Theo dữ liệu của NASA, 4 tiểu hành tinh có đường kính từ 23-120 m sẽ cùng bay về phía Trái đất với nhiều tốc độ khác nhau trong ngày 25.11.
Lớn nhất trong số 4 thiên thể này là tiểu hành tinh 2009 WB105 có đường kính ước tính 120 m, chỉ nhỏ hơn một chút so với sân bóng đá. Tiểu hành tinh này sẽ bay qua Trái đất ở tốc độ khoảng 30.416 km/h. Kế đó là tiểu hành tinh 2021 VR4 có đường kính ước tính 30 m và sẽ bay qua Trái đất với tốc độ 27.719 km/h.
Tiểu hành tinh 2019 BB5 đường kính 27 m bay ở tốc độ gần 30.578 km/h khi sượt qua Trái đất vào ngày 25.11. Tiểu hành tinh nhỏ nhất trong nhóm là 2021 VF11 rộng 23 m và có tốc độ di chuyển tương đối chậm 4.715 km/h.
Các vật thể gần Trái đất (NEOs) thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, là những vật thể thuộc hệ Mặt trời có quỹ đạo đưa chúng đến gần Trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm.
Một vật thể được xem là NEO nếu bay trên quỹ đạo cách Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Những NEO ở tương đối gần Trái đất sẽ được phân loại là vật thể “có khả năng gây nguy hiểm”. Nhóm này bao gồm những vật thể có đường kính lớn hơn 140 mét và bay tới cách Trái đất từ 7,4 triệu km trở xuống.
Có rất nhiều vật thể như thế bay ngang qua hành tinh của chúng ta hàng năm. Để xác định vật thể sẽ đến gần Trái đất đến mức nào, các nhà khoa học NASA sẽ quan sát tiểu hành tinh đó và dùng mô hình máy tính để dự đoán quỹ đạo. Cho đến nay, Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần Trái đất (CNEOS) đã phát hiện ra hơn 27.000 tiểu hành tinh. Khoảng 1.000 trong số chúng được cho là lớn hơn 1 km nhưng hầu hết đều nhỏ hơn.
Các nhà khoa học ở CNEOS có thể tính toán quỹ đạo của những vật thể bay gần hành tinh của chúng ta với độ chính xác cao, qua đó dự đoán khả năng va chạm, thời gian và địa điểm. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ, các giải pháp quỹ đạo này được sử dụng để dự đoán cách NEO tiếp cận gần Trái đất và đưa ra các đánh giá toàn diện về xác suất tác động của chúng trong thế kỷ tới.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Mỹ thích một chương trình không gian tập trung vào các tác động tiềm ẩn của tiểu hành tinh hơn là đưa con người trở lại Mặt trăng hoặc lên sao Hỏa.
Năm 2018, NASA đã công bố một kế hoạch trong đó đề xuất các phương pháp chính phủ Mỹ cần thực hiện để đối phó tốt hơn với NEO, như việc các tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay tới Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine cho rằng các cuộc tấn công của tiểu hành tinh không phải là điều có thể xem nhẹ và có lẽ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất.