Với hơn 18 tháng xảy ra đại dịch, các nhà nghiên cứu đã liên tục thu thập những hiểu biết mới và quan trọng về tác động của COVID-19 với cơ thể cùng não bộ. Những phát hiện này đang làm dấy lên lo ngại về những tác động lâu dài mà vi rút SARS-CoV-2 có thể gây ra với các quá trình sinh học, như lão hóa.

‘Ngay cả các ca mắc COVID-19 nhẹ cũng để lại dấu vết trên não’

Sơn Vân | 25/09/2021, 12:04

Với hơn 18 tháng xảy ra đại dịch, các nhà nghiên cứu đã liên tục thu thập những hiểu biết mới và quan trọng về tác động của COVID-19 với cơ thể cùng não bộ. Những phát hiện này đang làm dấy lên lo ngại về những tác động lâu dài mà vi rút SARS-CoV-2 có thể gây ra với các quá trình sinh học, như lão hóa.

Là nhà khoa học thần kinh nhận thức, nghiên cứu trước đây của bà Jessica Bernard (Phó giáo sư Đại học Texas A&M, Mỹ) đã tập trung vào việc tìm hiểu những thay đổi bình thường của não liên quan lão hóa ảnh hưởng như thế nào đến khả năng suy nghĩ và vận động của con người, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên trở lên.

Thế nhưng, khi có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ trong nhiều tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm vi rút, nhóm nghiên cứu của Jessica Bernard bắt đầu quan tâm đến việc khám phá cách nó cũng có thể tác động đến quá trình lão hóa tự nhiên.

Theo dõi phản ứng của não với COVID-19

Vào tháng 8.2021, một nghiên cứu sơ bộ nhưng quy mô lớn điều tra các thay đổi của não ở những người từng mắc COVID-19 đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng khoa học thần kinh.

Trong nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu dựa trên một cơ sở dữ liệu hiện có có tên UK Biobank, chứa dữ liệu hình ảnh não của hơn 45.000 người ở Anh từ năm 2014. Điều này đồng nghĩa là có dữ liệu cơ bản và hình ảnh não của tất cả những người đó từ trước đại dịch.

Nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu hình ảnh não và sau đó đưa những người từng mắc COVID-19 trở lại để quét não bổ sung. Họ so sánh những người từng mắc COVID-19 với những người chưa bị bệnh, đối sánh cẩn thận các nhóm dựa trên tuổi, giới tính, ngày xét nghiệm cơ bản và địa điểm nghiên cứu, cũng như các yếu tố nguy cơ phổ biến với bệnh tật, chẳng hạn như các chỉ số sức khỏe và tình trạng kinh tế xã hội.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt rõ rệt về chất xám, được tạo thành từ các thân tế bào của neuron (tế bào thần kinh) xử lý thông tin trong não, giữa những người mắc COVID-19 và những ai không bị bệnh.

Cụ thể, độ dày của mô chất xám ở các vùng não được gọi là thùy trán và thùy thái dương đã giảm ở nhóm mắc COVID-19, khác với các kiểu điển hình được thấy ở nhóm không bị bệnh.

Trong dân số nói chung, người ta thường thấy một số thay đổi về khối lượng hoặc độ dày chất xám theo thời gian khi người ta già đi. Song những thay đổi này lớn hơn bình thường ở những người mắc COVID-19.

Điều đáng chú ý là khi các nhà nghiên cứu tách những người bị bệnh COVID-19 nặng đến mức phải nhập viện, kết quả cũng giống những người trải qua COVID-19 nhẹ hơn. Đó là những người mắc COVID-19 có biểu hiện mất trọng lượng não ngay cả khi bệnh chưa đến mức phải nhập viện.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng điều tra những thay đổi về hiệu suất trong các nhiệm vụ nhận thức và phát hiện ra rằng những người mắc COVID-19 xử lý thông tin chậm hơn so với những người không bị bệnh.

Dù nhóm của Jessica Bernard phải diễn giải cẩn thận những phát hiện này khi chờ đánh giá đồng cấp chính thức, nhưng mẫu vật lớn, dữ liệu trước và sau khi mắc COVID-19 ở những người giống nhau và đối sánh cẩn thận với những người chưa bị bệnh, làm cho công trình sơ bộ này trở nên đặc biệt có giá trị.

Những thay đổi trong trọng lượng não có ý nghĩa gì?

Vào thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, một trong những báo cáo phổ biến nhất từ ​​những người mắc COVID-19 là mất khứu giác và vị giác.

ngay-ca-cac-ca-mac-covid-19-nhe-cung-de-lai-dau-vet-tren-nao.jpg
Một phụ nữ mắc các triệu chứng COVID-19 cố gắng cảm nhận mùi của quả quýt tươi

Đáng chú ý là các vùng não mà các nhà nghiên cứu Vương quốc Anh phát hiện bị COVID-19 tác động đều có liên quan đến khứu giác, cấu trúc gần phía trước não có chức năng truyền tín hiệu về mùi từ mũi đến các vùng não khác.

