Và đâu rồi lòng khoan dung của họ khi FIFA loại tuyển Nga khỏi sân chơi bất chấp bóng đá Nga chẳng liên đới gì tới những việc mà chính quyền tổng thống Vladimir Putin đang làm?

Nhìn từ khán đài Qatar: Chống lại sự khác biệt

Hà Quang Minh | 28/11/2022, 15:38

Và đâu rồi lòng khoan dung của họ khi FIFA loại tuyển Nga khỏi sân chơi bất chấp bóng đá Nga chẳng liên đới gì tới những việc mà chính quyền tổng thống Vladimir Putin đang làm?

Qatar 2022 là một World Cup khác biệt, thậm chí có thể sẽ là dị biệt. Nó là World Cup đầu tiên, nhưng cũng có thể sẽ là duy nhất trong một khoảng thời gian rất dài nữa, được tổ chức vào mùa đông, buộc nhiều giải đấu VĐQG châu Âu phải tạm ngưng giữa chừng. Nhưng dị biệt hơn nữa, nó còn là giải World Cup đầu tiên mà các tranh luận nổ ra dữ dội với các va đập mãnh liệt của nhiều hệ giá trị, của phương Tây và phương Đông, của thần quyền Ả Rập và một thế giới tự do, dân chủ Âu - Mỹ luôn tự hào mình là kẻ khai hoá. Cái nền của va đập ấy, hoàn hảo thay, lại là một cuộc chiến bi khốc ở Ukraine, nơi thật giả phân tranh lẫn lộn.

Khi Đức tiếp Nhật Bản trên sân Khalifa International ở Doha, cơn địa chấn Ả Rập Saudi tạo ra trước Argentina chưa hết rung lắc thế giới túc cầu. Và tuyển Đức, bước vào cuộc chơi bằng hình ảnh cả đội bóng bịt miệng mình khi chụp ảnh lưu niệm như một thông điệp phản ứng lại quyết định của FIFA về việc có thể sẽ kỷ luật đội bóng nào để thủ quân đeo chiếc băng đội trưởng mang biểu tượng “One Love”, biểu tượng bảo vệ cộng đồng LGBTQ. Hình ảnh cả đội tuyển Đức tự bịt miệng mình, như một cách thức chứng minh rằng họ không chấp nhận sự bất lực trong biểu đạt thông điệp bất chấp cường quyền nào, đã được rất nhiều hãng thông tấn đánh giá là “đấu tranh cho giá trị của mình”.

fifa2.jpg

Cùng lúc ấy, trên khán đài, ngồi bên cạnh chủ tịch FIFA Infantino, bộ trưởng nội vụ Đức, bà Nancy Faeser trong chiếc áo trắng không tay áo, hiên ngang đeo chiếc băng đội trưởng One Love. FIFA không thể kỷ luật Faeser, vì bà là chính trị gia, không phải cầu thủ. Infantino cũng chẳng phiền và ông tỏ ra còn chuyên nghiệp hơn một chính trị gia lọc lõi khi không thể hiện bất kỳ một cảm xúc nào. Giới bình luận phương Tây đã gọi hành động này của bà Faeser là “lên tiếng mạnh mẽ hơn” (louder) những gì cầu thủ của tuyển Đức thể hiện trên sân.

“Ở thời đại này, thật khó hiểu khi FIFA không muốn mọi người cởi mở bày tỏ sự ủng hộ cho lòng khoan dung đấu tranh chống lại sự phân biệt kỳ thị. Điều đó không phù hợp với thời đại của chúng ta và không đúng đắn đối với nhân loại”. Đó là phát biểu của bà Faeser. Phát biểu ấy, tất nhiên được rất nhiều người tiến bộ ủng hộ.

Nhưng điều kỳ lạ là khi chính các chính phủ mặt ngoài đều tán đồng với việc FIFA không muốn để chính trị can thiệp vào túc cầu thì họ lại để chính các mục tiêu và lợi ích chính trị của mình xen vào cuộc chơi bóng đá bằng đủ mọi phương thức, kể cả các kênh tuyên truyền. Và đâu rồi lòng khoan dung của họ khi FIFA loại tuyển Nga khỏi sân chơi bất chấp bóng đá Nga chẳng liên đới gì tới những việc mà chính quyền tổng thống Vladimir Putin đang làm?

