Tự do ư? Tôi chỉ là con chim được tự do bay trong cái lồng. Rã cánh, trầy lông vẫn cứ mãi bay! Những mối tình của Lưu Trọng Lư (kỳ 2): Mây bốn phương trời Bóng giai nhân trong đời nhà thơ Lưu Trọng Lư
Nói vế chuyến đò, chuyến tàu, cũng là một cách nói... Nhưng cũng có một cách nói khác: một chuyện đau qua, lại nảy ra giữa đời một nỗi đau mới. Cuộc đời đang “chuyển bụng”. Cuộc đời bao giờ chả thế: mãi mãi chuyển bụng... đẻ ra những đứa con “sinh đôi” đứa tốt, đứa xấu... Khi chúng nó nhắm mắt ngủ, nhìn thấy đứa nào cũng đẹp, cũng lành, cũng thánh thiện... Nhưng khi chúng nó tỉnh dậy mỗi đứa đi một đường, đời tôi cũng mang dấu vết của nhiều đau thương!
Từ Hà Nội ghé về làng, nơi tôi có cái “đụng chạm thiêng liêng” mà tôi sẽ kể ở chương sau, tôi lại trở ra Hà Nội, lại để làm thơ, làm văn, làm báo. Tôi đã đụng vào cặn bã của xã hội. Không phải những cặn bã ở dưới đáy trồi lên, mà từ trên mặt lắng xuống, những cặn bã của tầng lớp “buôn người mới”, buôn văn chương, buôn đạo lý, buôn “thế thái nhân tình” - giới tôi tiếp xúc nhiều là giới xuất bản, giới buôn văn!
Cũng có những nhà xuất bản tốt, và những nhà xuất bản xấu. Có những người thật lòng giúp đỡ gia đình tôi, nhưng cũng có những kẻ biết che nanh, giấu móng... đón tôi với nụ cười hồ đồ khó hiểu, có người khoác áo “Mạnh Thường Quân”. Chả là lúc bấy giờ sau khi ở Huế tôi cho xuất bản Ngân Sơn tùng thư và bộ ba truyện ngắn của tôi, đã làm cho cụ Phan Khôi và nhiều nhà phê bình trên báo chí chữ Việt và chữ Pháp khen ngợi, nhất là khi anh Nhất Linh đã cho in những bài “Phi lộ” của tôi về “Thơ mới” (kèm theo những bài thơ mới của tôi) trên báo Ngày nay, thì rõ ràng tôi có một cái tên và bắt đầu tôi trở nên một “món hàng”. Tôi đã gặp nhiều người tìm tôi để mua lúa non! (Mua lúa khi mới trổ đòng đòng). Có người đưa cho tôi ba trăm đồng Đông Dương, họ nói: “Gia đình cần mua sắm... ông cầm lấy chút đỉnh...”, tôi đã cầm lấy như cả niềm hạnh phúc bất ngờ trời cho, họ chẳng đòi ở tôi một trang bản thảo nào cả... Họ nói thêm: “Khi hứng ông viết vài câu để lại cho đời”. Với ba trăm đồng tiền trên, cả gia đình tôi cũng sống tàm tạm một năm!
Những đồng tiền “cố nông” như sau này tôi thường nói - “cố nông” là hạng người ở nhà mặc dù rách nát nhưng khi ra chợ thấy con cá chép, con cá tràu béo lạ chìa tiền mua luôn... Những tên địa chủ, phú nông trố mắt nhìn... Cái nhà anh “cố nông” coi đời không có ngày mai...
“Đời buồn lắm mày ơi!” - Có những nhà văn, nhà thơ rủ nhau đi đến tiệm ăn, tiệm hút bằng một câu kêu ca như thế. Và những đêm mưa to gió lớn chúng tôi lại rủ nhau xuống xóm “chị em” nhìn những bàn tay gọt táo và nghe những khúc “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách...”.
