Nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy chính sách cứng rắn trong công tác tuyên truyền đang đối mặt tình thế khó xử kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.

'Ngoại giao chiến lang' của Trung Quốc đang phai nhạt do cuộc chiến tại Ukraine?

Hoàng Vũ (theo Diplomat) | 01/08/2022, 18:40

Nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy chính sách cứng rắn trong công tác tuyên truyền đang đối mặt tình thế khó xử kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.

Kêu gọi xây dựng hình ảnh tích cực về Trung Quốc

Thuật ngữ “ngoại giao chiến lang” dựa trên một bộ phim cùng tên được yêu thích ở Trung Quốc. Nó mô tả sự tự tin của các nhà ngoại giao Trung Quốc trước phương Tây, sẵn sàng đáp trả không kiêng nể những phát ngôn xâm phạm lợi ích quốc gia. Sách lược này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm tăng cường gắn kết lực lượng trong nước trước những quốc gia phản đối hệ thống và chính sách của Bắc Kinh.

“Ngoại giao chiến lang” đã được sử dụng rộng rãi trong vài năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao quyết đoán này đã làm suy yếu hình ảnh của Trung Quốc và ảnh hưởng mối quan hệ của nước này với các quốc gia trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á.

Để đảm bảo tốt hơn lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thay đổi cách tiếp cận. Chẳng hạn lồng ghép thông điệp quyết đoán với những từ ngữ nhẹ nhàng hơn, tạo ra hình ảnh và sự hiểu biết về Trung Quốc - khác với những điều tiêu cực mà truyền thông đưa tin.

Vào tháng 5.2021, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, sau nhiều năm khuyến khích “ngoại giao chiến lang”, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một hình ảnh tích cực của Trung Quốc để không ngừng mở rộng vòng tròn bạn bè.

“Cần phải kết bạn, đoàn kết và thu phục đa số, và không ngừng mở rộng vòng kết nối bạn bè công luận quốc tế”, ông Tập nói, đồng thời bày tỏ mong muốn biến Trung Quốc trở thành quốc gia “đáng tin cậy, đáng yêu, và đáng tôn trọng” phù hợp với một đất nước “vừa cần cởi mở và tự tin nhưng cũng cần khiêm tốn, khiêm nhường” trong ngoại giao với thế giới.

Bài phát biểu của ông Tập tạo ra một sự tương phản rõ rệt với phong cách “ngoại giao chiến lang” trong những năm qua. Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy Bắc Kinh đang chuyển hướng khỏi chính sách ngoại giao “hiếu chiến”, vì bản thân ông Tập và Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng nhận thức được phản ứng dữ dội từ quốc tế khi áp dụng sách lược này.

Trung Quốc đang phải đối mặt với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Úc. Thêm nữa là sự bất bình cao độ từ nhiều quốc gia.

chiens-lang-2.png
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một hình ảnh tích cực của Trung Quốc để không ngừng mở rộng vòng tròn bạn bè trên trường quốc tế - Ảnh: Internet

Một động thái mang tính biểu tượng khác mà ông Tập thực hiện để dần dần thay đổi đường lối ngoại giao của Trung Quốc là việc bổ nhiệm đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ là Tần Cương - một cựu thứ trưởng ngoại giao từng chịu trách nhiệm về các vấn đề Mỹ Latinh và châu Âu.

Người tiền nhiệm của ông Tần là Thôi Thiên Khải - một nhà ngoại giao kỳ cựu với kiến ​​thức vững chắc về các vấn đề của Mỹ. Ông Khải cũng có mối quan hệ cá nhân với các quan chức chính phủ cùng nhà lập pháp đương nhiệm và trước đây của Washington. Do đó, việc bổ nhiệm ông Tần, người được cho là thiếu kinh nghiệm ngoại giao liên quan đến các vấn đề của Mỹ là một quyết định đáng ngạc nhiên của ông Tập.

Theo Diplomat, có hai lý do quan trọng để nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quyết định này.

Đầu tiên, ông Tần Cương từng tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều quan chức hàng đầu khác trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Ông nói tiếng Anh lưu loát, từng làm việc vài năm tại Đại sứ quán Trung Quốc ở London. Rõ ràng, ông Tần được giới lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả chính ông Tập, tin tưởng. Do đó, ông Tập muốn một người có quyền tiếp cận trực tiếp hơn và có mối quan hệ cá nhân với mình để đảm đương nhiệm vụ ngoại giao quan trọng nhất đối với Trung Quốc.

