Đây là ca ghép gan không phải là do teo đường mật như các ca khác, bệnh nhi bị xơ gan và có những bất thường về mạch máu, nếu không xử lý kịp thời có thể tử vong.
Thông tin Y học

Lần đầu tiên thực hiện ca ghép gan có bất thường về mạch máu

Hồ Quang 10/07/2024 21:30

Đây là ca ghép gan không phải là do teo đường mật như các ca khác, bệnh nhi bị xơ gan và có những bất thường về mạch máu, nếu không xử lý kịp thời có thể tử vong.

Chiều 10.7, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay, các bác sĩ ở đây vừa thực hiện thành công ca ghép gan cho bé gái 3 tuổi có những bất thường về mạch máu.

Ghép gan cho bệnh nhi bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch cửa dưới

Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó khoa Gan mật tụy và ghép gan - cho biết ca ghép gan này được thực hiện vào ngày 1.7. Sau 24 giờ sau ghép, bệnh nhi đã được rút ống thở và tự thở oxy qua mũi. Sau 1 tuần ghép, bé khỏe mạnh, có thể ăn uống bằng đường miệng. “Hiện bé đã ăn uống hoàn toàn qua đường miệng, không cần hỗ trợ qua đường tĩnh mạch”, bác sĩ Khánh thông tin.

lan-dau-tien-viet-nam-thuc-hien-thnahc-ong-ca-ghep-gan-co-bat-thuong-ve-mach-mau-hinh-anh.png
Bệnh nhi có những bất thường về mạch máu được ghép gan thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Khánh, đây là ca ghép gan có bệnh lý nền khá đặc biệt so với các ca ghép gan khác, bệnh nhi cũng không mắc phải bệnh teo đường mật.

Bệnh nhi bị tắc tĩnh mạch chi dưới từ lúc 18 tháng tuổi. Từ năm 2023 đến nay, bé thường bị nôn ói, đi tiêu phân đen, xuất huyết tiêu hóa và phải truyền máu với lượng lớn, mỗi lần truyền hơn 600ml. Do đó, bệnh nhân phải thường xuyên nhập viện.

Qua kiểm tra cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch cửa dưới, độ dài khoảng 3cm. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhi bị xơ gan.

“Bệnh nhi này có những biến chứng cần phải can thiệp, trong đó có xuất huyết tiêu hóa lượng lớn, rối loạn đông máu, suy dinh dưỡng…Tất cả những biến chứng này dẫn đến chất lượng cuộc sống của bé suy giảm nhiều. Nếu những biến chứng trên không được giải quyết, bệnh nhi sẽ tử vong”, bác sĩ Khánh cho biết.

Trước tình hình trên, khoa Gan mật tụy và ghép gan đã phối hợp với các chuyên khoa khác của bệnh viện để đưa ra phương pháp điều trị. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị nội khoa bảo tồn, cố gắng ít xâm lấn nhất có thể.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng phân tích, tìm nguyên nhân gây ra những biến chứng trên. Đến cuối năm 2023 đầu năm 2024, bệnh nhi có dấu hiệu suy gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt. “Sau khi họp ê kíp lại chúng tôi quyết định ghép gan cho bệnh nhi”, bác sĩ Khánh cho biết.

Bác sĩ Khánh đánh giá đây là ca ghép gan có những khác biệt về bệnh nền so với các ca trước như: bất thường về mạch máu và những nguy cơ, nhất là huyết khối sau ghép. Đây là một tai biến rất nặng, có thể hư nguyên lá gan và phải thay gan khác.