Những tên buôn, khi chúng đánh hơi thấy “đồng tiền nhà văn”, sắp “đội nón ra đi”, cái đói, cái thiếu, cái túng đã ngấp nghé bên ngoài cửa sổ, ấy là lúc bắt đầu “thời kỳ những hợp đồng” - những hợp đồng “tiền chao cháo múc”, rồi những hợp đồng giữa sự túng bấn... Đồng tiền giữa con người và ma quỷ! Thời kỳ những “hợp đồng nghiệt ngã!”... Bên những bài thơ trong sạch là một Khói lam chiều, Con voi già của vua Hàm Nghi, Cầu sương điếm cỏ, v.v... lương tâm nhà văn đã qua những bước chán chường, mệt mỏi... Tôi sẵn sàng viết những tiểu thuyết để làm vui lòng những tiểu thư, những “bà lớn”, những cô gái tân thời...
Lúc đó, ở châu Âu, những đội quân phát xít Hít-le đã rầm rập giậm chân trên những biên thuỳ quốc gia lớn bé... Ở Hà Nội quân phát xít Nhật đã đến. Những ngọn đèn dọc phố đã bị che lại. Tôi được người ta yêu cầu dịch những tài liệu chiến tranh, nói về chiến tuyến Ma-gi-nô của Pháp, Xi-éo-rép của Đức Quốc xã. Tiền người ta đưa đã lấy tiêu mà ngòi bút của mình thì cứ chần chờ... Không nộp những trang bản thảo đúng kỳ, tôi suýt bị kiện, bị tống vào nhà giam, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của các nhà báo, nhà văn, của các “Mạnh Thường Quân” già trẻ...
Cả người vợ của tôi lúc bấy giờ cũng không nỡ nhìn tôi loanh quanh với sự bất lực. Nhờ bạn bè giúp, chúng tôi đã mở cửa hàng ở phố Hàng Bông, làm đại lý một hãng bán các loại phấn son của Pháp, của Mỹ. Chả sành nghề, vợ tôi đã thất bại, cũng như tôi đã thất bại... trong cái trò văn chương rẻ tiền làm vừa lòng các cô gái tân thời... Là nhà văn nhà thơ, chúng tôi không phải lúc nào cũng cao khiết.
Nhưng những ngày tháng tiếp theo, hết chuyển nhà từ phố này qua phố khác, từ phố Huế đến Ngã Tư Sở, cam chịu nghèo thiếu mà không dễ dàng tự túc. Chúng tôi đã làm người khách quen dễ sợ của chú “khách” trọc đầu ngồi “ghi-sê” nhà “cầm đồ” ở phố Hàng Chiếu.
Lạy Chúa, những ngày giờ khốn cùng ấy, tôi vẫn tiếp tục nhìn những ánh sao lạc vào cửa sổ và làm những bài thơ, không phải để cầm để bán cho ai, mà là những bài thơ làm đẹp lòng người...
Thủa ấy, những bài thơ của Xuân Diệu đã làm náo động các ký túc xá nam nữ. Xuân Diệu phải làm còm-mi Đoan (sở thuế), Vũ Hoàng Chương làm thanh tra xe lửa, những cái mặt công chức cao cấp đó không phải dễ dàng thêm son phấn cho thơ mình, mà thơ tự nó là “vàng mười” của cuộc sống, chỉ có thơ thật là thơ mới đội mũ vinh quang cho nhà thơ!
Sau này, Mừng kể lại với tôi: “Có lúc em ước mơ một điều tưởng như quái gở thế mà em vẫn tâm niệm: được đi khắp thế giới, được gặp các nhà thơ, những đứa con “cưng” của Thượng đế, được nhìn, được thưởng thức những câu những chữ, mà người thường chưa bao giờ thốt ra! Chính đó là vàng ngọc, thời gian không gì làm hoen rỉ được”.
Vì tình yêu đất nước, tình yêu thiêng liêng của con đối với cha mẹ, tình yêu vợ chồng, tình yêu hoa cỏ trăng sao, v.v... ta đã phong cho họ hai chữ “nhà thơ”.
Vì cái ảo vọng đó, những cô gái nghèo cũng như những tiểu thư, dầu cách li trăm tầng cửa khóa vẫn tìm. Họ bắt gặp chút hương nồng của mơ mộng, của tình yêu...
Họ cũng không biết rằng: có lúc chúng tôi, những nhà thơ giữa đêm rét, không có một thanh củi để sưởi, phải gom góp đốt những tờ báo, những tờ nhật trình. Nếu biết những điều này, họ sẽ cảm thông hơn!
