Khi cố gắng bắt kịp công ty dẫn đầu về ô tô điện như Tesla và BYD, các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang dựa vào đội đua giải Formula E của họ để tìm kiếm những sự đổi mới nhằm tạo ra những chiếc xe điện được sản xuất hàng loạt tốt hơn với phạm vi hoạt động và hiệu suất cao hơn hoặc giá thấp hơn.
Formula E là giải đua thể thao dành cho các ô tô điện, được thiết kế như một sân chơi cho việc phát triển, thử nghiệm công nghệ mới trong lĩnh vực ô tô điện và là một phần của nỗ lực chung để thúc đẩy sự chuyển đổi từ ô tô chạy bằng động cơ đốt trong sang xe điện. Cuộc đua Formula E chủ yếu diễn ra trên các đường đua đô thị và là nền tảng quan trọng để nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới liên quan đến xe điện.
Mùa giải đầu tiên của Formula E diễn ra vào năm 2014. Không giống Formula One (F1), vốn tổ chức ở các trường đua, Formula E diễn ra tại các thành phố lớn trên thế giới như Hồng Kông, Montreal, Santiago, Sao Paolo, Rome, Zurich.
Formula E đến nay vẫn phải vật lộn để thu hút nhiều người hâm mộ đua xe thể thao vì ô tô điện thiếu công suất bền bỉ và không có tiếng ồn như động cơ đốt trong, trong khi F1 thu hút lượng khán giả lớn hơn đáng kể.
Thế nhưng, các hãng sản xuất ô tô truyền thống với đội ngũ đua xe điện cho biết cuộc đua tối đa hóa hoặc tái tạo năng lượng giúp họ phát triển động cơ, biến tần hiệu quả hơn cùng phần mềm để nâng cao hiệu suất và tầm hoạt động. Xe điện ở Formula E chỉ bắt đầu cuộc đua với 60% dung lượng pin cần thiết và phải tái tạo phần còn lại thông qua phanh.
Trong quá trình chuyển đổi sang xe điện, những mẫu ô tô thể thao mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hoặc những mẫu xe phổ thông với giá cả phải chăng hơn, có khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua tương ứng.
Tata Motors, đơn vị của hãng Jaguar Land Rover, đang đầu tư 15 tỉ bảng Anh (19 tỉ USD) để bắt kịp việc sản xuất ô tô điện. Tata Motors sẽ sử dụng công nghệ biến tần silicon carbide được phát triển cho xe đua Formula E của mình để tăng hiệu suất cho các mẫu ô tô điện cao cấp thế hệ tiếp theo. James Barclay, người quản lý đội đua Jaguar TCS Racing tiết lộ thông tin này.
Silicon carbide là vật liệu bán dẫn có khả năng chịu nhiệt độ và áp suất cao, có thể thay thế cho silicon truyền thống trong nhiều ứng dụng điện tử công suất, gồm cả biến tần. Tương tự, công nghệ biến tần silicon carbide có thể chịu được nhiệt độ cao hơn và hoạt động hiệu quả hơn so với các vật liệu truyền thống như silicon, cho phép động cơ điện hoạt động với hiệu suất tối đa trong khi giảm lượng nhiệt thải. Điều này có thể dẫn đến phạm vi hoạt động xa hơn và sạc nhanh hơn cho xe điện.
Jaguar Land Rover đã sử dụng những bài học từ việc quản lý nhiệt độ pin từ giải đua Formula E để tăng phạm vi hoạt động của Jaguar I-Pace EV trên đường thêm 20 km, thông qua cập nhật phần mềm trực tuyến.
Thomas Mueller, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật sản xuất của hãng Jaguar Land Rover, nói: “Tương lai là ô tô điện. Đó là lý do tại sao Formula E là một phần trong chiến lược của chúng tôi".
Không chỉ Jaguar Land Rover, Nissan cũng đang đẩy mạnh tham vọng ô tô điện với mục tiêu tung ra 19 mẫu xe hoàn toàn chạy điện vào năm 2026. Tommaso Volpe, Giám đốc đội đua Formula E thuộc Nissan, cho biết phần mềm xe đua của họ ban đầu dựa trên dòng ô tô điện Nissan Leaf.
Tommaso Volpe nói mục tiêu của Nissan là phát triển những động cơ, bộ biến tần hiệu quả hơn và gói pin nhỏ hơn dành cho xe điện phổ thông trên toàn bộ dòng sản phẩm. Theo Tommaso Volpe, để hiện thực hóa điều này, một kĩ sư kỳ cựu của đội đua Nissan tại Pháp hằng tuần có các cuộc họp trực tuyến với nhóm phát triển hệ thống truyền động ở Nhật Bản để cập nhật tiến độ.
Tommaso Volpe nói với Reuters: “Chúng tôi chuyển giao nhiều công nghệ nhất có thể nhưng phải phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng”.
Porsche không chỉ tận dụng công nghệ từ đội đua Formula E để phát triển xe điện hạng sang, mà còn cả nguồn nhân lực. Florian Modlinger, Giám đốc đội đua Formula E của Porsche, cho biết hãng đã bố trí lại hai kỹ sư hàng đầu từ chương trình Formula E sang mảng xe thương mại trong năm 2023.
"Phòng thí nghiệm công nghệ"
Một số hãng đã chọn một hướng đi khác. BMW rời khỏi Formula E vào năm 2021, nói rằng họ đã "cạn kiệt cơ hội"chuyển giao công nghệ. Mercedes cũng rút khỏi Formula E và sử dụng đội đua F1 của mình để giúp thiết kế các mô hình ô tô điện hiệu quả hơn. Ford sẽ trở lại giải đua F1 vào năm 2026, một phần là nền tảng để phát triển ô tô điện.
Alejandro Agag, người sáng lập giải Formula E, cho biết: “Các nhà sản xuất đồng hành cùng chúng tôi chắc chắn coi Formula E là phòng thí nghiệm để thử nghiệm các công nghệ”. Ông nhấn mạnh rằng việc sạc nhanh là một lĩnh vực chính mà các đội đua đã tiến bộ.
Những tiến bộ mới nhất trong môn đua xe thể thao thường được áp dụng cho các mẫu ô tô phổ thông.
Thế nhưng, Stellantis đang sử dụng kết quả từ đội đua Formula E từ thương hiệu DS cao cấp và chuyển giao chúng cho 13 thương hiệu khác của mình nhằm tăng tốc phát triển xe điện, theo Eugenio Franzetti - Giám đốc DS Performance.
Stellantis đang nỗ lực tung ra các ô tô điện mới, đặc biệt là những mẫu xe giá cả phải chăng.
Eugenio Franzetti nói: “Những gì đang diễn ra trong cuộc cách mạng ô tô điện là việc chuyển giao công nghệ sẽ rất nhanh chóng”.