Thật khó nói hết bất ngờ khi tận mắt chứng kiến xem Hương Tây Ban Nha vẽ. Người được vẽ thì háo hức bất ngờ, họa sĩ thì không! Cứ dửng dưng như "lấy trong túi áo" một phiên bản khác của bạn vậy! Cũng chẳng quá đề cao công việc mình mà cũng chẳng run tay. Phải đam mê và luyện tập đến bao nhiêu mới đạt được phong độ ấy?...

Hương Tây Ban Nha và cuộc đột phá tranh chân dung

Một Thế Giới | 02/03/2015, 17:35

Thật khó nói hết bất ngờ khi tận mắt chứng kiến xem Hương Tây Ban Nha vẽ. Người được vẽ thì háo hức bất ngờ, họa sĩ thì không! Cứ dửng dưng như "lấy trong túi áo" một phiên bản khác của bạn vậy! Cũng chẳng quá đề cao công việc mình mà cũng chẳng run tay. Phải đam mê và luyện tập đến bao nhiêu mới đạt được phong độ ấy?...

Tôi đã được biết đến cái tên Nguyễn Phạm Thúy Hương cách đây khoảng 10 năm khi báo chí nói đến một phòng tranh vẽ chân dung của cô tại Đà Nẵng.
Huong Tay Ban Nha
 Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương - Nhà nhiếp ảnh HỒ XUÂN BỔN
Nhiều nhân vật văn nghệ sĩ đất "Quảng Nam chưa mưa đà thấm" bất ngờ được tái hiện như nhà văn - học giả Nguyễn Văn Xuân, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng, Lê Văn Thọ, Lê Diễn... và nhiều tên tuổi khác được giới thiệu.
Huong Tay Ban Nha
Nhà Nhiếp ảnh Mỹ Dũng - Một tác phẩm của Hương Tây Ban Nha
Bức tranh vẽ chân dung Thầy Nguyễn Văn Xuân và nhiều bức khác đã bán đấu giá góp thành một số tiền khá lớn để giúp đỡ nhà văn cao niên đau yếu thường xuyên bệnh tật thời bấy giờ. Đó là một nghĩa cử cao đẹp còn để lại trong lòng nhiều người mê tranh và yêu nghệ thuật của Đà Nẵng.
Huong Tay Ban Nha
 Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - Sơn dầu
Nguyễn Phạm Thúy Hương còn được biết dưới cái tên Hương Tây Ban Nha. Vì lẽ cô hiện và sinh sống ở xứ sở "nhiệt cuồng" và "bò tót" này.
Có một liên lạc nào đó chăng về không gian sống, cách nghĩ, làm việc, sự tận hiến vì nghệ thuật của các nghệ sĩ "xứ sở mặt trời" với cô gái Việt "nhập thổ" và cũng gần 20 năm Sống - Viết và Vẽ gắn liền với mảnh đất đó?
Huong Tay Ban Nha
 Nghệ sĩ Lê Diễn bên bức chân dung Hương Tây Ban Nha vẽ anh
Tôi tìm thấy một sự bung phá dữ dội về sắc màu, một phong cách nổi loạn "tới đỉnh" và sự va đập không hạn giới từ mỹ thuật như Pablo Ruiz Picasso, Salvador Dali... đến thơ như Garcia Lorca...
Phải chăng, nghệ thuật khởi đầu và cuối cùng chính là Tự do. Không có một giới hạn hay giới biên nào cả?
Huong Tay Ban Nha
Chân dung bé Bơ
Trên biên thùy ấy chỉ còn những nhịp tim, nhịp máu. Ngôn ngữ hay màu sắc cuồn cuộn tuôn chảy. Trong tập Vỉa Từ, tôi từng có một so sánh người nghệ sĩ sáng tạo với quyền năng ngang bằng với Thượng đế! Vâng! Hội họa hay Thi ca qua những phong cách tài năng người nghệ sĩ đã tạo ra một thế giới riêng biệt! Bạn hãy thử ngẫm nghĩ, điều đó không phải hay sao?
Huong Tay Ban Nha
Chị Hường, chi gái họa sĩ bên bức chân dung vừa hoàn thành 
Hương Tây Ban Nha qua cách vẽ cũng cho thấy cô không phân biệt giữa người nổi tiếng và không nổi tiếng. Tất cả những mẫu vẽ đều cần được tôn trọng tuyệt đối. Vẽ một tên tuổi hay một người bình thường đều phải làm sao lật lẩy, tóe ra những nét đặc sắc, cá tính của họ. Đôi khi vẽ một danh nhân hóa ra lại "quá nhạt" vì người thưởng thức không đọc thấy đường nét gì riêng của họ. Chỉ một khối màu bèn bẹt, thô xỉn, đặt bày trâng tráo.
Huong Tay Ban Nha
 Một người nước ngoài
Điều đó giải thích sự bất tài hay giới hạn của số đông thợ vẽ. Nhiều bức tranh, để chống chế cho việc bối rối và bất lực kẻ cầm cọ, y đã "dũng cảm" viết cả tên người được vẽ, muốn vẽ lên! Y đã tô đậm chủ thế! Thế nhưng trớ trêu thay, đối tượng thưởng thức đọc tên, nhìn tranh, lạ lẫm. Càng không giống và khó thấy giống! Nhân vật được tô đậm ấy hóa ra phản bội lại khổ chủ mình (!). Hoặc gần như thế! Sự cay đắng bẽ bàng!
Còn đối tượng vẽ là một người bình thường nhưng nếu họa sĩ là "đấng sáng thế" quyền năng trong thế giới mình vẫn có thể "tái sinh", tạo tác những chân dung một cách ngạo nghễ chói lóa.
Huong Tay Ban Nha
 Hương Tây Ban Nha đang vẽ thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh
 Một lần ngồi xem Hương Tây Ban Nha vẽ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Chúng tôi ai nấy đều đều đồng tình là họa sĩ có "tài" khi đã tìm được những nét rất riêng trong con người thơ có bài hay, câu hay này! Con người ấy vẫn là con người của làng dù bây giờ có xêng xang phố thị. "Xưa tôi sống trong làng / Giờ làng sống trong tôi". Nhưng vẻ ngoài của ông thì vô ý hàm hỗn là quá nhạt. Cái nhạt đôi khi vì quá chu toàn, quá chú trọng sự tươm tất "mặt mày nhẵn nhụi áo quần bảnh bao" để mất hết dáng vẻ riêng. Mà ông Hạnh cũng tự biết mình, ngang nhiên và ngoan cố trong câu thơ "Sông chảy một dòng thôi" (!). 
Huong Tay Ban Nha
Họa sĩ Hương Tây Ban Nha và bạn bè. Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng, Nhạc sĩ DIệp Chí Huy, Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đạo diễn Trần Phong... Cà phê Thanh Thanh - Phan Châu Trinh thành phố Đà Nẵng tết Ất Mùi 2015
Bởi thế, cái tài của Hương Tây Ban Nhà là bức tranh thoắt đưa thi sĩ trở về bản chất hồn nhiên, thanh sạch. Thơ trẻ và không bụi bặm. Cuộc đời có thể làm các Thi sĩ "đục ngầu" thêm nhiều lần - như ông Hoàng Thơ tình Xuân Diệu từng viết "Cơm áo không đùa với khách thơ" - nhưng, khi ngồi trong đêm tối hay bình minh, mai phục, rình rập, cân não hay chụp bắt những câu thơ... y không thánh thiện, không trẻ thơ coi như thua! Con mắt tài tinh của họa sĩ đã liếc đổ và lột tả được niềm thiêng liêng hay cứu cánh ấy trong cái sắc vẻ ngỡ "ta bà", uẩn ngộ của nhân gian, của bể dâu ấy...
Huong Tay Ban Nha
Chân dung Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương hay Hương Tây Ban Nha - Nhà nhiếp ảnh HỒ XUÂN BỔN 
Từ Việt Nam, cô gái nói giọng Huế "mệ" sống, gắn bó cả tuổi thơ ở thành phố Đà Nẵng đã trở thành một tên tuổi trong giới hội họa được biết nhiều ở Tây Ban Nha, ở nước ngoài. Từ chân trời một phía đã tìm đến chân trời nhiều phía.
Nhưng đôi khi sự nhạy cảm quá mức của người Nghệ sĩ đã làm những dòng suối tan vỡ. Nỗi cô đơn lại hiện lên với những dáng vẻ liêu trai, sụp đổ sang bằng những lăng tẩm đền đài. Chỉ rong rêu hoang phế ở lại. Điều này khiến bạn bè nhiều người lo cho trái tim mong manh.
Mấy câu khi muốn kết thúc bài viết ngẫu nhiên và đương nhiên này, tôi muốn tặng Hương:
Hãy cứ vui trong cuộc đời...
Đừng bao giở tắt tiếng cười...
Khi khóc một mình tôi...