Hành khứu giác có kết nối với các vùng của thùy thái dương. Chúng ta thường nói về thùy thái dương trong bối cảnh lão hóa và bệnh Alzheimer vì nó là nơi nằm của vùng hồi hải mã. Hồi hải mã có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa do liên quan đến trí nhớ và các quá trình nhận thức.

Khứu giác cũng rất quan trọng với nghiên cứu về Alzheimer vì một số dữ liệu đã gợi ý rằng những người có nguy cơ mắc bệnh này bị giảm khứu giác. Dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về tác động lâu dài của những thay đổi liên quan đến COVID-19, nhưng việc điều tra các mối liên hệ có thể có giữa những thay đổi não liên quan đến COVID-19 và trí nhớ là rất đáng quan tâm, đặc biệt là với các vùng liên quan và tầm quan trọng của chúng trong trí nhớ cùng bệnh Alzheimer.

Nhìn về phía trước

Những phát hiện mới này mang lại những câu hỏi quan trọng chưa được trả lời: Những thay đổi của não sau COVID-19 có ý nghĩa gì với quá trình và tốc độ lão hóa? Và theo thời gian, não có phục hồi ở một mức độ nào đó sau khi nhiễm vi rút không?

Đây là những lĩnh vực nghiên cứu tích cực và cởi mở, mà Jessica Bernard đang bắt đầu thực hiện trong phòng thí nghiệm của riêng mình kết hợp với công việc liên tục nghiên cứu sự lão hóa của não.

Hình ảnh quét não của một người ở độ tuổi 30 và một người ở độ tuổi 80, cho thấy trọng lượng não giảm ở người lớn tuổi.

ngay-ca-cac-ca-mac-covid-19-nhe-cung-de-lai-dau-vet-tren-nao1.jpg
Hình ảnh não của người 35 tuổi và người 85 tuổi. Mũi tên màu cam cho thấy chất xám mỏng hơn ở cá thể già hơn. Mũi tên màu xanh lá cây chỉ vào những khu vực có nhiều không gian chứa đầy dịch não tủy (CSF) do giảm trọng lượng não. Các vòng tròn màu tím làm nổi bật tâm thất của não, nơi chứa đầy dịch não tủy. Ở người lớn tuổi, những khu vực chứa đầy chất lỏng này lớn hơn nhiều

Công việc ở phòng thí nghiệm của Jessica Bernard chứng minh rằng khi con người già đi, bộ não suy nghĩ và xử lý thông tin khác nhau. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy những thay đổi theo thời gian về cách cơ thể con người di chuyển và cách họ học các kỹ năng vận động mới. Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chứng minh rằng người lớn tuổi gặp khó khăn hơn trong việc xử lý và thao tác thông tin nhưng họ thường duy trì kiến ​​thức về sự kiện và vốn từ. Với các kỹ năng vận động, chúng ta biết rằng người lớn tuổi vẫn học được nhưng làm chậm hơn so với người trẻ tuổi.

Khi nói đến cấu trúc não, chúng ta thường thấy sự giảm kích thước não ở người lớn trên 65 tuổi. Sự sụt giảm này không chỉ cục bộ ở một khu vực. Sự khác biệt có thể được nhìn thấy trên nhiều vùng của não. Thông thường cũng có sự gia tăng dịch não tủy, lấp đầy không gian do mất mô não. Ngoài ra, chất trắng, lớp ngăn cách trên sợi trục (sợi thần kinh) cũng ít nguyên vẹn hơn ở người lớn tuổi.

Khi tuổi thọ tăng lên trong những thập kỷ qua, ngày càng có nhiều người già đi. Trong khi mục tiêu là để tất cả mọi người sống lâu và khỏe mạnh, ngay cả trong trường hợp tốt nhất là người già không mắc bệnh tật hoặc khuyết tật, tuổi trưởng thành sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách chúng ta suy nghĩ và di chuyển.

Tìm hiểu cách tất cả các mảnh ghép này khớp với nhau sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ những bí ẩn của quá trình lão hóa để có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và chức năng cho những người già. Bây giờ, trong bối cảnh của dịch COVID-19, nó sẽ giúp chúng ta hiểu mức độ mà não có thể phục hồi sau khi bị bệnh.

Bài liên quan
Nhiễm COVID-19 đột phá nghiêm trọng thường xảy ra ở đối tượng nào?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người cao tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý nền có nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá dẫn đến phải nhập viện và tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Ngay cả các ca mắc COVID-19 nhẹ cũng để lại dấu vết trên não’