Phần Lan đã nhận được rất nhiều động viên từ các nước trong NATO để từ bỏ truyền thống trung lập về quân sự và đồng ý xin gia nhập khối. Nhưng họ lại bị Thổ Nhĩ Kỳ ngáng đường.
Hôm 15.5, Phần Lan đã báo hiệu rằng họ sẽ gia nhập NATO, một sự đảo ngược lịch sử trong nhiều thập kỷ trung lập của quốc gia Bắc Âu. Nhưng ngay trước đó 2 hôm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan cho biết Ankara không giữ "quan điểm tích cực" về việc Phần Lan hay Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ là vô cùng quan trọng vì nước này và 29 thành viên khác của NATO phải đồng thuận thì khối mới kết nạp được thành viên mới. Chỉ cần quốc hội một nước thành viên NATO không đồng ý thì không thể kết nạp thành viên mới mà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ do đảng của ông Erdogan nắm đa số.
Trước thái độ của Ankara, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết ông "ngạc nhiên" khi Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn Phần Lan gia nhập NATO bởi vì trước đó, ông Erdogan nói riêng rằng ông sẽ không có vấn đề gì khi Phần Lan gia nhập liên minh.
"Đầu tiên, tại sao tôi lại ngạc nhiên, vì tôi đã có một cuộc thảo luận qua điện thoại với tổng thống Erdogan. Đó là khoảng một tháng trước", Niinistö nói với CNN. "Và sau đó ông ấy nói rằng họ sẽ dự liệu, ủng hộ chúng tôi đăng ký thành viên. Và bây giờ chuyện đó đã thay đổi".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã tìm cách hạ thấp bình luận của Erdogan. Cả Blinken và Stoltenberg hôm Chủ nhật đều gợi ý rằng mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được giải quyết.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên trên Politico Europe: “Tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ theo cách không làm trì hoãn quá trình gia nhập hoặc xác nhận tư cách thành viên. Tôi đồ rằng vẫn có một quá trình nhanh và chóng".
Daily Sabah cho biết: "Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ thường duy trì quan hệ tốt với Phần Lan, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại có một số bất đồng với Thụy Điển do Stockholm ủng hộ hoạt động của đảng Công nhân người Kurd tại Syria là YPG, trong khi phản đối các hoạt động xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhóm khủng bố ở miền bắc Syria".
Trước đó, ông Erdogan tuyên bố rằng "các nước Scandinavia là nhà nghỉ cho các tổ chức khủng bố." Lời cáo buộc của ông có thể ám chỉ sự ủng hộ của Thụy Điển đối với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo. Mỹ cũng đã hỗ trợ SDF, điều đã dẫn đến căng thẳng giữa hai thành viên NATO hiện tại.