Không phải chỉ có những cô gái khuê các mà cả những chị em bất hạnh ở trên đời cũng muốn gắn mình vào thơ! Đặc biệt với những người bất hạnh này, chúng tôi đã thành một đội ngũ sống bên lề xã hội, những người “cùng một kiếp bên trời lận đận”, cùng hội cùng thuyền, chúng tôi những nhà văn, nhà thơ là con “cưng” của họ. Nguyễn Tuân là “ông hoàng” của chị em! Họ cũng biết chia những đau buồn của chúng tôi, có người trong bọn họ đã nói với chúng tôi: “Nào chỉ phải các anh, chúng em cũng chọn nhầm thế kỷ”. Ấy thế mà trong những ngày túng thiếu của chúng tôi, có một người đàn ông đến tìm tôi tận trên gác xép của Ngã Tư Sở nói: “Thơ văn như thế đã đủ, ông nên chuyển qua một bước ngoặt mới”. Bề ngoài ông ta có vẻ trí thức... nhưng cặp mắt rất sắc, nhanh, thạo làm “áp-phe” trong cái xã hội mới lúc bấy giờ... Hình như trước khi anh Long (tên người đàn ông ấy) đến gặp tôi, anh đã điều tra kỹ cuộc sống của tôi ở Hà Nội. Anh tự giới thiệu anh là hiệu trưởng một trường tiểu học, trường “đạo” của giáo phận Thanh Hóa. Anh mời tôi vào dạy học ở trường ấy, anh hứa với tôi, là anh bảo đảm cho gia đình tôi cuộc sống đầy đủ về vật chất, ổn định về tinh thần. Anh lại bảo: “Tuổi ông không có quyền làm khổ vợ con và đầy đọa thân xác ông nữa...”.
Anh lại còn cho tôi biết: Ở Thanh Hóa nhà Chung sẽ mở một trường Cao đẳng tiểu học, anh sẽ làm hiệu trưởng trường tương lai ấy... anh sẽ gặp Đức cha Đờ-côn-man, mọi sự sẽ trôi chảy. Anh Long nói: “Đức cha mà biết có một nhà thơ như ông sẽ cộng tác với tôi, ngài sẽ rất vui lòng”. Thì ra thế, nhưng ở một trường đạo tôi sẽ dạy gì? Tôi sực nhớ lại sau khi bị đuổi học khỏi trường Quốc học Huế... tôi đến xin học ở trường Pellerin, một trường đạo và học được đúng ba tuần thì tôi tếch... Tôi nhớ, cứ đến giờ toán, thầy giáo vừa đọc xong bài ra, thì độ vài phút sau là ông lấy thước gõ, gõ liên hồi... Thế là học trò đạp nhau đi nộp bài ngay, còn tôi vẫn ngậm bút, chưa viết được một chữ; tôi nghĩ: chịu thôi! Suốt ba tuần, đêm nào, ngày nào cũng đọc kinh, luôn luôn chỉ vào trái tim mình mà thú tội: “Tội của tôi, tội của tôi, tội lớn của tôi; Péché, Péché o mon grand Péché”. Tôi lại nghĩ: Chết thôi, ngày nào cũng đẻ ra tội mà xưng, người ta bắt tôi xưng tội tổ tông... mà tôi chẳng hiểu tổ tông là gì? Tôi nghĩ: Tội của tổ tông thì tổ tông xưng, sao lại bắt tôi xưng? Lại lúc bấy giờ tôi bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế, mà tôi là học sinh được “học bổng”, người ta tung tin nhà trường bắt tôi trả lại hết học bổng mà tôi đã nhận, tôi hoảng... Nhân lúc thấy tôi ốm, rồi thầy tôi mất, tôi liền tếch ra Hà Nội.
