Cuối tháng 7, các nhà đàm phán Mỹ sẽ tới Trung Quốc để thương thảo giải quyết khủng hoảng quan hệ thương mại giữa 2 nước. Ngay vào lúc này, Mỹ đã bồi thường nông dân như tín hiệu họ sẵn sàng thương chiến lâu dài.
Chính phủ Mỹ sẽ chi trả cho nông dân Mỹ bị thiệt hại bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ 15 đến 150 USD một mẫu. Sự hỗ trợ này, bắt đầu trong nửa cuối tháng 8 tới, theo gói 12 tỉ USD mà ông Trump thông qua vào năm ngoái nhằm mục đích trợ giá nông sản bị tụt giá và giảm doanh thu. Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ, Sonny Perdue, cho biết gói này cho thấy quyết tâm của ông Trump cho nông dân hiểu rằng họ không bị bỏ rơi trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Nông dân Mỹ, nơi chiếm lượng cử tri quan trọng của Tổng thống Trump, là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các lô hàng đậu nành, nông sản xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ, vốn chủ yếu xuất sang cho Trung Quốc đã giảm lượng bán xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua.
Đảng Dân chủ chỉ trích động thái này, nói rằng nông dân cần “thương mại công bằng” thay vì giải cứu. Nhưng Bộ trưởng Perdue lập luận rằng nông dân bị tổn thương không đáng có bởi tranh chấp thương mại nên gói viện trợ mới là hợp lý.
“Tổng thống Trump có một tình cảm lớn đối với nông dân và các chủ trang trại Mỹ và điều đó được thể hiện khá rõ ràng trong chương trình này”, ông Perdue nói. “Ông ấy biết rằng họ đang tham gia cuộc chiến và họ đang ở tuyến đầu”.
Trong gói viện trợ mới, Bộ nông nghiệp Mỹ cho biết họ sẽ trả cho nông dân dựa theo vị trí địa lý thay vì theo vụ mùa - một sự thay đổi so với năm ngoái.
Tỷ lệ chi trả trung bình khoảng 95 USD mỗi mẫu ở Alabama, 87 USD ở Mississippi và 70 USD ở Louisiana. Tỷ lệ chi trả thấp hơn ở các bang miền Trung Tây, với mức trung bình là 69 USD ở Illinois, bang sản xuất đậu nành hàng đầu của nước Mỹ và trung bình 66 USD ở Iowa, bang sản xuất ngô và heo hàng đầu.
Chương trình áp dụng cho 29 loại cây trồng xuất khẩu bao gồm đậu nành, ngô, lúa mì, lúa miến và bông. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa và heo, cũng như các trang trại trồng 10 loại cây đặc sản - bao gồm hạnh nhân, quả hồ trăn, quả óc chó, quả nam việt quất và anh đào.
Tỷ lệ chi trả tối thiểu và tối đa dựa trên phân tích dữ liệu thương mại trong 10 năm và mức thuế mà Mỹ bị trả đũa ở từng loại sản phẩm tương ứng ở các thị trường nhập khẩu, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Để đủ điều kiện được hỗ trợ, cây trồng phải được trồng trước ngày 1.8.2019. Số mẫu đất nông nghiệp không thể trồng được ở mức cao lịch sử trong năm nay vì lũ lụt ở Trung Tây, các quan chức cho biết, càng làm căng thẳng nền kinh tế trang trại.
Trong khi các hội đoàn nông nghiệp và công nghiệp hoan nghênh sự hỗ trợ từ liên bang, họ vẫn tiếp tục gây áp lực với chính quyền Trump để chấm dứt các cuộc chiến thương mại và sớm đạt được thỏa thuận với các thị trường xuất khẩu hàng đầu.
Mặc dù nhận hỗ trợ tài chính từ liên bang như vậy, Cục Nông trại Illinois vẫn cho rằng đó không phải là một giải pháp lâu dài. Chủ tịch Hội đồng bông quốc gia cho biết các hợp đồng bán bông cho Trung Quốc trong năm qua đã có sự hủy bỏ và trì hoãn đáng kể.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố nâng thuế 25% đối với 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và lời tuyên bố có hiệu lực vào tháng 6 năm ngoái. Trung Quốc sau đó trả đũa bằng việc nâng thuế với 50 tỉ USD hàng hoá nhập từ Mỹ. Ngày 10.5 vừa qua, Mỹ tiếp tục áp thuế từ 10 lên 25% thêm đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Phía Trung Quốc vừa phản ứng bằng cách tuyên bố từ ngày 1.6 họ đánh thuế thêm nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ lên mức 20% hoặc 25% từ mức áp thuế 10% trước đây. Tổng giá trị số hàng hóa Mỹ bị đánh thuế thêm lên tới 60 tỉ USD, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản. Trước tình hình đó, ông Trump hồi tháng 5 cũng trấn an nông dân Mỹ - những người lo ngại việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng. Tổng thống Mỹ tuyên bố số tiền thu được từ việc nâng thuế quan sẽ dùng để để mua hàng nông sản của Mỹ, sau đó sẽ được sử dụng cho "hỗ trợ nhân đạo".
Anh Tú