Chiến tranh được khởi động bởi những chính trị gia, được thực thi bởi những quân nhân buộc phải tuân lệnh nhưng trừng phạt thì lại giáng lên đầu tất cả, kể cả những nhà thể thao chân chính và thậm chí là có tư tưởng tiến bộ.

Xét về hoàn cảnh, đấu tranh cho một cộng đồng chịu đựng quá nhiều định kiến và thiệt thòi, bị kỳ thị quá lâu dài và thậm chí bị xem như “dị dạng” như cộng đồng LGBTQ là một đấu tranh chính nghĩa, văn minh, tiến bộ và mang đầy ắp giá trị nhân bản. Nhưng Qatar không chỉ là một quốc gia đơn thuần. Qatar đại diện cho một thế giới khác, với những giá trị truyền thống riêng biệt khác (dù có thể còn lạc hậu), thế giới của một cộng đồng tín ngưỡng đông bậc nhất thế giới. Rõ ràng, đây là một va đập quá mạnh giữa giá trị phổ quát với giá trị của sự khác biệt. Và khi một va đập như thế xảy ra, để giải quyết nó không thể chỉ bằng “to mồm hơn” (louder) mà cần phải bằng sự tỉnh thức khôn khéo dần dần, có thể tính bằng cả thế kỷ. Hãy đặt câu hỏi “để mất bao lâu người ta mới có thể đấu tranh cho việc bỏ khăn trùm đầu với phụ nữ Hồi giáo?” để so sánh với việc mà Faeser và đội tuyển Đức nói riêng cũng như thế giới phương Tây nói chung đấu tranh cho những người LGBTQ ở thế giới Ả Rập.

Đó là sứ mệnh không thể tìm kiếm chiến thắng một sớm một chiều với sự ngạo nghễ. Và đó cũng không thể là sứ mệnh được thực thi theo kiểu bước vào nhà người khác và đòi lật bàn thờ gia chủ.

Trong khi đó, phương Tây chưa bao giờ thống kê có bao nhiêu phần trăm người sống trong thế giới Ả Rập thuộc cộng đồng LGBTQ và trong số họ có bao nhiêu người bị trừng phạt nặng nề bởi luật thần quyền hằng năm.

Câu chuyện Faeser và đội tuyển Đức chỉ là chuyện rất nhỏ, dù nó kết cục bằng thất bại đáng xấu hổ của những nhà VĐTG năm 2014. Những chỉ trích dành cho hành động của tuyển Đức sau thất bại ấy kiểu như “đá không lo đá lại lo bịt mồm” chỉ là những chỉ trích nặng màu thiên kiến và quá khích. Nhưng chúng cũng không khiêu khích hơn các hành động ngạo nghễ của những vị khách không biết nhập gia tuỳ tục ở xứ sở sẵn sàng bỏ hơn 200 tỉ USD cho làng túc cầu cả thế giới đến chơi cho vui. Qatar không màng dùng tiền can thiệp vào tỷ số để tiến sâu tạo nên tự hào chủ nhà. Họ tự hào sẵn rồi và họ cũng chấp nhận kịch bản thua trận bị loại khỏi cuộc chơi rồi.

Lại nói, trước khi bóng lăn, thông tấn phương Tây cáo buộc Qatar vi phạm nhân quyền với người lao động nhập cư; Qatar là đất nước hà khắc nên không CĐV nào dám tới xem World Cup dẫn tới việc chủ nhà phải đi thuê nhân công láng giềng đóng giả CĐV. Nhưng khi nhìn lên khán đài, như trận Anh gặp Mỹ chẳng hạn, tất cả những ai tin vào thông tin đó hẳn ngỡ ngàng. Hoá ra, những kẻ có tiền để đủ chi trả một chuyến du ngoạn thưởng thức bóng đá vẫn là những kẻ đủ khôn ngoan để không bị dẫn dụ bởi truyền thông xỏ mũi quần chúng như xỏ thừng vào mũi những chú bò.

