Reuter đưa tin Intel, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, vẫn được bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt nặng nề.
Thế giới số

Intel không bị Mỹ thu hồi giấy phép bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei, AMD bất bình

Sơn Vân 19:09 12/03/2024

Reuter đưa tin Intel, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, vẫn được bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt nặng nề.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu đã chịu áp lực phải thu hồi giấy phép do chính quyền Trump cấp, cho phép Intel bán bộ xử lý trung tâm (CPU) tiên tiến cho Huawei để sử dụng trong máy tính xách tay (laptop).

Áp lực đến từ đối thủ của Intel là AMD và những nghị sĩ Mỹ chống Trung Quốc đang tìm cách ngừng mọi hoạt động bán hàng cho các công ty ở cường quốc châu Á này. AMD bất bình và lập luận rằng thật không công bằng khi hãng không nhận được giấy phép bán CPU tương tự cho Huawei.

Khả năng Intel giữ được giấy phép bán CPU trong khi AMD không thể có được quyền hạn tương tự cho thấy tình trạng không đồng đều và không chắc chắn mà các công ty phải đối mặt khi Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Điều này cho phép Huawei duy trì một thị phần nhỏ nhưng đang gia tăng trên thị trường laptop toàn cầu, còn AMD bị tước mất hàng trăm triệu USD doanh số bán hàng cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Emma Xu, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, nói: “Phần lớn CPU được sử dụng trong laptop Huawei vẫn là của Intel, do đó bất kỳ hạn chế nào nữa từ Mỹ sẽ khiến việc sản xuất laptop của Huawei trở nên khá khó khăn”.

Intel, Huawei, Bộ Thương mại Mỹ và Nhà Trắng từ chối bình luận. AMD không trả lời câu hỏi từ hãng tin Reuters.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington mô tả các hạn chế với Huawei là "bắt nạt kinh tế", đồng thời kêu gọi Mỹ "ngưng thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các công ty Trung Quốc".

Huawei, biểu tượng của cuộc chiến công nghệ kéo dài nhiều năm giữa Mỹ và Trung Quốc, đã bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt. Huawei trước đây phủ nhận hành vi sai trái.

Các nhà cung cấp Mỹ thường bị chính phủ ngăn cản bán bất cứ thứ gì cho những công ty nằm trong danh sách đen thương mại. Song vào cuối năm 2020, ngay trước khi ông Trump rời khỏi cương vị Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại đã cấp cho các công ty Mỹ, gồm cả Intel, quyền đặc biệt để bán một số mặt hàng cho Huawei.

Một nguồn tin cho biết AMD đã xin giấy phép bán CPU tương tự vào đầu năm 2021 sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi về đơn của mình.

Reuters chưa thể xác định lý do tại sao Intel được cấp giấy phép, còn AMD thì không. Thế nhưng, tác động đến doanh số laptop Huawei là ngay lập tức. Doanh số laptop Huawei chứa chip AMD giảm từ 47,1% vào năm 2020 xuống còn 9,3% trong nửa đầu năm 2023, theo bản trình bày nội bộ của AMD với dữ liệu lấy từ NPD và GfK.

Theo bài thuyết trình, thị phần laptop Huawei có chứa chip Intel đã tăng vọt trong khoảng thời gian này từ 52,9% lên 90,7%. Điều đó khiến hai công ty Mỹ có "chênh lệch doanh thu ước tính" lên tới 512 triệu USD vào đầu năm 2023.

Công ty Circana (được thành lập năm ngoái từ việc sáp nhập NPD và IRI) và GfK (hiện thuộc sở hữu của NIQ) từ chối bình luận về vấn đề này.

Theo Reuters, nỗ lực thu hồi giấy phép của Intel dường như đã có kết quả vào năm 2023 khi một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng chính sách cấp phép cho Huawei đang được xem xét và nói riêng với các công ty rằng Bộ Thương mại Mỹ sẽ khắc phục sự không thống nhất về giấy phép. Song đến cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đã gác lại kế hoạch thu hồi giấy phép mà không đưa ra lý do, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch có thể được hồi sinh vào một thời điểm sau đó.

