Trong một tuyên bố ngày 29.4, người phát ngôn Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc )khẳng định: Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un “không phải là người sẵn sàng phóng tên lửa hạt nhân qua Hàn Quốc, đến Thái Bình Dương hoặc phóng tới Mỹ”.
Thư ký báo chíYoon Young-chan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói tại cuộc họp báo: Ông Kim cũng hứa toàn thế giới sẽ được chứng kiến việc đóng cửa bãi thử hạt nhân trong tháng 5 tới, trước khi ông Kim có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người quyết ép Bình Nhưỡng phải hoàn toàn phi hạt nhân trước khi lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau.
“Ông Kim không phải người thích phóng tên lửa hạt nhân”
Ông Yoon nói: Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói với Tổng thống rằngông sẽ sớm mời các nhà báo và chuyên viên Mỹ - Hàn “để công khai việc mở cửa với cộng đồng quốc tế” về cuộc hủy bỏ các cơ sở hạt nhân.
Ông Yoon dẫn lời ông Kim rằng nếu Mỹ đối thoại với Triều Tiên, họ sẽ nhận ra ông ấy không phải là người sẵn sàng phóng tên lửa hạt nhân qua Hàn Quốc, đến Thái Bình Dương hoặc phóng tới Mỹ: “Nếu Mỹ thường xuyên gặp và xây dựng niềm tin với chúng tôi và hứa kết thúc chiến tranh và không xâm lược, thì tại sao chúng tôi lại khiến đời sống thêm khó khăn, bằng cách giữ kho vũ khí hạt nhân?”
Vị lãnh đạo Triều Tiên còn nói sẽ đóng cửa các cơ sở không còn hoạt động, nhưng “quývị sẽ thấy chúng tôi còn hai hầm ngầm phụ và lớn hơn những hầm khác ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri, và chúng vẫn còn hoạt động tốt”.
Gần đây, các chuyên gia nói bãi thử Punggye-ri đào sâu trong núi đã trở nên vô dụng vì đổ sụp sau 6 vụ thử hạt nhân từ năm 2006 đến năm 2017.
Thư ký Yoon còn nói ông Kim hứa sẽ thể hiện sự sẵn sàng “trả lời tích cực” với những nỗ lực thanh sát trong tiến trình phi hạt nhân.
Để tạo dễ dàng cho sự hợp tác liên Triều trong tương lai, vị lãnh đạo Triều Tiên còn hứa hủy múi giờ đặc biệt mà Bình Nhưỡng lập năm 2015. Ông nói Triều Tiên sẽ đổi giờ lên 30 phút để phù hợp với giờ ở Hàn Quốc.
Ông Yoon nói nhà lãnh đạo Kim tái khẳng định ông sẽ không dùng vũ lực quân sự đánh Hàn Quốc, và đề cập việc cần lập cơ chế phòng chống những vụ leo thang căng thẳng vô tình.
Tuyên bố chung không có kế hoạch hoàn toàn phi hạt nhân
Trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, giới truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Bình Nhưỡng sẽ lập tức ngưng thử hạt nhân và tên lửa, hủy bãi thử hạt nhân để theo đuổi hòa bình và phát triển kinh tế.
Hôm 27.4, trong cuộc gặp đầu tiên giữa đời thứ ba của dòng họ nắm quyền lực ở Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc, con trai một người di cư từ miền bắc chạy xuống miền nam để tránh Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), hai vị lãnh đạo đều hứa “hoàn toàn phi hạt nhân” bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm không gồm các bước cụ thể để đạt mục tiêu này. Đa phần thông tin trong Tuyên bố chung - có chữ ký của hai lãnh đạo liên Triều - chỉ chú trọng quan hệ liên Triều, không làm rõ câu hỏi Bình Nhưỡng có sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân (VKHN) và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay không.
Ngày 28.4, Hoàn cầu thời báo (Trung Quốc) có bài xã luận, nêu việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên có thể kết thúc sự thù địch giữa hai miền và “mở ra kỷ nguyên phát triển mới” ở bán đảo này.
Nhưng tờ báo cũng lưu ý: Tuyên bố chung liên Triều thiếu kế hoạch đạt đến mục tiêu: “Việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, được viết trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, chỉ là một viễn cảnh mà không có kế hoạch cụ thể. Vì những điều kiện này chỉ có thể đạt được giữa Mỹ - Triều và Hàn Quốc chỉ có chút quyền ngã giá hạn chế”.
Úc sẽ tích cực giám sát tàu thủy Triều Tiên chở hàng bị cấm vận
Khuya 28.4, Tổng thống Trumpđã gọi điện thoại cho Tổng thống Moon, nói ông hài lòng việc hai nhà lãnh đạo liên Triều tái khẳng định mục tiêu hoàn toàn phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn cũng nhất trí việc cần tổ chức sớm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, và hai ông bàn chuyện tổ chức cuộc gặp này ở vài địa điểm.
Một quan chức cấp cao Mỹ nói có thể Singapore được chọn để tổ chức cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump với ông Kim.
Tổng thống Trump nói cuộc gặp này có thể diễn ra trong 3 hoặc 4 tuần nữa. Ông cũng liên lạc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nói ông đã thúc Triều Tiên nhanh chóng giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật.
Trong khi đó,tại một cuộc họp báo ngày 28.4, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ca ngợi nỗ lực giúp hai nhà lãnh đạo liên Triều gặp nhau của Tổng thống Mỹ: “Donald Trump đã có quan điểm rất cứng rắn và mạnh mẽ về vấn đề phi hạt nhân, và Ngài có thể đem đến sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc”.
Ông Turnbull ám chỉ mối quan hệ kinh tế Trung - Triều: “Nay những gì chúng ta phải làm là không giảm sức ép kinh tế, cho đến khi đạt được mục tiêu ấy”.
Vị Thủ tướng nói Úc sẽ cử một máy bay quân sự, nhằm giám sát tàu thủy Triều Tiên bị nghi chở hàng cấm để thách thức các lệnh cấm vận của LHQ.
Iran hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Triều Hàn, nhưng nói Mỹ không là đối tác “xứng tầm” trong các cuộc đàm phán.
Giới truyền thông nhà nước dẫn lời người phát ngôn Bahram Qasemi của Bộ Ngoại giao Iran: “Iran nhận định cuộc gặp thượng đỉnh là bước quan trọng và đi đúng hướng, có thể góp phần vào an ninh và hòa bình khu vực và toàn cầu trong thời gian dài. Chính phủ Mỹ không là thế lực đáng tin cậy, không tuân thủ các quy định bắt buộc của quốc tế, và không đáng được tham gia các thỏa thuận giữa các nước với nhau”.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)