ông tại Huawei kết thúc vào ngày 30.12.2022.

Với lệnh cấm được áp dụng chặt chẽ và hoạt động kinh doanh ở Mỹ còn ít ỏi, Huawei có rất ít lý do để tiếp tục vung tiền vận động hành lang ở Washington. Chris Pereira, cựu Giám đốc quan hệ công chúng của Huawei và người sáng lập công ty tư vấn iMpact, cho biết: “Thị trường Mỹ không phải là nơi có thể tạo ra bước đột phá cho Huawei trong tương lai gần”.

Donald Morrissey, người vận động hành lang cho cả Huawei và Futurewei, đã xác nhận trong một tin nhắn trên LinkedIn rằng ông đã rời công ty Trung Quốc vào tháng 12.2023. Donald Morrissey nói ông hiện là Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề chính phủ của hãng công nghệ pin Gotion.

Từng giữ chức vụ đứng đầu bộ phận quan hệ với chính phủ của Huawei từ năm 2020, Jeff Hogg đã rời công ty vào tháng 11.2023, theo hồ sơ LinkedIn cá nhân. Ông đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Huawei cũng mất đi các công ty vận động hành lang bên ngoài. Theo hồ sơ gửi Thượng viện Mỹ, Imperium Global Advisors và LeMunyon Group đã chấm dứt hợp đồng với Futurewei, bộ phận nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ của Huawei, vào tháng 11.2023.

Squire Patton Boggs, công ty luật toàn cầu, đã không báo cáo hoạt động vận động hành lang thay mặt cho Futurewei trước Quốc hội Mỹ kể từ đầu năm 2023. Cựu Dân biểu Lee Terry, đảng viên đảng Cộng hòa ở bang Nebraska, đã chấm dứt hợp đồng vận động hành lang với Huawei vào cuối năm 2022, theo hồ sơ Thượng viện.

Đến tháng 10.2023, công ty duy nhất đăng ký làm việc thay mặt Huawei là Sidley Austin. Sidley Austin không phản hồi khi được đề nghị bình luận.

Huawei đã đưa ra thông báo riêng rằng sẽ chấm dứt các nỗ lực vận động hành lang tại Điện Capitol (Mỹ). Trey Smith, Phó chủ tịch điều hành của CBRE, công ty dịch vụ bất động sản chuyên xử lý các hợp đồng cho thuê tòa nhà, thông báo công ty đã ngừng hoạt động tại các văn phòng ở thành phố Plano, Texas.

Đáp lại lệnh cấm Huawei, chính phủ Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ lạm dụng quyền lực để gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc. Những tháng gần đây, Huawei đưa ra phản ứng của riêng mình khi tung ra dòng smartphone Mate 60 hỗ trợ 5G, dùng chip Kirin 9000s tiên tiến do SMIC sản xuất ở Trung Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ nhằm chặn tiếp cận công nghệ như vậy. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.

Huawei cho biết doanh thu đã tăng 9% vào năm 2023, một phần nhờ vào dòng smartphone Mate 60.

huawei-cham-dut-hoat-dong-van-dong-hanh-lang-o-my-sau-nhieu-nam-ton-tien-vo-ich.jpg
Huawei từng chi hàng chục triệu USD để cố gắng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhưng vẫn bị đưa vào danh sách đen thương mại - Ảnh: Internet

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu TechInsights (Canada), HarmonyOS dự kiến sẽ vượt qua iOS để trở thành hệ điều hành smartphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm nay sau sự trở lại của Huawei với dòng Mate 60.

TechInsights cho biết trong khi Android của Google và iOS của Apple sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực hệ điều hành smartphone toàn cầu, HarmonyOS do Huawei tự phát triển sẽ chiếm ưu thế ở Trung Quốc so với hai gã khổng lồ của Mỹ.

Việc áp dụng HarmonyOS ngày càng tăng được thúc đẩy bởi sự quay trở lại của Huawei với phân khúc smartphone 5G, bắt đầu bằng sự ra mắt bất ngờ Mate 60 Pro vào cuối tháng 8.

Theo báo cáo, TechInsights cũng cho rằng Huawei sẽ phục hồi vững chắc vào năm 2024.

Tất cả smartphone của Huawei đều được cài sẵn HarmonyOS, giải pháp thay thế Android, do công ty Trung Quốc tự phát triển và ra mắt vào tháng 8.2019. Động thái này diễn ra ba tháng sau khi Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.

Khi ra mắt, Mate 60 Pro đã truyền cảm hứng cho một làn sóng yêu nước nhiệt thành của người tiêu dùng Trung Quốc và công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung khi phải nỗ lực tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

TechInsights cho rằng thách thức về nguồn cung của Huawei, do tình trạng thiếu chipset Kirin 9000s, sẽ giảm bớt trong vài tháng tới. Danh mục sản phẩm của Huawei đã được mở rộng hơn nữa vào tuần trước khi hãng này tung ra các mẫu smartphone mới thuộc dòng Nova tầm trung.

HarmonyOS cũng được dự đoán sẽ đạt được cột mốc quan trọng vào năm 2024 với việc Huawei ra mắt phiên bản HarmonyOS Next, sẽ không hỗ trợ các ứng dụng dựa trên Android.

Huawei dự kiến ​​sẽ ra mắt phiên bản xem trước của HarmonyOS Next dành cho nhà phát triển vào quý 1/2024 và đang hợp tác với các công ty lớn Trung Quốc để phát triển các ứng dụng gốc dựa trên hệ thống.

Tháng trước, gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba, cho biết đang xây dựng phiên bản mới của ứng dụng thanh toán di động Alipay dựa trên HarmonyOS, sau khi Alibaba bắt đầu phát triển phiên bản mới DingTalk. ứng dụng cộng tác tại nơi làm việc dành cho nền tảng này.

Các công ty internet lớn khác của Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, hãng game đình đám NetEase và công ty dẫn đầu thị trường giao đồ ăn Meituan, vào tháng 11.2023 đã bắt đầu tuyển dụng các nhà phát triển để xây dựng ứng dụng gốc cho HarmonyOS.

McDonald’s Trung Quốc, với mạng lưới hơn 5.500 nhà hàng và hơn 200.000 nhân viên phục vụ hơn 1 tỉ khách hàng mỗi năm, đã trở thành một trong những công ty thực phẩm đa quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng HarmonyOS Next.

TechInsights cho biết vẫn còn phải xem liệu những nỗ lực này có tạo ra hiệu ứng lan tỏa với các nhà sản xuất smartphone khác và biến HarmonyOS trở thành hệ điều hành mặc định không chỉ cho điện thoại mà còn cho cả máy tính xách tay, ô tô ở Trung Quốc hay không.

Richard Yu Chengdong, Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, phát biểu tại hội nghị nhà phát triển thường niên của công ty vào tháng 8.2023 rằng hơn 700 triệu thiết bị đang chạy trên HarmonyOS, với hơn 2,2 triệu nhà phát triển bên thứ ba tạo ứng dụng cho nền tảng này.

Bài liên quan
Trung Quốc âm thầm biến Huawei thành vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chip với Mỹ
Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Huawei (gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc từng bị Mỹ trừng phạt) đã nổi lên như vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến về chất bán dẫn đang diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei chấm dứt hoạt động vận động hành lang ở Mỹ sau nhiều năm tốn tiền vô ích