Reuters chưa biết lý do tại sao Bộ Thương mại Mỹ lại từ bỏ kế hoạch thu hồi giấy phép của Intel. Thế nhưng, hành động này diễn ra khi Mỹ đang nỗ lực thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc, gồm cả việc tái lập các cuộc đàm phán về quân đội, sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện trong không phận Mỹ mùa đông năm ngoái đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai siêu cường.

Các nguồn tin từ Reuters cho biết giấy phép của Intel dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và khó có thể được gia hạn. Trong khi đó, Huawei tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chip Intel cho laptop của mình.

Thị phần laptop Huawei đã tăng từ 2,2% năm 2018 lên 9,7% vào 2023 khi hãng này thay thế Dell trở thành nhà sản xuất laptop lớn thứ ba Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys.

Cách đây 1 tuần, AMD nhận tin xấu khác từ chính quyền Biden. Cụ thể hơn, các quan chức Mỹ đã thông báo với AMD rằng chip trí tuệ nhân tạo (AI) mà hãng này thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc vẫn quá mạnh để có thể bán mà không cần giấy phép.

Trước đó, AMD đã hy vọng được Bộ Thương mại Mỹ bật đèn xanh để bán chip AI cho khách hàng Trung Quốc vì nó được chỉnh sửa để có hiệu suất thấp hơn so với sản phẩm mà công ty bán ở các nước khác. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng AMD vẫn cần phải xin giấy phép từ Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ mới có thể bán chip AI cho Trung Quốc.

Nvidia, đối thủ của AMD, cũng liên tục hạ cấp các chip AI mạnh mẽ để bán cho Trung Quốc trong nỗ lực vượt qua những hạn chế ngày càng bị Mỹ siết chặt với chất bán dẫn.

Mỹ đang nỗ lực hạn chế Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến có thể phát triển các mô hình AI và các thiết bị sản xuất những chip đó vì lo ngại cường quốc châu Á sẽ giành được lợi thế quân sự.

Chính quyền Joe Biden đã công bố gói biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu hồi năm 2022 và tiếp tục thắt chặt chúng vào tháng 10.2023.

Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đã hạn chế việc bán các chip AI mà Nvidia thiết kế riêng cho Trung Quốc nhằm tuân thủ phiên bản đầu tiên của quy tắc xuất khẩu năm 2022. Nvidia kể từ đó đã phát triển các chip AI tùy chỉnh mới, ít mạnh mẽ hơn cho thị trường Trung Quốc để phù hợp với các hạn chế năm 2023.

Lệnh cấm năm 2022 từ Mỹ đã ngăn cản cả Nvidia và AMD bán chip AI mạnh nhất cho Trung Quốc, buộc họ phải tìm cách giải quyết. AMD vẫn chưa công khai thảo luận về nỗ lực phát triển chip AI mới cho Trung Quốc.

AMD có ít chỗ đứng hơn trong ngành chip AI Trung Quốc nếu so với Nvidia, hãng chiếm thị phần lớn từ trước khi lệnh cấm của Mỹ được áp dụng. Khi các hạn chế có hiệu lực vào năm 2022, AMD tin rằng sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các quy định này.

AMD vẫn cố gắng theo đuổi lĩnh vực chip AI. Tháng 12.2023, AMD đã tung ra dòng sản phẩm MI300 mới, được cho là sẽ thách thức các chip AI của Nvidia.

Các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc, chẳng hạn Tencent Holdings và Baidu, thông báo đã dự trữ đủ lượng chip AI tiên tiến từ Nvidia (những loại hiện nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ) để cải thiện khả năng chatbot trong 1 hoặc 2 năm nữa.

Trong khi đó, Huawei đang tự phát triển và sản xuất chip AI riêng để có thể giúp các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm của Mỹ tạo ra.

Bài liên quan
Thị trường PC đang phục hồi nhanh, Intel và AMD quảng bá máy tính có khả năng AI
Thu nhập của Intel và Advanced Micro Devices (AMD) đã đưa ra nhiều bằng chứng hơn về sự phục hồi đang diễn ra nhanh chóng trên thị trường máy tính cá nhân. Đây là tín hiệu tốt cho một ngành đang phải vật lộn với tình trạng dư cung sau đại dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Intel không bị Mỹ thu hồi giấy phép bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei, AMD bất bình