Một trong những thông điệp của Chính phủ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN .
Ngày 10.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) đã dự chương trình Ngày chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT-TT tổ chức. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày chuyển đổi số quốc gia, vào ngày 10.10 hằng năm.
Theo đó, năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia. Năm nay, Bộ TT-TT đã phát động chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT, Phó chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số là một hành trình dài toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân làm trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân.
Vì vậy, Bộ trưởng TT-TT nhận định Ngày chuyển đổi số quốc gia là dịp để nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng, với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung.
Phát biểu tại lễ Ngày chuyển đổi số quốc gia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày.
Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Thủ tướng cho biết thời gian qua việc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực. Cụ thể, nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển.
Cùng với đó, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng…
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới
Tại sự kiện, Thủ tướng cũng đã công bố thông điệp của Chính phủ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Cụ thể, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra là nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân; tập trung triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Đặc biệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cũng mong các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.