Hồm nay anh Long làm tôi hồi tưởng lại những tiếng thước gõ ở trường Pellerin. Tôi mỉm cười nói với anh: “Chịu thôi”. Nào anh có hiểu được... tôi “chịu thôi” là chịu cái gì? Tôi nói chịu thôi là chịu không học, không dạy theo kiểu các trường đạo. Anh ta nói dai như đỉa: Ở Thanh Hóa đời sống ổn định hơn, mà ông vẫn cứ làm thơ... Chắc anh Long cũng không hiểu sâu cái số phận của tôi, dạy ở một trường đạo ra làm sao, tôi đã biết mùi rồi, nhưng cuối cùng tôi cũng không từ chối. Sống trong một trường công giáo đối với tôi thật ra không phải là điều quan trọng. Nếu không vừa ý, tôi lại đi nơi khác... Điều quan trọng lúc này là tôi phải rời Hà Nội vào Thanh Hóa... nơi có anh bạn Bửu Tuất. Anh Tuất đóng trụ sở chính tại Thanh Hóa, vẫn còn bên anh chiếc xe con và trong xe, hẳn còn nguyên đó... chõ ngồi của tôi. Lại có những chuyến đi...
Thanh Hóa còn là nơi đóng đô của người “xê dịch” Nguyễn Tuân, tôi không hiểu sao số mệnh lại “vất” hắn vào đời tôi... Nếu có vài điểm giống giữa hắn và tôi, đại để thì tôi là cái mặt trái của Nguyễn Tuân và ngược lại... Chỗ Tuân rộng lượng dung tha thì tôi ích kỷ; chỗ Tuân ích kỷ thì tôi dung tha. Nhưng hắn là một trong số người tôi không thể thiếu được. Tôi vốn ăn thế nào, mặc thế nào cũng được, trái lại Nguyễn Tuân ăn theo kiểu Tản Đà, chỗ ở phải là tổ của phượng hoàng và mặc thì phải như ông hoàng tây. Một nghệ sỹ vốn nòi giống “ưu du”. Có những lúc giữa hai chúng tôi có những cuộc xung đột ngấm ngầm ghê gớm! Một bữa tiệc, của những người “bạn lớn”, trên bàn đầy rượu; tôi vốn không uống rượu, chỉ uống khi tôi thích và uống xong tìm chỗ ngủ, chờ ai đó vạch lên trán một vạch vôi... đến khi tỉnh rồi, thì tôi chỉ còn là một người thường, chả gì hấp dẫn nữa. Lúc bữa tiệc bắt đầu... trước mặt người khách, một cái bát không để nguyên không ai đụng tới, tôi là người đến để ăn. Thấy tôi tự xới cơm, mặt Tuân đỏ lên; tôi bảo: Chưa uống mà đã đỏ đến thế rồi ư? Tôi tiếp tục bữa cơm của tôi còn Tuân vùng vằng, quay mặt đi rồi cuối cùng quay mặt lại, cụng chén với ai cụng chén. Nhiều ngày sau chúng tôi lại gặp nhau, và “hắn vẫn là hắn” mà hắn lại chẳng chịu tôi là tôi. Tuân cứ trách tôi ăn mặc quá tùy tiện, nhưng cũng có lúc chúng tôi phải nhân nhượng nhau. Qụả thật tôi ăn mặc quá tùy tiện, hắn đã dạy tôi: “Thôi thì tùy tiện mấy cũng được, cái áo, cái quần của mày có thể nhàu nếp, tóc có thể rối bồng... mày có thể ngồi xuống cỏ, xuống đất mà chén cũng không sao... Nhưng phải giữ cái cổ áo sơ mi cho trắng, cái cờ-ra-vát phải hợp mốt, đôi bít tất đừng để rách, và giày đừng để vẹt gót, dây giày phải thắt hết nút và nhất là mũi giày da thật bóng loáng người ta có thể soi mặt vào đó được...”
Trong phong trần mà giữ được vẻ cao sang là thế đấy. Tôi cũng chả thèm cãi, vì tôi là tôi. Trước cách mạng, chúng tôi rất khác nhau, mà sao vẫn “cặp kè” nhau, nhất là những đêm mưa to gió lớn, chúng tôi không thể đóng cửa trùm chăn... Văn chương của tôi, Tuân cũng chả thú gì, thơ tôi hắn không thuộc một câu nào. Có lẽ chỉ đoạn văn trong Dòng họ (hồi ký của tôi) hắn còn tủm tỉm cười khi nhắc đến đoạn “trong buổi kinh chiều xóm Thanh Lãng, thầy tôi tìm đến ông bạn già nói với nhau vài câu cợt nhả”. Còn Vang bóng một thời của Tuân, đối với tôi chỉ là loại văn chương nửa ta nửa Tàu, lổm cổm, cầu kỳ.
