Nhiều quy định mới tăng cường quyền hạn cho cảnh sát Hồng Kông đã được ban hành tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Bảo vệ an ninh quốc gia do Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga chủ trì.
Quy định mới vẫn yêu cầu xin lệnh khám xét chỗ ở từ tòa án, nhưng trong trường hợp đặc biệt thì sĩ quan cảnh sát cấp bậc từ trợ lý thanh tra trở lên có thể ủy quyền nhân viên tiến hành khám xét không cần lệnh.
Để tránh nghi phạm đang chịu điều tra chạy ra nước ngoài, cảnh sát có thể xin lệnh tòa án đề nghị phải giao nộp toàn bộ giấy tờ đi lại. Còn quan chức đứng đầu lực lượng an ninh đặc khu cũng có thể xin lệnh đóng băng hoặc tịch thu tài sản thuộc về nghi phạm. Bất cứ ai biết tài sản nào đó liên quan đến hành vi vi phạm các tội nêu trong luật an ninh có nghĩa vụ báo cáo cho cảnh sát, đồng thời không được tiết lộ thông tin làm ảnh hưởng quá trình điều tra.
Các công ty internet/cá nhân phải xóa thông điệp hoặc thông tin trực tiếp có thể bị xem là mối đe dọa với an ninh quốc gia, hay chặn cá nhân/đơn vị khác tiếp cận thông tin đó. Nếu không hợp tác, cảnh sát sẽ xin lệnh tòa án tịch thu thiết bị điện tử đáng nghi. Mức án cho những ai từ chối chấp hành là 100.000 HKD và 1 năm tù giam.
Quy định không đề cập trường hợp thông tin mà cảnh sát muốn thu giữ nằm ở máy chủ nước ngoài, chỉ nói rằng nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ nếu không hỗ trợ có thể bị phạt 100.000 HKD và 6 tháng tù giam.
Một quy định khác cho phép quan chức đứng đầu lực lượng an ninh đặc khu ra lệnh cho nhóm chính trị ở Đài Loan lẫn nước ngoài cung cấp thông tin về hoạt động, cá nhân cụ thể nào đó, tài sản, thu nhập cùng nguồn thu nhập, chi tiêu của một tổ chức ở Hồng Kông mà họ có liên quan đến.
Không tuân thủ sẽ bị phạt 100.000 HKD và 6 tháng tù giam. Cung cấp thông tin sai là phạm tội, chịu phạt 100.000 HKD và án tù 2 năm.
Theo những quy định mới, tất cả hoạt động chặn thông tin hay giám sát bí mật cần được Đặc khu trưởng cho phép mới thực hiện.
Luật sư người Hồng Kông Anson Wong Yu-yat đánh giá những quy định mới còn đáng sợ hơn luật an ninh vì chúng trao cho cảnh sát quyền hạn xâm phạm nhân quyền lẫn quyền tự do ngôn luận vốn được cơ quan tư pháp bảo vệ.
Còn cố vấn pháp lý Alan Wong Hok-ming nhận xét vài quy định khá mơ hồ, tạo điều kiện cho cảnh sát lợi dụng lý do bảo vệ an ninh quốc gia để hành động.
Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội Công nghệ thông tin Hồng Kông Francis Fong Po-kiu, quy định mới đem đến nguy cơ cảnh sát tiếp cận thông tin của tất cả doanh nghiệp đặt trụ sở tại đặc khu.
Cẩm Bình (theo SCMP)