Thứ hai, khi ông Tập kêu gọi xây dựng một hình ảnh tích cực về Trung Quốc vài tuần trước khi ông Tần được bổ nhiệm, ông Tập kỳ vọng sẽ sử dụng kinh nghiệm của ông Tần với tư cách là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc để truyền tải “hình ảnh tốt đẹp” về Bắc Kinh, cũng như mang lại làn gió mới trong quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh căng thẳng kéo dài.

Một số phương tiện truyền thông miêu tả ông Tần Cương là một nhà ngoại giao "chiến lang" trước khi ông nhận chức vụ của mình ở Washington. Ông Tần đã nhiều lần bảo vệ phong cách ngoại giao quyết liệt này với lý do đây là phản ứng cần thiết trước "những lời vu khống vô căn cứ" và "các cuộc công kích điên cuồng nhằm vào Trung Quốc".

"Cách tiếp cận ngoại giao của ông Tần rõ ràng là nhẹ nhàng hơn so với đồn đoán, phù hợp với lập trường của ông Tập về việc xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Trung Quốc", Giám đốc văn phòng Bắc Kinh của tờ Newsweek (Mỹ), Melinda Lu nhận định.

Ông Tần đã trực tiếp phủ nhận khái niệm ngoại giao chiến binh sói nhiều lần kể từ khi ông nhậm chức. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã nói với các nhà báo rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc không phải là “chiến lang” và tuyên bố hướng đi ngoại giao của Bắc Kinh là hòa bình thay. Do đó, việc bổ nhiệm ông Tần làm đại sứ Mỹ rõ ràng thể hiện ý định loại bỏ dần “ngoại giao chiến lang” của Chủ tịch Tập.

chien-lang.png
Cách tiếp cận ngoại giao theo phong cách "chiến lang" của Trung Quốc những năm gần đây không chỉ khuấy động chủ nghĩa dân tộc trong nước mà còn gia tăng căng thẳng với cộng đồng quốc tế, làm xấu đi hình ảnh toàn cầu của họ - Ảnh: Internet

Cách tiếp cận ngoại giao với châu Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thay đổi?

Năm nay, các dấu hiệu khác cũng cho thấy sự suy giảm của chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc qua việc Bắc Kinh chuyển sang tương tác tích cực để cải thiện mối quan hệ của mình với các quốc gia khác.

Vào tháng 5, Ngô Hồng Ba, đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại châu Âu, đã bắt đầu chuyến công du 3 tuần tới khu vực này với mục đích xoa dịu căng thẳng với EU do ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga.

Khác với lập trường cứng rắn của mình về một số vấn đề trong chuyến công du châu Âu trước đó vào tháng 11.2021, lần này ông Ngô đã có một cách tiếp cận khác. Tại mọi điểm dừng, ông Ngô đều thừa nhận “những sai lầm” của Trung Quốc, với việc đưa chính sách “ngoại giao chiến lang” vào danh sách.

Một lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tham gia cuộc gặp với Wu cho biết: "Người Trung Quốc muốn thay đổi giọng điệu của câu chuyện để kiểm soát thiệt hại. Họ hiểu rằng họ đã đi quá xa".

Vào tháng 7, trong khi tham dự cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có cuộc gặp lần lượt với các bộ trưởng ngoại giao của Đức và Pháp. Bất chấp lo ngại về sự liên kết của Trung Quốc với Nga, lập trường của nước này về cuộc khủng hoảng Ukraine và những bất đồng trước đó, cả hai bên đều hướng tới việc thúc đẩy hợp tác song phương thay vì tranh chấp.

Đáng chú ý, Trung Quốc không chỉ thay đổi cách tiếp cận ngoại giao với châu Âu mà còn đối với các nước láng giềng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vào tháng 3.2022, ông Tập đã nói chuyện với Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người đã tuyên bố theo đuổi sự ủng hộ của Mỹ trong chính sách đối ngoại và lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, quan hệ Trung - Hàn đang đối mặt với những thách thức kéo dài. Hình ảnh của Trung Quốc ở Hàn Quốc đã xuống mức thấp kỷ lục: cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người có quan điểm bất lợi về Trung Quốc. Quan điểm bất lợi này càng trở nên trầm trọng hơn tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm nay.