“Khi có nguy cơ huyết khối như vậy, chúng tôi phải sử dụng thuốc kháng đông sau khi ghép. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng đông sau ghép lại có nguy cơ xuất huyết, ảnh hưởng đến tiên lượng cuộc ghép. Ở bệnh nhi này bị tắc hoàn toàn mạch máu, các mạch máu đại thể xuất hiện để bù trừ lại dẫn đến việc bóc tách gặp khó khăn. Đồng thời những bất thường ở mạch máu cũng gây khó khăn trong việc ghép gan so với các cách thông thường khác. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải có sự tinh tế trong quá trình ghép để làm sao cho bệnh nhân được an toàn”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Sẽ ghép gan cho bệnh nhân ung thư vào tháng 8 tới

TS-BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là ca ghép gan thứ 36 mà bệnh viện này thực hiện và là ca ghép gan thứ 2 mà bệnh nhi không phải mắc bệnh teo đường mật như các ca ghép gan khác. “Đây là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân có những bất thường về mạch máu”, bác sĩ Thạch nói.

Theo bác sĩ Thạch, công tác ghép tạng của bệnh viện trong thời gian qua luôn gắn liền với các chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ. Công tác ghép tạng đòi hỏi phải có sự chia sẻ, hợp tác để có những công nghệ ghép cũng như xử lý những biến chứng sau ghép nhằm giúp cho bệnh nhi ghép tạng được tốt nhất.

Bác sĩ Thạch cho biết hiện nay nhu cầu ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là rất lớn. Hiện số lượng bệnh nhân có nhu cầu ghép gan ở bệnh viện này là 200 ca và bệnh nhân đang chờ ghép là khoảng 20 ca.

“Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, nếu không ghép chúng ta có những phương pháp thay thế khác như chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc; còn đối với suy gan giai đoạn cuối là chúng ta phải chạy đua với thời gian để ghép gan, nếu không kịp thời là bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Thạch nói.

Ghép gan được bắt đầu tại Việt Nam từ năm 2004 và tại TP.HCM là vào năm 2005. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài, mỗi năm chỉ ghép được 1 ca. Đến năm 2020, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 mỗi năm thực hiện đến 13 ca ghép gan. Đây là 1 trong 2 đơn vị cả nước có số lượng ca ghép gan cao nhất cả nước.

“Nếu không có gì thay đổi, đến dịp ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.2025), bệnh viện sẽ đạt 50 ca ghép gan. Như vậy, từ nay đến đó bệnh viện sẽ phải thực hiện thêm 14 ca ghép gan nữa”, bác sĩ Thạch cho biết.

TS-BS Trần Thanh Trí - Trưởng khoa Gan mật tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, việc ghép gan hiện nay tại bệnh viện chỉ là mới bắt đầu, cần phải tăng số ca ghép nhiều hơn nữa, mở rộng chỉ định ghép gan đối với những ca khó hơn nữa để có thể cứu được nhiều bệnh nhi. “Trong tháng 8 tới chúng tôi sẽ thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhi ung thư gan. Đây sẽ là trường hợp ung thư gan đầu tiên được bệnh viện ghép gan”, bác sĩ Trí thông tin.

Tuy nhiên, bác sĩ Thạch lo lắng nguồn tạng để ghép gan hiện nay còn quá hạn chế. Trong toàn bộ 36 ca ghép gan đến nay toàn là đến từ người cho còn sống, chưa có ca ghép nào từ nguồn tạng người cho chết não như các trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới.

“Chúng tôi hy vọng với nhận thức và hiểu biết của cộng đồng, sự san sẻ để giúp cho nguồn tạng từ người cho chết não ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu của các trung tâm ghép. Đối với trẻ em cũng rất cần nguồn tạng từ người cho dưới 18 tuổi, vì dù sao nguồn tạng này còn phát triển thêm và phù hợp hơn với trẻ em”, bác sĩ Thạch mong muốn.

Bài liên quan
Lần đầu tiên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tự thực hiện kỹ thuật ghép gan
Dù đã 2 năm thực hiện kỹ thuật ghép gan, nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đều phải nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, nhưng lần này các bác sĩ ở đây đã “tự thân vận động” và thực hiện thành công cùng lúc 2 ca ghép gan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
43 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu tiên thực hiện ca ghép gan có bất thường về mạch máu