Có tiếng gọi tri âm tri kỷ nào từ Tranh đến với trái tim? Ồ, thế giới rộng lớn mà cũng vô cùng chật hẹp!....
Mỗi dịp Tết có dịp trở về quê hương, Hương Tây Ban Nha ấp ủ nhiều dự định táo bạo và lẫm liệt với thế giới Sáng tạo của mình. Được trò chuyện và chứng kiến những buổi làm việc miệt mài của cô tôi thấy xúc động! Họa sĩ như một con cá mang nặng tình yêu bơi ngược dòng nước, le lách những phong tố đại dương... để về trở dạ trên đất Mẹ!
Đó cũng là lý do tôi và bạn bè mong chờ được thưởng thức nhiều tác phẩm mới của cô!
Mỗi bức tranh của Hương là cả một câu chuyện dài.
Đi từ những chân dung quen thuộc, bình dị đôi khi ta ngỡ rất buồn tẻ, chai cứng hàng ngày đã bừng sáng!
Không có tình yêu đi một đời chưa chắc đã hiểu hết Mặt đất đang đang đứng!
Nói gì đến Khát vọng Trời xanh xa thẳm!...

Đà Nẵng, Sài Gòn, chiều 11 Tết Con Dê Ất Mùi 2015
Nguyễn Hữu Hồng Minh
 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
5 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hương Tây Ban Nha và cuộc đột phá tranh chân dung