Hoạt động của một trong những sĩ quan chỉ đạo công tác do thám mạng của Trung Quốc lần đầu tiên được tiết lộ trong một báo cáo của chính phủ Mỹ về các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh, trang The Washington Times đưa tin.
Nhân vật bị nhắc đến trong báo cáo là tướng Lưu Hiểu Bắc, người đứng đầu Cục 3 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc (3PLA).
Theo báo cáo được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer công bố tuần trước (cơ sở để Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch áp thuế với hàng hóa Trung Quốc để trả đũa), tướng Lưu đã chỉ đạo thực hiện các chiến dịch gián điệp mạng nhắm vào những công ty Mỹ đang thương lượng làm ăn với Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Cụ thể, báo cáo dẫn ra 2 vụ công ty dầu khí Mỹ bị 3PLA tấn công mạng. Trong vụ thứ nhất, tin tặc 3PLA xâm nhập vào mạng máy tính của một doanh nghiệp (không cho biết tên) rồi ăn cắp thông tin về kế hoạch đàm phán với CNOOC của đơn vị này.
“CNOOC xác định thành công trong đàm phán giữa họ với công ty Mỹ này là nhờ thông tin nhận được từ các cơ quan tình báo (3PLA), báo cáo viết.
Báo cáo cho biết thêm rằng “nhiều quan chức tình báo cấp cao Trung Quốc, trong đó có ông Lưu Hiểu Bắc, chấp thuận việc sử dụng thông tin tình báo” trong những cuộc đàm phán của CNOOC với công ty Mỹ.
Với vụ thứ 2, CNOOC lại nhờ đến 3PLA tìm kiếm dữ liệu về hoạt động, quản lý tài sản, lịch đi lại của nhân viên cấp cao, công nghệ đá phiến và công nghệ thủy lực cắt phá của một số công ty dầu khí Mỹ.
Theo báo cáo: “Những ví dụ trên cho thấy cách Trung Quốc dùng những nguồn lực tình báo thúc đẩy các lợi ích thương mại của doanh nghiệp quốc doanh, gây hại cho đối tác và đối thủ nước ngoài của nước này”.
3PLA được các cơ quan tình báo Mỹ xác định có dính líu đến nhiều cuộc tấn công mạng và ăn cắp dữ liệu nhắm vào chính phủ, quân đội và các đơn vị tư nhân của Washington trong hơn 1 thập niênqua. Hiện tại, 3PLA là đơn vị nòng cốt của Lực lượng hỗ trợ chiến lược (SFF), cơ quan hợp nhất năng lực tác chiến điện tử, không gian và chiến tranh mạng của quân đội Trung Quốc, có thành phần chính là Quân đoàn tác chiến mạng (Cyber Corps).
Theo The Washington Times, đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ công khai xác định danh tính một nhân vật chỉ đạo hoạt động do thám mạng của Bắc Kinh. Tướng Lưu có nguy cơ bị Washington áp các biện pháp trừng phạt trong tương lai.
Bốn năm trước, Washington đã truy tố 5 tin tặc cấp cao của quân đội Trung Quốc, là thành viên của Đơn vị 61398 đóng tại Thượng Hải.
Quân đoàn tác chiến mạng được cho rằngcó 100.000 tin tặc, chuyên gia ngôn ngữ và nhà phân tích. Trụ sở lực lượng tọa lạc ở quận Hải Điến,thủ đô Bắc Kinh. Các đơn vị trực thuộc đóng tại Thượng Hải, Thanh Đảo, Tam Á, Thành Đô và Quảng Châu.
Một tổ chức tác chiến mạng quan trọng khác của Bắc Kinh là Bộ An ninh quốc gia (MSS), điều hành 6 đơn vị tình báo mạng nói trênvà 22 đơn vị đang bị nghi vấn khác.
Ngoài ăn cắp thông tin phục vụ cho doanh nghiệp quốc doanh, hoạt động tấn công mạng còn là một phần trong chính sách hỗ trợ phát triển.
Phạm vi và thiệt hại to lớn mà những cuộc tấn công mạng của Trung Quốc đã được đề cập trong một tài liệu bị tiết lộ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Tài liệu liệt kê một loạt công nghệ quân sự bị Bắc Kinh lấy cắp, bao gồm thiết kế radar, thông tin chi tiết về các động cơ phản lực, một số công nghệ của máy bay tàng hình.
“Nhiều terabytes dữ liệu đã bị đánh cắp”, NSA tuyên bố.
Trong một đoạn phim tuyên truyền năm 2013, tướng Lưu từng cho biết Mỹ là mục tiêu chính của hoạt động tấn công mạng Trung Quốc, vì Washington là nơi khai sinh và nắm giữ nhiều nguồn lực cốt lõi của mạng internet.
Tướng Lưu cáo buộc Mỹ cố gắng lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách ảnh hưởng đến công chúng thông qua mạng internet. Ông khẳng định Bắc Kinh đang tham gia vào một cuộc chiến thông tin chống lại Mỹ.
Cẩm Bình (theo The Washington Times)