Những đàn kiến vàng được nuôi trong vườn cam trở thành “vệ sĩ” khống chế các loài sâu bọ gây hại, giúp người nông dân phát triển vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ một cách bền vững.
Hà Tĩnh là địa phương có diện tích đồi núi và trung du tương đối lớn, đây là tiềm năng và lợi thế để phát triển các loài cây ăn quả có múi như cam, bưởi. Những năm qua, sản phẩm trái cây được sản xuất từ các trang trại vườn đồi ở Hà Tĩnh đã từng bước xây dựng thương hiệu và vươn ra thị trường toàn quốc.
Để có được những sản phẩm đạt chất lượng cao, người nông dân ở các huyện miền núi Hà Tĩnh đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, sáng kiến kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào việc trồng, chăm sóc cây.
Mới đây, người trồng cam ở huyện Vũ Quang đã áp dụng biện pháp sinh học rất đơn giản thay thế thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ vườn cam, tạo nên sản phẩm sạch. Đó là biện pháp nuôi kiến vàng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cho cây và quả cam.
Ông Lê Quang Toại ở thôn Đăng, xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang) là một trong những chủ trang trại thực hiện mô hình nuôi kiến vàng đầu tiên ở Hà Tĩnh. Ông Toại có trang trại cam rộng gần 2ha, trong đó có một phần diện tích lớn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.
Khác với những năm trước là phải bỏ ra gần chục triệu đồng để mua thuốc BVTV, năm nay ông Toại không cần phun thuốc nhưng vườn cây vẫn được bảo vệ khỏi sự gây hại của sâu bọ và côn trùng. Kết quả này là do ông đã nuôi kiến vàng trong vườn cam, sử dụng những đàn kiến như là “vệ sĩ” chống lại sự tấn công của các sinh vật gây hại cho cây và quả cam.
Mô hình nuôi kiến vàng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cho cây ăn quả được Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 - Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang triển khai từ tháng 8.2023. Mô hình này được thực hiện thí điểm tại các xã Thọ Điền, Quang Thọ và Đức Liên; có 4 hộ tham gia với tổng diện tích 10ha cây trồng.
Ban đầu, khi được cán bộ bảo vệ thực vật giới thiệu về mô hình nuôi kiến vàng, ông Toại khá bất ngờ và không nghĩ rằng phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ và chăm chú học hỏi, áp dụng, ông đã tự tin giao phó vườn cây của mình cho những “vệ sĩ” kiến vàng.
Ông Toại cho biết, ban đầu ông đi vào rừng cây keo tìm tổ kiến vàng. Khi phát hiện tổ kiến, ông cắt luôn cả cành cây có tổ đó bỏ vào bao tải bọc kín mang về gác lên cây cam. Để đàn kiến ở lại trên cây cam, ông phải bỏ thức ăn như tép biển hoặc cơm nguội vào các chai nhựa rồi buộc lên cành cam để làm mồi cho kiến. Khi đã “an cư”, kiến sinh sản, phát triển đàn và xây tổ mới rất nhanh chóng. Với vài tổ ban đầu, sau khoảng hai tháng, vườn cam của ông Toại đã có hơn 40 tổ kiến vàng.
“Từ khi thả nuôi kiến vàng trên cây cam, tôi thường xuyên theo dõi và thấy các loài như rệp, bọ xít, nhện đỏ, sâu đục quả, sâu đục thân… đều bị kiến ăn hết. Biện pháp này đã giúp gia đình tôi giảm một khoản chi phí mua thuốc BVTV, đỡ tốn công chăm sóc, sau nữa là hiệu quả mang lại khiến chúng tôi thấy rất phấn khởi”, ông Toại chia sẻ.
Ông Phan Anh Toản, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai mô hình nuôi kiến vàng cho thấy loài này khống chế sâu hại, nhện hại rất hiệu quả. Các vườn cam áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng này không cần phải phun thuốc để diệt sâu nữa.
Theo ông Toản, kiến vàng có thể có sẵn trong vườn cây ăn quả có múi hoặc được bắt từ các vườn keo trong rừng về nuôi. Muốn thả nuôi được loài sinh vật này thì hai tuần trước khi thả phải ngừng sử dụng thuốc BVTV. Nên chọn bắt các tổ kiến có lá bao còn xanh, có độ to trung bình từ 20cm trở lên và cấu tạo từ 2 lớp lá trở lên, bởi các tổ này có kiến chúa và mật độ kiến cao. Thu thập các tổ kiến trên cùng một cây để hạn chế tối đa hiện tượng kiến tiêu diệt lẫn nhau. Ngay sau khi thả nuôi, treo thức ăn cho kiến như ruột gà, vịt, đầu cá, tép biển... lên cây để kiến phục hồi nhanh.
Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTN) cho biết, mục đích triển khai mô hình nuôi kiến vàng là giúp người dân biết được vai trò của loài vật này trong quản lý sâu hại trên vườn cam. Từ đó người làm vườn biết phương pháp thu gom, nhân nuôi kiến. Sau khi nhân nuôi được thì họ biết cách sử dụng, bảo tồn, duy trì kiến trên vườn một cách lâu dài, nhằm phát triển cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn hữu cơ một cách bền vững.
Có kiến vàng trong vườn không chỉ bảo vệ được vườn cây trước các loài sâu bệnh gây hại mà còn giúp giảm chi phí mua các loại thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn chất lượng quả. Đây là một biện pháp sinh học rất cần thiết góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.