Luật an ninh quốc gia có hiệu lực vẫn không thể khiến người dân Hồng Kông ngừng bày tỏ quan điểm đòi dân chủ và phản kháng chính quyền Bắc Kinh.
Trên một cây cầu ở khu mua sắm sầm uất Trung Hoàn - điểm nóng biểu tình hai năm qua, xuất hiện dòng chữ: “Hãy đứng lên, những người quyết không làm nô lệ”. Đây là câu đầu tiên trong quốc ca Trung Quốc nhưng rất có thể được viết bởi một người mang tư tưởng chống chính quyền Bắc Kinh.
Giáo sư Trần Kiến Dân (một trong những thành viên chủ chốt của phong trào biểu tình năm 2014) khẳng định người dân đặc khu với thói quen bày tỏ chính kiến sẽ tìm cách lách luật: “Ở nơi công cộng không thể dùng ngôn từ chính thống. Tuy nhiên luật không thể cấm mật ngữ”.
Hôm 2.7, chính quyền khuyến cáo câu khẩu hiệu phổ biến “Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại” (Liberate Hong Kong, revolution of our time) giờ đây bị xem là bất hợp pháp.
Người dân đặc khu bèn dùng cách khác để thể hiện khẩu hiệu trên, chẳng hạn như “GFHG, SDGM” viết tắt từ cụm từ “gwong fuk heung gong, si doi gak ming”, hay phức tạp hơn “3219 0246”. Tất cả đều dùng cách đọc của tiếng Quảng Đông.
Họ còn sáng tạo bằng tiếng Trung: trên mạng bắt đầu xuất hiện rộng rãi câu “Giành lại trái chuối”, 2 từ “trái chuối” và “Hồng Kông” viết bằng chữ dạng phồn thể khá giống nhau.
Một số khác sử dụng tiếng Anh, mượn cụm từ “Khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại” của Tổng thống Donald Trump và viết thành “Khiến Hồng Kông trở nên vĩ đại”.
Vài nhà hàng và cửa tiệm đã gỡ bỏ tường Lennon vốn dán đầy khẩu hiệu ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ đầy đủ cho Hồng Kông do lo ngại vi phạm luật an ninh. Một quán cà phê lại thay thế những miếng dán ghi khẩu hiệu đầy màu sắc vốn có bằng miếng dán chẳng ghi gì, họ giải thích trên Facebook rằng: “Những điều quan trọng thì không thể nhìn thấy bằng mắt” – trích dẫn thông điệp trong tác phẩm Hoàng tử bé nổi tiếng.
Một cách thức tỏ ý phản kháng khác chính là tờ giấy trắng với ý chỉ chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành “khủng bố trắng” (đàn áp chính trị).
“Đàn áp sẽ thúc đẩy người dân đứng lên chống trả”, theo Giáo sư Trần.
Cẩm Bình (theo Straits Times)