Cuộc gọi bất thường từ ông Tập tới Tổng thống đắc cử Yoon được tạo ra để thể hiện “thiện chí” của Trung Quốc nhằm mục đích hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Lời kêu gọi của ông Tập cũng là một minh chứng cho thấy “ngoại giao chiến lang” đang suy yếu.

Tháng 7 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh đã có một cuộc tranh cãi với ông Yoon Suk Yeol về hệ thống chống tên lửa THAAD mà Mỹ cung cấp cho Hàn Quốc. Đại sứ Trung Quốc đã có lập trường mạnh mẽ về vấn đề này và viết một bài xã luận có tiêu đề "Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc không phải thứ phụ thuộc vào quan hệ Mỹ - Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, thái độ của ông Hình về THAAD và các vấn đề khác đã dịu đi sau khi ông Yoon được bầu vào tháng 3. Sự thay đổi lập trường đột ngột của ông cùng với cuộc gọi của ông Tập với Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3 đã cho thấy sự cải tiến trong cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc đối với Hàn Quốc. Một lần nữa, Trung Quốc đang dần rời xa chính sách “ngoại giao chiến lang” của mình.

Hàn Quốc không phải là ví dụ duy nhất cho xu hướng này. Vào tháng 1.2022, Tiếu Thiên (Xiao Qian), cựu Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia nổi tiếng với phong cách giao tiếp chuyên nghiệp hơn và giọng điệu ôn hòa, được bổ nhiệm làm đại sứ mới của Trung Quốc tại Úc. Kể từ khi ông Tiếu bắt đầu nhậm chức tháng 1, ông đã lên tiếng về việc khôi phục mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Bằng cách này, Trung Quốc đang phát tín hiệu sẵn sàng chủ động sửa chữa quan hệ với Úc, cũng như sửa đổi cách tiếp cận ngoại giao của mình.

Hơn nữa, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Úc Penny Wong bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Indonesia vào tháng 7 năm nay, đã nói rằng: “Trung Quốc sẵn sàng kiểm tra lại, hiệu chỉnh lại và củng cố quan hệ song phương trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và nỗ lực đưa quan hệ song phương đi đúng hướng”.

Những lời lẽ như vậy là có phần ôn hòa so với những bình luận và chính sách mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong hai năm qua, một lần nữa tiết lộ kế hoạch kiềm chế “ngoại giao chiến lang”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào giữa các quốc gia khi tìm cách “ve vãn” những nước giữ khoảng cách với Mỹ. Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh có thể thiết lập mối quan hệ bền vững với những nước trung lập ở Ðông Nam Á, Trung Ðông và châu Phi, thậm chí tiếp cận Nhật Bản, châu Âu và làm lung lay mối quan hệ giữa các nền dân chủ do Mỹ dẫn đầu.

Đại hội Đảng sẽ củng cố tương lai nền ngoại giao Trung Quốc

Phải thừa nhận rằng vẫn còn có một số nhà ngoại giao "chiến lang” còn sót lại trong chính phủ Trung Quốc hiện tại, chẳng hạn như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Tuy nhiên, rõ ràng là việc Trung Quốc sử dụng chính sách “ngoại giao chiến lang” đối với các nước khác đang giảm dần và được thay thế bằng các tương tác ngoại giao tích cực hơn. Mặc dù “ngoại giao chiến lang” đang suy yếu, các nhà ngoại giao Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ về các vấn đề như Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông và Biển Đông để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Vào mùa thu năm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. Nhiều nhà ngoại giao đang phục vụ dự kiến sẽ được thay thế, bao gồm cả hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc: Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là chủ tịch đảng, do đó cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc sẽ nghiêng nhiều hơn về mong muốn của ông là “tạo ra một hình ảnh đáng yêu về Trung Quốc”. Vì lý do này, có thể kỳ vọng rằng “ngoại giao chiến lang” sẽ phai nhạt hơn nữa kể từ mùa thu năm nay, và dần thay thế bằng một đường lối ngoại giao mới.

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Ngoại giao chiến lang' của Trung Quốc đang phai nhạt do cuộc chiến tại Ukraine?