Các quan chức Trung Quốc hôm 29.3 cho biết H&M (Thụy Điển) và các công ty nước ngoài khác không nên có động thái hấp tấp hoặc tham gia chính trị qua việc nêu quan ngại về tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương, gây ra phản ứng dữ dội trên mạng và bị tẩy chay.
H&M (Hennes & Mauritz) là công ty đa quốc gia của Thụy Điển, nổi tiếng với mặt hàng thời trang giá rẻ dành cho nam giới, phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em. H&M và các nhãn hiệu trực thuộc hoạt động tại 68 quốc gia với hơn 4.500 cửa hàng.
H&M, Burberry, Nike, Adidas và các thương hiệu phương Tây khác đã bị ảnh hưởng bởi sự tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc kể từ tuần trước vì những bình luận về nguồn cung cấp bông ở Tân Cương. Sự rạn nứt ngày càng leo thang khi Mỹ và các chính phủ phương Tây khác gia tăng áp lực lên Trung Quốc về các hành vi vi phạm nhân quyền bị nghi ngờ ở Tân Cương.
"Tôi không nghĩ một công ty nên chính trị hóa hành vi kinh tế của mình. Liệu H&M có thể tiếp tục kiếm tiền tại thị trường Trung Quốc? Không còn nữa”, Xu Guixiang, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương, cho biết tại một cuộc họp báo vào sáng 29.3.
“Việc vội vàng đưa ra quyết định này và vướng vào các chế tài là không hợp lý. Nó giống như nâng một hòn đá để thả nó xuống chính đôi chân của mình”, ông Xu Guixiang nói thêm.
H&M không trả lời khi được đề nghị bình luận.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tuần trước đã bắt đầu lan truyền tuyên bố năm 2020 của H&M rằng họ sẽ không cung cấp sản phẩm có bông từ Tân Cương nữa.
Vào thời điểm đó, H&M nói quyết định này là do những khó khăn trong việc tiến hành thẩm định đáng tin cậy ở Tân Cương khi các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền đưa tin về việc sử dụng lao động bị cưỡng bức tại khu vực này - cáo buộc mà Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận.
Để đối phó với sự phẫn nộ, hôm 24.3, H&M Trung Quốc cho biết “không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào", tôn trọng người tiêu dùng và cam kết đầu tư, phát triển lâu dài tại nước này.
Thế nhưng đến sáng 25.3, H&M đã không tồn tại trên một số bản đồ định vị cửa hàng Trung Quốc. Tìm kiếm các cửa hàng H&M trên Baidu Maps không mang lại kết quả nào. Không thể truy cập được cửa hàng chính thức của nhà bán lẻ quần áo Thụy Điển trên Tmall, nền tảng thương mại điện tử của Alibaba.
Một cửa hàng bách hóa ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, thông báo đã đóng cửa một bộ phận H&M và yêu cầu công ty xin lỗi vì đã "tung tin đồn", làm tổn hại đến lợi ích của khu vực và Trung Quốc.
Elijan Anayat, phát ngôn viên khác của chính quyền Tân Cương, nói trong cuộc họp báo hôm 29.3 rằng người Trung Quốc không muốn các công ty như H&M hay Nike tẩy chay vải bông của Tân Cương. Elijan Anayat nói rằng ông sẽ hoan nghênh các công ty tham gia các chuyến đi đến các cánh đồng bông trong khu vực Tân Cương để tận mắt chứng kiến.
Hôm 26.3, Mỹ lên án chiến dịch truyền thông xã hội do nhà nước Trung Quốc phát động chống lại các công ty Mỹ và quốc tế khác vì cam kết không sử dụng bông từ Tân Cương.
Làn sóng tẩy chay của người Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ, Anh, Canada, Liên minh châu Âu thực hiện các biện pháp phối hợp trừng phạt các quan chức Trung Quốc vào tuần trước vì cáo buộc vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương. Chính phủ Mỹ đã công khai cáo buộc Trung Quốc diệt chủng với người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Xu Guixiang liên tục bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Không những thế, ông tố các cường quốc phương Tây tham gia thao túng chính trị để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.
Xu Guixiang nói: “Họ đã đánh mất lý trí và lương tâm của mình, họ hăng hái với việc thao túng chính trị và lạm dụng các biện pháp trừng phạt, đến mức quá khích”.
Trong khi Elijan Anayat cho hay: "Mục đích thực sự của họ khi bịa đặt vấn đề diệt chủng là phá vỡ an ninh và ổn định ở Trung Quốc".
Vào tháng 1.2021, Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương do cáo buộc cưỡng bức lao động với những người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ.
Các chính phủ phương Tây và các nhóm nhân quyền trước đây đã cáo buộc chính quyền khu vực viễn tây Trung Quốc giam giữ, tra tấn người Duy Ngô Nhĩ trong các trại, nơi một số cựu tù nhân cho biết phải chịu sự truyền bá tư tưởng.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc như vậy, nói rằng các trại này là để đào tạo nghề và chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.