Nga và Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ với Iran sau khi phương Tây tìm cách trừng phạt Tehran do liên quan tới tình trạng bạo lực ở các cuộc biểu tình trong tuần này.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 24.11 đã tổ chức một phiên họp đặc biệt để giải quyết "tình hình nhân quyền ngày càng xấu ở Cộng hòa Hồi giáo Iran, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em" và bỏ phiếu về một nghị quyết nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình cho những hành vi bị cáo buộc.
Trong số 47 quốc gia thành viên của hội đồng, 25 quốc gia đã bỏ phiếu thành lập một sứ mệnh tìm hiểu thực tế mới để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan đến các cuộc biểu tình ở Iran. Trung Quốc nằm trong số 6 phiếu chống lại nghị quyết. Mặc dù đã bị đình chỉ tại hội đồng vào đầu năm nay vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng Nga đã gọi cuộc họp của Liên Hợp Quốc là "phản tác dụng" và tuyên bố việc tạo ra một sứ mệnh như vậy là "bất hợp pháp".
Iran đã chứng kiến một mức độ phản đối chưa từng có trong hai tháng qua sau khi Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd 22 tuổi, chết trong khi bị "cảnh sát đạo đức" Iran giam giữ vào ngày 16.9.2022.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran vì hành vi đối xử với người biểu tình, nhưng Nga và Trung Quốc vẫn kiên quyết chống lại các biện pháp đó, cân nhắc các lựa chọn của họ trên trường quốc tế.
Trong một tuyên bố hôm 24.11, Đại diện thường trực của Nga tại Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva Gennady Gatilov cho biết: "Những sáng kiến như vậy không liên quan gì đến mối quan tâm nhân quyền vì mục tiêu của chúng chỉ là gây áp lực lên các quốc gia khác".
Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation cho biết. mối quan hệ tương tác giữa Nga, Iran và Trung Quốc là rất quan trọng, cần theo dõi vì những áp lực mà mỗi quốc gia phải đối mặt.
Heath, chuyên gia về chiến lược, chính trị và quân sự Trung Quốc cho biết, cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc hôm 24.11 không có gì ngạc nhiên trước thái độ ngày càng thiện cảm của Bắc Kinh đối với Iran. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ đối với Iran, trong khi đưa ra những chỉ trích về phản ứng của phương Tây.
Nga, nước được cho là đang gia tăng sự phụ thuộc quân sự vào máy bay không người lái của Iran trong cuộc xung đột tại Ukraine, cũng có quan điểm tương tự, tránh mọi xáo trộn trong mối quan hệ với Tehran.
Michael Kimmage, cựu thành viên ban hoạch định chính sách của Ngoại trưởng Mỹ, nói với Newsweek: “Nga muốn giữ nguyên hiện trạng và sẽ sử dụng quyền hạn của mình tại Liên Hợp Quốc để cố gắng ngăn Iran bị trừng phạt”.
Kimmage, chuyên gia về danh mục đầu tư Nga /Ukraine trong thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Nga và Iran không phải là đồng minh “theo đúng nghĩa”, nhưng "họ có rất nhiều hoạt động kinh doanh mà họ tiến hành cùng nhau và họ muốn giữ nguyên hiện trạng".
Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với một tình huống hơi khác so với Nga. Trong khi Nga về cơ bản đã bị loại khỏi các thị trường phương Tây do xung đột tại Ukraine, Trung Quốc vẫn giao dịch rất nhiều với phương Tây, do đó Bắc Kinh có những hạn chế trong việc ủng hộ Iran.