Sau cách mạng, tôi vẫn là đứa “chồm chồm”, Tuân vẫn là “thằng ngất ngưởng” không thể ngồi bên nhau lâu... Mặc dầu tôi vẫn phục hắn là tay sành ngôn ngữ. Hắn xử ngôn ngữ như những mũi tên. Sau này hắn đã xỉa vào đầu thằng cướp Mỹ những mũi tên sắc bén có tẩm độc. Còn thủa ấy, trước cách mạng, Tuân đang trấn ở tỉnh Thanh Hóa! Tôi muốn về Thanh vì Tuân với Tuất, còn một lẽ nữa: Thanh Thủy vợ tôi lúc bấy giờ có người chị ruột lấy chồng là “thư ký” ở sở Cẩm Thanh Hóa. Anh Hà là con trai của ông Nguyễn Hiệu, một nhà khoa bảng, cầm đầu phong trào Cần Vương ở Quảng Nam và đã bị Tây chém, người anh em “cọc chèo” với tôi tuy được làm công chức, nhưng vẫn bị “nhà nước Pháp” nhìn với cách nhìn nào đó... Nhà anh chị Hà khá rộng, chúng tôi có thể cùng ở chung với gia đình anh chị được. Về Thanh Hóa tôi được nhà Chung Thanh Hóa chấp nhận là thầy giáo ở một lớp trong trường, ngoài ra tôi còn được một trường Cao đẳng tiểu học (tư thục) gọi là trường Bắc An Nam mời tới dạy, mỗi tuần mấy giờ. Anh Long hết sức săn sóc gia đình tôi, có thể nói những ngày tháng ở Thanh Hóa, chúng tôi đã sống một cuộc đời ổn định, về mặt tinh thần và cả vật chất. Chúng tôi sống giữa xóm công chức... và thật sung sướng, bề ngoài có thể tôi là một công chức... ngày đi ra đường, tôi có đội mũ phớt, đêm tìm tới nhà nào đó đánh mạt chược. Tối thứ bảy hay ngày chủ nhật, ngày lẽ... nhà chúng tôi là nơi quây quần của đám công chức tỉnh lẻ. Vợ tôi tham gia đánh bài tứ sắc, và tôi cũng có khi ngồi rìa. Anh Long lại dẫn tôi đến gặp Đức cha Đờ-côn-man. Hẳn là khi nhà Chung mở thêm những lớp Cao đẳng tiểu học, tôi lại được dạy nhiều giờ. Đời sống khấm khá hơn, cứ nhìn vào đôi mắt của vợ tôi... So với thời ở Hà Nội có chút gì yên ổn hơn, nhưng chúng tôi vẫn luyến tiếc nhớ một cái gì ở ngoài ấy. Có lẽ nào tôi dễ dàng trở nên một viên chức? Một điều mà từ bé đến lớn khôn, tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Lúc bảy, tám tuổi sau khi mẹ tôi mất, tôi vẫn cùng mấy đứa bé trong xóm, sục sạo, leo trèo bắt tổ chim, chạy ngoài đồng... Áo quần lem luốc, lại đến khi thầy tôi mất... tôi lại chẳng khác nào một đứa bé con hoang, một con chim sổ lồng.