Ít ai đọc được những bài “kiểm chứng sự thật” (Fact Check) kiểu như bài “Fact check: How many people died for the Qatar World Cup?” đăng trên trang của hãng tin DW của Đức. Ở bài viết đó, DW chỉ ra rất rõ toàn bộ các thông tin bêu xấu Qatar trong chuyện vi phạm nhân quyền đều là tin giả hoặc cố tình dẫn dụ. Điển hình là thông tin có đến 15.000 nhân công nước ngoài chết vì điều kiện lao động trong quá trình xây dựng các công trình World Cup ở Qatar là tin giả. Con số 15 ngàn ấy là gì? Chính cơ quan thống kê của chính phủ Qatar đã đưa ra số “người nhập cư chết ở Qatar từ 2010 đến 2019” là 15.021 người. Nhưng qua miệng lưỡi của tờ Guardian (Anh quốc) năm 2021, nó là số người chết vì World Cup. Hoặc là một thông tin khác, là tỷ lệ người chết hàng năm ở Qatar chẳng hạn. Thống kê cho thấy mỗi năm có 1.500 người chết trên tổng số hơn 2 triệu dân số Qatar. Tỷ lệ này là rất thấp và chính tổ chức y tế thế giới WHO còn khẳng định tỷ lệ lao động nhập cư chết ở Qatar hàng năm còn thấp hơn tỷ lệ lao động chết trên chính quê hương họ. Sự dẫn dụ này được quá nhiều người tin mù quáng trong khi các bài viết mang tính khoa học và minh bạch kiểu như bài đăng trên DW thì cứ lẩn khuất đâu đó, mờ dần trong làn sóng tin giả, tin bóp méo ồ ạt mỗi ngày.

Từ khán đài Qatar, chúng ta sẽ nhận ra diện mạo thế giới hôm nay rõ đến mức nào. Đó là một thế giới có thể nhân danh nhân quyền, tự do, nhân bản, khoan dung hay bất kỳ giá trị phổ quát nào để đè bẹp những giá trị riêng khác biệt. Thế giới Hồi giáo có giá trị khác biệt của họ mà việc FIFA yêu cầu các CĐV không mặc áo có thập tự thánh chiến vào sân vận động chính là tôn trọng sự khác biệt đó. Thế giới này đẹp bởi nó được tạo nên bởi vô vàn khác biệt đó, và từ đó tạo nên sự đa dạng. Thế giới này có thể đồng nhất hướng đến những giá trị to lớn chung nhưng không thể đồng dạng đến mức nhàm chán, monotone. Việc nhân danh những giá trị phổ quát để áp đặt các giá trị nhuốm màu mục tiêu chính trị riêng của mình lên các cộng đồng mang nhiều khác biệt thật ra là hành vi trấn áp văn hoá rất đáng lên án. Hành vi ấy không chỉ đang xảy ra ở Qatar, dù ta thấy nó rõ nhất vì đó đang là tiêu điểm, mà nó diễn ra ở khắp toàn cầu, đặc biệt là ở những vùng lãnh thổ, quốc gia bé nhỏ.

Cái băng One Love không xấu nhưng chúng ta có lẽ cần quên tất cả: từ Tây tới Đông; từ dân chủ tự do cho tới độc tài; từ nhất thể cho tới lưỡng tính; từ thập tự cho tới trăng lưỡi liềm vv và vv để chỉ tập trung vào đúng “một tình yêu duy nhất lúc này”. Đó chính là trái bóng. Nó đẹp không chỉ vì một quật khởi Ả Rập Saudi, một kiên cường Nhật Bản, một tưng bừng Tây Ban Nha, một đa dạng màu da nước Pháp mà còn là cả cú đón bóng tung người vắt mình dứt điểm của Richarlisson. Đấy mới là vẻ đẹp duy nhất, tình yêu duy nhất. Còn lại, các vị chính khách dù là nguyên thủ các cường quốc, chẳng còn ai quan trọng trong 1 tháng World Cup này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn từ khán đài Qatar: Chống lại sự khác biệt