Đến khi làm thơ, viết báo, thì hồn tôi lúc này một lần nữa thêm lông bông. Còn có sợi dây nào buộc nổi chân tồi? Những ngày ở Thanh Hóa, tôi xem như những ngày nghỉ “cánh”: tôi chưa bán, cũng chưa bao giờ định bán cho ai cái “cốt cách giang hồ”. Bửu Tuất vẫn còn những “chuyến đi” đầy lý thú. Những chuyến đi từ Đạm Thủy đến châu Hòa Lạc. Vẫn có những “Đêm xòe”, rượu cần, cạnh nàng “tiên nâu” do các ông quan thết đãi... Và Nguyễn Tuân nhà cách nhà tôi mấy phố, Nguyễn Tuân có một “thư trang” có gia đình ở tỉnh Thanh, Nguyễn Tuân người không biết từ lúc nào sáng tạo ra hai chữ “xê dịch” thay cho hai chữ “giang hồ” của tôi... Tôi quên sao được cái chiều hôm ấy hoàng hôn... Tuân kéo tôi đi, bất chấp sự phản đối của vợ tôi. Đi đâu? Tuân không cho tôi biết, mà tôi cũng chả đoán được! Tuân kéo tôi lên một góc thành Thanh Hóa kiểu xây như thành Hà Nội. Tuân chọn một góc thành, Tuân đưa ra một chai rượu mạnh của Pháp, rượu “rum”. Tôi uống bằng nắp chai, còn hắn thì dốc hẳn chai vào miệng ừng ực, hắn nhìn vào phía tường còn ánh nắng, một làn mây đang bay nhanh. Thế là tôi cũng uống rượu, cũng nhìn với hắn, nhìn theo mắt hắn, tên giang hồ hụt. Sao mà mặt mày hắn hào hùng thế?
Sau buổi uống rượu, nhìn mây ở một góc thành tỉnh Thanh, lại một lần nữa, hắn nhận được một món tiền nhuận bút, kéo tôi đi vào tận Qụỳnh Lưu. Ai cũng biết hồi đó có một tên Tri phủ khét tiếng chọc tiết máu người... Mỗi lần được thăng chức, là hắn đòi những cô đào đẹp nhất vùng vào tận phủ đường phục vụ hắn. Chúng tôi vào Quỳnh Lưu, một “xóm”, đúng lúc có trát quan đòi, với những khách như chúng tôi “các chị em” dẫu chưa quen, đã là “thân quen”, đã “cùng một kiếp bên trời lận đận”... Những chị em tài ba có nhan sắc... thấy chúng tôi tới thăm rất mừng, thấy quan đòi cũng sợ. Nhưng với cái mũi dùi xuyên tâm, cái tài kể chuyện của Tuân không phải một hôm, mà ba hôm liền, chúng tôi đã giữ lại những chị em đẹp nhất... chỉ buông cho tên Tri phủ uy quyền kia vài chị em chưa sạch mặt đi thay cho những kẻ có tài hoa. Chúng tôi không mất một đồng tiền mà chị em vẫn quấn quít bên chúng tôi. Và trong một trận đánh không giáp mặt, không gươm đao, chúng tôi đã thắng. Tuân nói: “Từ ngoài Hà Nội, chúng ta vẫn trấn các địa phương”. Cũng như bao giờ, chúng tôi vẫn đến với những con người bất hạnh nghèo túng, chúng tôi đến với sự mến thương chân thành. Tuân là người đánh trống cự phách, mắt Tuân sắc, tướng Tuân oai, đôi tay Tuân dẻo. Tuân là một sự hấp dẫn đối với những người này.
Một chút sóng gió vẫn tạm yên trong lòng, một cuộc sống im lặng ở tỉnh lẻ này, nhưng trong mức độ nào còn giữ lại cái chút “động lòng bốn phương” của những người “xê dịch”?
Thế rồi một hôm, vào buổi chiều (tôi quên ngày tháng) tôi đang dạy một bài sử Việt Nam ở lớp đệ tam trường Bắc An Nam, mà hiệu trưởng Phùng Văn Lau cũng là người bạn của tôi, thì người lính lệ đưa cho tôi cái lệnh của ông Chu Ngọc Liễn, bang tá, một tay có học, anh ruột của nhà viết kịch Chu Ngọc…
Tôi ngơ ngác, sau anh Phùng Văn Lau giải thích với tôi: có lệnh trên, tôi bị giải hồi nguyên quán là bị giải về quê tôi ở tỉnh Quảng Bình. Tôi nhìn đám học sinh bàng hoàng như muốn hỏi: nào trong giờ dạy sử Việt Nam, tôi có một câu nào thúc giục các em đứng lên... đuổi giặc Pháp không? Trong đám học sinh có em nhìn tôi, thương cảm, có em cúi đầu để giấu một giọt nước mắt, người ta còng tay tôi trước mặt học sinh và người hiệu trưởng.
Tôi bước ra khỏi lớp học... nghe như tiếng sách sột soạt kêu khi xếp lại đống một lúc để tiễn tôi. Tôi bị giải về Sở Cẩm, nơi người anh “cọc chèo” của tôi đang làm thư ký cùng với ông Quản Dương là người đồng thủ trưởng của Sở Cẩm. Đêm ấy, tôi được ăn một bữa cơm tù và bị giam ngay trong phòng giam của Sở Cẩm... Khuya, người anh em “cọc chèo” mới vào thăm tôi, mang cho tôi ít tiền. Vì có mặt bọn lính, anh ấy chỉ nháy mắt với tôi như bảo: anh đã hiểu vì lẽ gì, tôi đã bị bắt... Tôi nghĩ rằng: Anh Long có vào gặp Đức cha Đờ-côn-man, chỉ có ông này mới có thể can thiệp được. Tôi sực nhớ trước đây không lâu trường Cao đẳng tiểu học tư thục Lam Sơn ở tỉnh Thanh tạm thời bị đóng cửa vì trường có khuynh hướng cộng sản. Thế mà tôi chưa bao giờ được may mắn hiểu thế nào là chủ nghĩa cộng sản!
Bao nhiêu câu hỏi tôi tự đặt ra thật khó giải đáp. Có lẽ do được tin trường Cao đẳng Lam Sơn bị đột ngột đóng cửa, nhà Chung chưa kịp thời phải chuẩn bị ngay, mở gấp những lớp cao đẳng tiểu học để đón lấy các học sinh đang bị rơi vào cảnh lêu lổng không nơi học. Anh Long hỏi ý tôi: “Nên thế nào?”. Tôi chỉ nói: Ai lại thế, các anh bên Lam Sơn dầu sao cũng là bạn quen của mình, thừa lúc người ta bị hất cẳng mình nhẩy vào đón “khách hàng” sao tiện? Anh Long hoàn toàn đồng ý với tôi và đã gặp các cha lãnh đạo ở nhà Chung, lấy lý do là chuẩn bị không kịp, phải đợi nghỉ hè xong mới mở... Có lẽ nào điều này đã đưa đến “họa” cho tôi? Tôi khó tin, nhưng vì lẽ gì tôi bị đuổi khỏi đất này? Tôi cố nhớ lại những giờ dạy ở các lớp... tôi có buộc lỗi của Mẫu quốc, ném một câu, một chữ bất lợi cho tôi? Hay là tên Tri phủ Hồ Mậu Trinh, một con cưng, một đầy tớ trung thành của Pháp đã ghi tên tôi vào cuốn sổ đen của hắn. Lại cái tên bang tá trí thức đã từng ngồi với tôi ở bàn mạt chược, nhân đây muốn có chút tâng công - vì lẽ này lẽ nọ hay tất cả những lẽ ấy cộng lại làm nên cái “thải hồi nguyên quán” của tôi. Thải hồi một con nai hiền lành mà chính quyền Pháp phải mất công đến thế?
Ngày hôm sau, vào giờ xe lửa tốc hành đến ga Thanh, tôi lại được “còng tay”. Vợ tôi và đứa con trai đầu lên sáu, không kịp lên ga tiễn tôi!
Lại một chuyến tàu, muốn mang tôi đến đâu thì đến. Tôi chẳng mỉm cười với số phận mà cũng chẳng khóc với nó! Chỉ thương người vợ trẻ và đứa con thơ đã “vô cớ” tạm thời tách ra khỏi chuyến tàu cô đơn của tôi. Đến ga Thuận Lý, tôi bị dẫn lên tỉnh lỵ Đồng Hới, được lệnh trên họ dẫn tôi đến Tòa sứ, và sẽ được trực tiếp gặp Công sứ tỉnh tên là Gây-hay Đuy-ken-ne. Tôi chuẩn bị để đối đáp với ông ta. Tôi sẽ trình bày hết sự việc đã xảy ra. Ông Công sứ thoạt thấy tôi, đứng lên bắt tay, nhìn tôi có vẻ như cười cười. Ông nhìn tôi như một thanh niên quá trẻ, tôi toan trình bày... Nhưng ông xua tay nói: “Gia đình anh, tôi biết rõ, có lẽ ông La-gờ-re-đơ muốn cho ông về lại tỉnh nhà... để được tỉnh nhà săn sóc chu đáo hơn”. Ông ta nói tiếp: Tôi hiểu, ông thân sinh ra ông là một cố vấn tỉnh được trọng vọng... Nhìn tận mắt tên công sứ này, tôi nhớ lại hồi thầy tôi mất, quan tài quàn tại nhà, mặc dù trên bốn mươi cây số, ông ấy đã đến từ biệt thầy tôi lần cuối cùng. Bấy giờ anh em chúng tôi mặc áo sô, đầu đội mũ rơm, chống gậy tre, chúng tôi cúi rạp, đầu gối quỳ xuống đất, rồi lại chống gậy cúi đầu đáp lễ, cái ông công sứ người Pháp...
Cái câu: “Về đây để được săn sóc chu đáo hơn!” thật là ngọt như mía lùi. Nhìn lại cổ tay đang còn dấu ấn của cái “cùm”, tôi vội cướp lời: Thưa ngài tôi muốn đi đâu cũng tùy ý chứ? Ông Công sứ cười: Vâng, ông muốn đi vào Nam ra Bắc, đi đâu tùy ý, chỉ trừ việc trở lại đất Thanh Hóa của ông La-gờ-re-đơ...
Dầu sao thì tôi cũng cám ơn ông Công sứ có những lời đẹp đẽ nói với tôi. Tiếng Pháp không thiếu những từ đẹp. Tôi không về thẳng làng, cách tỉnh lỵ 40 cây số. Tôi như bay giữa thị xã Đồng Hới, con chim vừa thoát ra khỏi lồng, nơi tôi đã ở học gần hai năm trời hồi nhỏ.
Tuy là con quan, nhưng là quan nghèo, ở lớp nhì, lớp nhất, tôi được học bổng mỗi tháng hai đồng Đông Dương, đủ nuôi tôi, nhớ mãi cái dáng dấp rụt rè của người học trò nghèo lại học giỏi, được thầy cưng. Lúc bấy giờ hay cụ Phan về nước, từ Nam chí Bắc những cậu học trò, lớn có bé có, đều sôi động hẳn lên, tôi được cô giáo Trâm, một cô giáo có tư tưởng mới, gọi tới nhà cùng một số học trò khác đêm đêm cô dẫn ra tận động cát Nhật Lệ. Trời tối đen như mực, biển thì cứ gào không biết mỏi... Cô xúc động cứ nói, chúng tôi chả nhớ rõ cô nói những gì, chúng tồi cứ im lặng lắng nghe, cô vừa nói vừa khóc, chúng tôi cùng gục vào vai nhau mà khóc to!
Lòng yêu nước lúc bấy giờ đối với chúng tôi là thế, nhưng sau hai mươi năm, chả hiểu vì sao, tôi đã bị cùm tay, lãnh cái án gọi là “thải hồi nguyên quán”.
Hôm nay một mình ngồi đây trên động cát, trước mặt sóng biển cứ gào... Rồi sau đây tôi sẽ làm gì? Ở đâu, hỡi cái gọi là “định mệnh”, cái gọi là chính quyền Pháp, cái gọi là “Mẫu quốc”. Hỡi người vợ trẻ, đứa con thơ của tôi, tôi chờ cái gì đây?
Lại nhớ những năm cuối thập kỷ hai mươi, lúc ấy tôi đang học trường tư ở Hà Nội, trọ ở nhà 42 Hàng Đồng, nghe một tiếng bom nổ, do Ký Con vất ở bót Hàng Đậu. Rồi một đêm khác, mười ba anh hùng Yên Bái lên đoạn đầu đài. Cô Giang cô Bắc, người bị bắt, người tự tử, rồi “Xô Viết Nghệ Tĩnh” bị đàn áp mà tôi chẳng kịp hiểu “chủ nghĩa cộng sản” là thế nào? Một tâm trạng chán chường đã dẫn vào tôi cái nghiệp làm văn, làm báo, dạy học tư... Những nghề được gọi là “nghề tự do” đấy! Tự do ư? Tôi chỉ là con chim được tự do bay trong cái lồng. Rã cánh, trầy lông vẫn cứ mãi bay!
Lưu Trọng Lư (Trích “ Lưu Trọng Lưu tác phẩm”)